Biến chứng của bệnh quai bị và biện pháp phòng ngừa
Quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, thường gặp ở trẻ em. Bệnh thường có triệu chứng sưng đau tuyến nước bọt mang tai, sốt, nhức đầu, mệt mỏi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, quai bị có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của người bệnh.
Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về các biến chứng của bệnh quai bị, cũng như các biện pháp phòng ngừa hiệu quả để bảo vệ bản thân và cộng đồng khỏi căn bệnh này.
Bệnh quai bị là gì?
Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus quai bị gây nên, triệu chứng điển hình của bệnh là sưng đau tuyến mang tai. Bệnh quai bị có thể gây ra những biến chứng lâu dài cho sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản của nam giới nếu không điều trị và chăm sóc đúng cách. Bệnh thường xuất hiện và lây lan ở những khu vực ôn đới, đông đúc dân cư và những nơi kém phát triển.
Nguyên nhân của bệnh quai bị
Quai bị do virus paramyxo gây nên. Đây là chủng virus có khả năng tồn tại lâu ở môi trường bên ngoài cơ thể: từ 30 đến 60 ngày ở nhiệt độ 15 đến 20 độ C, từ 1 đến 2 năm ở nhiệt độ – 25 tới -70 độ C. Tuy nhiên, virus quai bị có thể diệt nhanh chóng ở nhiệt độ trên 56 độ C, dưới ánh sáng mặt trời, với những hóa chất khử khuẩn chứa Clo và các chất khử khuẩn bệnh viện thường dùng.
Triệu chứng của bệnh quai bị
Một số biểu hiện cần lưu ý khi bị nhiễm virus quai bị:
- Viêm tuyến nước bọt: đây là triệu chứng đến sớm nhất, thời gian ủ bệnh thường là khoảng một vài tuần.
- Giai đoạn phát bệnh: sốt cao (38 – 39 độ C), toàn thân mệt mỏi, đau nhức đầu, ngủ kém và chán ăn. Những dấu hiệu này thường bị nhầm với tình trạng viêm xoang, viêm mũi, hoặc viêm phế quản cấp tính (các bệnh về đường hô hấp).
- Sốt cao sau 1 – 3 ngày thì bệnh nhân bị sưng to tuyến nước bọt. Mới đầu sẽ là sưng một bên, sau đó là sưng cả 2 bên. Tuy nhiên mức độ sưng của 2 bên lại không đối xứng nhau (bên to bên nhỏ). Nhiều bệnh nhân vì sưng tuyến nước bọt quá to mà khiến cho khuôn mặt bị biến dạng. Khi sờ vào vùng da này sẽ thấy đau, nóng và đỏ.
- 3 vị trí đau khi mắc quai bị: điểm mỏm xương chũm, góc thái dương – hàm và góc xương hàm dưới. Tình trạng này khiến người bệnh bị khó nuốt, khó nhai.
Biểu hiện sốt sẽ đi kèm với hiện tượng sưng tuyến nước bọt và triệu chứng này thường sẽ kéo dài từ 5 – 7 ngày. Khi tuyến nước bọt hết sưng thì bệnh nhân cũng hết sốt.
Đặc điểm cần lưu ý khi mắc quai bị đó là mặc dù bị sưng to nhưng tuyến nước bọt lại không hóa mủ (trừ khi bệnh nhân bị bội nhiễm do virus khác xâm nhập). Không chỉ dừng lại ở tuyến nước bọt, virus quai bị còn có thể tấn công sang những cơ quan khác.
Biến chứng của bệnh quai bị
Quai bị là bệnh lành tính và các triệu chứng có thể thoái lui trong vòng khoảng 10 ngày và không để lại nhiều biến chứng. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bệnh có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe; một trong những biến chứng điển hình nhất do quai bị gây ra đó là viêm buồng trứng ở nữ giới và viêm tinh hoàn ở nam giới.
- Viêm tinh hoàn ở nam giới:
Biến chứng này thường gặp ở bệnh nhân đang trong độ tuổi thanh thiếu niên và dậy thì. Sau khoảng 5 – 7 ngày bị viêm tuyến nước bọt, bệnh nhân có thể sẽ xuất hiện các biến chứng quai bị ở tinh hoàn. Viêm một bên tinh hoàn sẽ gặp nhiều hơn so với viêm cả 2 bên.
Khi bị viêm tinh hoàn, bệnh nhân sẽ sốt cao trở lại, thậm chí là sốt cao hơn so với khi bị viêm tuyến nước bọt. Quan sát sẽ thấy tinh hoàn bị sưng to và kèm theo đau đớn, da bìu bóng, phù nề, đỏ và căng tức.
Không chỉ có vậy, bệnh nhân còn có nguy cơ bị viêm mào và viêm thừng tinh hoàn, tràn dịch màng tinh hoàn. Sau khoảng 3 – 5 ngày người bệnh ngừng sốt. Tình trạng sưng đau tinh hoàn giảm dần và khoảng 3 – 4 tuần sau bệnh mới thoái lui.
Nguy hiểm nhất là khi viêm tinh hoàn tiếp tục diễn tiến và gây ra biến chứng teo tinh hoàn. Nếu chỉ bị teo một bên thì vẫn duy trì được chức năng sinh lý, sinh sản. Còn nếu teo cả 2 bên thì nguy cơ vô sinh là rất cao.
- Viêm buồng trứng ở nữ
Nữ giới mắc quai bị có thể bị viêm buồng trứng, nhưng tỉ lệ biến chứng thấp, không ảnh hưởng nghiêm trọng gây vô sinh. Tuy nhiên phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu bị quai bị sẽ có nguy cơ cao thai nhi bị dị tật bẩm sinh hoặc sảy thai. Nếu mắc quai bị khi mang thai ở 3 tháng cuối rất có khả năng sinh non hoặc thai chết lưu.
Vì vậy, phụ nữ trước khi mang thai cần tiêm phòng đầy đủ vacxin phòng bệnh rubella, quai bị, sởi…những bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm trong thai kỳ.Các biến chứng khác:
- Các biến chứng khác:
Ngoài ra, một số biến chứng như viêm tụy cấp tính, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, giảm bạch cầu… cũng có thể gặp nhưng không nhiều. Tuy vậy, những biến chứng này lại rất nguy hiểm vì có thể đe dọa đến tính mạng nên cần đi khám ngay ở các cơ sở y tế và thực hiện theo chỉ định của bác sĩ.
Bệnh quai bị có chữa được không?
Hiện nay, bệnh quai bị vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ là điều trị triệu chứng. Khi phát hiện bệnh, nên cách ly người bệnh trong khoảng 2 tuần. Trong trường hợp bệnh nhẹ, người bệnh có thể được cách ly và điều trị tại nhà theo sự hướng dẫn của các cơ sở y tế. Trong thời gian cách ly, bệnh nhân cần hạn chế tiếp xúc, thường xuyên đeo khẩu trang. Đồ dùng cá nhân của người bệnh và dụng cụ y tế có liên quan cần phải được khử khuẩn bằng dung dịch cloramin 2% hoặc các chất khử khuẩn khác. Sau khi hết thời gian cách ly, các dụng cụ cá nhân của người bệnh và buồng bệnh cần được khử khuẩn lần cuối để tránh nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.
Trong quá trình điều trị, cần lưu ý:
- Vận động nhẹ nhàng, nghỉ ngơi hợp lý,
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn những món được chế biến mềm, lỏng, chia nhỏ các bữa trong ngày. Không nên ăn thịt gà, đồ cay nóng,… vì có thể khiến niêm mạc họng bị kích ứng. Bổ sung khoáng chất, vitamin qua rau xanh.
- Tích cực uống nhiều nước, không nên uống nước ép trái cây có vị chua vì sẽ kích thích niêm mạc hầu họng
- Chườm lạnh vùng sưng tuyến nước bọt để giảm đau
- Hạ sốt bằng cách chườm ấm hoặc dùng thuốc paracetamol. Mặc dù đây không phải là thuốc kê đơn nhưng bệnh nhân cần dùng thuốc theo hướng dẫn với liều lượng hợp lý để tránh nguy cơ bị ngộ độc paracetamol
- Giữ vệ sinh vòm họng bằng cách súc miệng hàng ngày với nước ấm và nước muối pha loãng
- Vệ sinh nhà cửa, phòng ốc, không gian sống, tận dụng năng lượng từ ánh sáng mặt trời
- Trong trường hợp viêm tinh hoàn, người bệnh cần mặc quần lót nâng tinh hoàn để giảm đau, dùng thêm corticoid liều cao ngay từ đầu, Prednisolon 60mg/ ngày, sau đó giảm dần trong 7 – 10 ngày. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào để điều trị bệnh quai bị
Phòng ngừa bệnh quai bị
- Tiêm vacxin là phương pháp tốt nhất để phòng ngừa bệnh quai bị. Tất cả các đối tượng từ trẻ em, thanh thiếu niên, người trưởng thành chưa có miễn dịch cần tiêm chủng phòng ngừa bệnh quai bị.
- Hình thành thói quen sinh hoạt lành mạnh:
- Thường xuyên rèn luyện thể lực, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên súc họng bằng nước muối hoặc với các dung dịch kháng khuẩn lành tính khác;
- Giữ môi trường sống luôn sạch sẽ, thông thoáng khí, thường xuyên vệ sinh các đồ chơi, vật dụng cá nhân;
Tránh tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, sau tiếp xúc nên rửa tay với xà phòng, tránh đưa tay lên mắt, mũi miệng; - Mang khẩu trang khi tiếp xúc ở nơi đông người, những khu vực có nguy cơ lây bệnh cao như bệnh viện
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.