Các biện pháp phòng ngừa viêm phổi ở người lớn
Viêm phổi là bệnh lý nhiễm trùng tại nhu mô phổi. Đây là bệnh lý phổ biến, ảnh hưởng tới khoảng 450 triệu người trên khắp toàn cầu. Tỷ lệ tử vong do viêm phổi khoảng 7% mỗi năm. Vì vậy, hiểu biết về bệnh và các biện pháp phòng ngừa là rất cần thiết.
Những điều cần biết về viêm phổi
Viêm phổi là gì?
Viêm phổi là hiện tượng viêm nhiễm của nhu mô phổi bao gồm viêm phế nang, túi phế nang, ống phế nang, tổ chức liên kết khe kẽ và viêm tiểu phế quản tận cùng. Các phế nang, đường dẫn khí trong phổi có thể chứa đầy chất lỏng hoặc mủ, gây ho có đờm hoặc mủ, sốt, ớn lạnh và khó thở. Bệnh viêm phổi có nhiều mức độ khác nhau từ viêm nhẹ, đến viêm phổi nặng. Bệnh đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người trên 65 tuổi có nhiều bệnh nền, hoặc hệ miễn dịch suy yếu.
Viêm phổi là tình trạng viêm nhiễm của nhu mô phổi
Triệu chứng viêm phổi ở người lớn
Các biểu hiện bệnh viêm phổi khác nhau từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào các yếu tố như loại vi trùng gây viêm phổi, tuổi tác và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Các dấu hiệu và triệu chứng nhẹ thường tương tự như cảm lạnh hoặc cúm, nhưng chúng kéo dài hơn.
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm phổi có thể bao gồm:
- Đau ngực khi bạn thở hoặc ho
- Ho, ho có đờm
- Mệt mỏi
- Sốt, đổ mồ hôi và ớn lạnh
- Ở người già hoặc người suy giảm miễn dịch có thể không sốt
- Buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy
- Khó thở
- Người già có thể lú lẫn
Nguyên nhân viêm phổi
Một số nguyên nhân gây viêm phổi như:
- Do vi khuẩn: Vi khuẩn là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp viêm phổi cộng đồng ở người trưởng thành. Viêm phổi do vi khuẩn thường lây truyền qua đường giọt bắn (khi người khỏe mạnh hít, nuốt phải các giọt chứa đầy vi khuẩn sau khi người mắc bệnh ho hoặc hắt hơi). Những người có hệ miễn dịch suy yếu, những người có các bệnh lý nền mạn tính sẽ dễ bị viêm phổi do vi khuẩn hơn người bình thường.
- Do virus: Hiện nay, viêm phổi do virus nguy hiểm nhất là virus SARS-CoV-2. Tính đến ngày 4-9-2021, bệnh viêm phổi do virus SARS-CoV-2 đã tấn công toàn cầu, lây nhiễm cho 220 triệu người, trong đó có trên 4.56 triệu người tử vong. Ngoài ra, viêm phổi có thể do nhiều loại virus khác gây cảm lạnh, cúm.
- Do nấm: Loại viêm phổi này do hít phải các bào tử của nấm, hay gặp ở những người có vấn đề sức khỏe mạn tính hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu. Viêm phổi do nấm phát triển rất nhanh, các bào tử nấm khi hít phải bám vào phổi. Người hút thuốc lá, sinh sống ở môi trường bụi bẩn, ẩm mốc, dễ mắc bệnh viêm phổi do nấm.
- Do hóa chất: Viêm phổi do hóa chất hay còn được gọi là viêm phổi hít. Đây là bệnh viêm phổi rất ít gặp, nhưng mức độ nguy hiểm cao. Viêm phổi do hóa chất xảy ra với nhiều mức độ khác nhau. Mức độ nặng của tình trạng sẽ phụ thuộc vào: loại hóa chất, thời gian phơi nhiễm, thể trạng người bệnh, các biện pháp sơ cứu đã thực hiện… Ngoài ra, các hóa chất gây viêm phổi còn có thể gây hại cho nhiều cơ quan khác.
- Viêm phổi bệnh viện: Là viêm phổi xảy ra sau 48 giờ nhập viện mà trước đó người bệnh không có các triệu chứng của viêm phổi. Viêm phổi bệnh viện thường do những vi khuẩn gây ra là P. aeruginosa, Acinetobacter spp, Enterobacteriacae, Haemophillus spp, S. aureus, Streptococcus spp.
- Viêm phổi cộng đồng: Viêm phổi cộng đồng là cách chỉ tất cả các loại viêm phổi mà không phải là viêm phổi bệnh viện. Nguyên nhân gây ra viêm phổi cộng đồng rất đa dạng, thông thường nhất là viêm phổi do vi khuẩn, virus.
Yếu tố làm tăng nguy cơ gây viêm phổi ở người lớn
Một vài yếu tố làm tăng nguy cơ viêm phổi ở người lớn như:
- Người trên 65 tuổi;
- Người dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như: cảm lạnh, cảm cúm hoặc viêm thanh quản;
- Người có tiền sử hoặc đang mắc các bệnh về gan, tim mạch, đái tháo đường, hen suyễn…;
- Người bị suy giảm miễn dịch như: người có cơ quan nội tạng được cấy ghép, người bị bệnh bạch cầu hoặc HIV/AIDS hoặc đang điều trị ung thư;
- Người hút thuốc lá, sinh sống ở nơi nhiều khói bụi, khói bếp…
- Người đang nằm ở bệnh viện, hoặc đang thở máy,…
Phác đồ điều trị viêm phổi ở người lớn
Tùy vào mức độ nặng của viêm phổi, bác sĩ sẽ quyết định hướng điều trị. Các trường hợp viêm phổi nhẹ có thể điều trị ngoại trú, trong khi các trường hợp viêm phổi trung bình đến nặng cần nằm viện để điều trị.
Viêm phổi cần sử dụng kháng sinh để điều trị. Loại thuốc kháng sinh được sử dụng phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, mức độ nặng của bệnh, tuổi tác, bệnh đồng mắc và các tương tác thuốc. Thời gian sử dụng kháng sinh từ 7-14 ngày tùy vào tác nhân gây bệnh.
Một số loại thuốc kháng sinh thường dùng trong điều trị viêm phổi như: amoxicillin, amoxicilin – acid clavulanic, clarithromycin, erythromycin, clindamycin, azithromycin, cefuroxim, levofloxacin, moxifloxacin, cefotaxim, ceftriaxon, ceftazidim…
Viêm phổi do virus điều trị triệu chứng là chính như hạ sốt, giảm đau kèm theo thuốc kháng virus – Oseltamivire. Viêm phổi virus thường có biểu hiện bội nhiễm vi khuẩn, nên cần dùng kháng sinh.
Trong trường hợp viêm phổi nặng có thể cần phải thở oxy, thông khí nhân tạo, đồng thời điều trị các biến chứng nếu có.
Thời gian hồi phục của bệnh tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Các trường hợp nhẹ có thể khỏi bệnh sau một tuần, trong khi các trường hợp nặng cần cả tháng hoặc lâu hơn để có thể hồi phục hoàn toàn.
Biện pháp phòng ngừa viêm phổi ở người lớn
Để phòng ngừa bệnh viêm phổi và đặc biệt là viêm phổi nặng, nên:
Tiêm chủng vắc xin phòng viêm phổi
Các chuyên gia y tế khuyến cáo các loại vắc xin phòng viêm phổi mà trẻ em và người lớn, đặc biệt đối tượng yếu thế cần tiêm ngay thời điểm này gồm:
- 2 loại vắc xin phòng bệnh viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa, nhiễm khuẩn huyết (nhiễm trùng máu),… do phế cầu khuẩn: Synflorix (Bỉ), Prevenar 13 (Bỉ).
- 4 loại vắc xin cúm mùa phòng ngừa bệnh cúm và các biến chứng viêm phổi: Vaxigrip Tetra (Pháp), Influvac Tetra (Hà Lan), Ivacflu-S (Việt Nam), GC FLU Quadrivalent (Hàn Quốc). Đặc biệt, vắc xin cúm đã được chứng minh mang lại hiệu quả phòng bệnh cộng hưởng, giúp giảm tỷ lệ biến chứng nghiêm trọng, nhập viện và ít chăm sóc khẩn cấp (ICU) do Covid-19.
- Vắc xin VA-Mengoc BC (Cu Ba) phòng viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa,… do não mô cầu khuẩn tuýp BC và vắc xin Menactra (Mỹ) phòng viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa,… do não mô cầu khuẩn tuýp A,C,Y,W-135.
- 2 loại vắc xin 3 trong 1 phòng Ho gà – Bạch hầu – Uốn ván: Boostrix (Bỉ), Adacel (Canada) giúp bảo vệ đường hô hấp do vi khuẩn Ho gà, Bạch hầu.
- 2 loại vắc xin 6 trong 1 Hexaxim (Pháp)/ Infanrix Hexa (Bỉ) phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và bệnh viêm phổi – viêm màng não do HIB.
- 2 loại vắc xin 5 trong 1 Pentaxim (Pháp)/Infanrix IPV+Hib (Bỉ) phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và bệnh viêm phổi – viêm màng não do Hib.
- Vắc xin 4 trong 1 Tetraxim phòng Ho gà – Bạch hầu – Uốn ván – Bại liệt.
- Vắc xin Quimi – Hib (Cuba) phòng bệnh viêm phổi, viêm màng não do Hib.
Tiêm vắc xin là cách phòng ngừa viêm phổi hiệu quả
Xây dựng chế độ sinh hoạt – dinh dưỡng lành mạnh, khoa học
- Giữ ấm cho cơ thể, đặc biệt là lúc giao mùa.
- Tránh môi trường có nhiều khói thuốc lá, không thuốc lá,…
- Thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng có tác dụng diệt khuẩn, đặc biệt là từ bên ngoài trở về nhà.
- Mang khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, đặc biệt là những người mắc bệnh có thể lây qua đường hô hấp,…
- Tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng góp phần tăng cường hệ miễn dịch. Một số thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như: rau xanh, trái cây, thịt, cá, trứng sữa,…
- Vệ sinh hầu họng, mũi miệng thường xuyên bằng nước muối sinh lí nhằm loại bỏ vi khuẩn hiện diện.
- Quản lý tốt các bệnh lý nền như đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn, bệnh gan mạn tính, bệnh thận mạn tính…
- Điều trị triệt để các nhiễm trùng tai mũi họng, răng hàm mặt.
Hy vọng những chia sẻ trên đây giúp bạn đọc có thêm hiểu biết về bệnh Viêm phổi. Tất cả các trường hợp có biểu hiện của viêm phổi hoặc nghi ngờ viêm phổi đều cần đến gặp bác sĩ để khám, chẩn đoán và điều trị.