Biểu hiện và cách xử lý kịp thời khi gặp cơn hen suyễn - khi nào cần gọi cấp cứu?
Hen suyễn còn gọi là Hen phế quản là bệnh mạn tính phổ biến trên thế giới và Việt Nam với xu hướng ngày càng tăng và tỷ lệ tử vong cao. Xu hướng gia tăng của bệnh hen gần đây là do tăng số người hút thuốc và mức độ ô nhiễm môi trường. Đây là một bệnh nguy hiểm với nhiều hậu quả nghiêm trọng, gây ra gánh nặng lớn cho người bệnh, gia đình và xã hội. Việt Nam có khoảng 4 triệu người mắc hen phế quản, với 3.000-4.000 người tử vong vì căn bệnh này mỗi năm.
Vậy hen suyễn là gì?
Hen suyễn (hen phế quản) là căn bệnh mãn tính của đường hô hấp. Bệnh xảy ra khi đường thở bị co thắt, phù nề, tăng tiết đờm làm tắc nghẽn, hạn chế luồng khí vào đường thở. Dẫn đến tình trạng bệnh nhân bị xuất hiện các dấu hiệu bị khò khè, khó thở, nặng ngực và ho tái diễn nhiều lần với tần suất thường xảy ra vào ban đêm và sáng sớm.
Triệu chứng của hen suyễn là gì?
Triệu chứng của hen suyễn có thể khác nhau ở mỗi người. Biểu hiện có thể xảy ra thường xuyên hoặc không liên tục. Những triệu chứng điển hình của bệnh hen suyễn:
- Thở khò khè, thở rít điển hình của bệnh hen khi không khí đi qua đường dẫn khí vào phổi bị cản trở bởi các ống khí quản bị phù nề
- Hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt, đỏ mắt
- Ho nhiều thường xảy ra vào ban đêm, sáng sớm hoặc lúc thời tiết có sự thay đổi
- Hụt hơi, khó thở
- Đau thắt ngực hoặc nặng ngực khi gắng sức
- Khó ngủ, ngủ không ngon giấc
Thường có rất nhiều nguyên nhân gây nên cơn hen suyễn như di truyền hay tiếp xúc với các dị nguyên như khói bụi, khói thuốc lá hay là vận động quá sức. Khi cơn hen khởi phát thì các cơ phế quản sẽ bị co thắt, phù nề và tăng tiết đờm dẫn đến tình trạng khó thở. Vậy khi bị hen suyễn khó thở thì nên làm gì?
Cách xử lý cơn hen suyễn?
- Nếu chẳng may cơn hen suyễn cấp tính xuất hiện thì điều cần thiết đầu tiên là đưa bệnh bệnh tránh xa các dị nguyên (bụi xe, khói thuốc lá, nấm mốc, lông thú..)
- Tìm một nơi thoáng đãng để nghỉ ngơi và bình tĩnh vì khi bị kích động, lo lắng có thể khiến cho tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Bệnh nhân cần bình tĩnh cố gắng hít thở thật sâu và đều.
- Sử dụng ngay thuốc cắt cơn cho bệnh nhân. Thường những thuốc cắt cơn khó thở sẽ là dạng xịt salbutamol. Xịt 2 nhát liền cho bệnh nhân. 20 phút sau, nếu triệu chứng không thuyên giảm thì xịt thêm 2 nhát nữa và đưa bệnh viện gần nhất
Một số cơn hen suyễn có thể thuyên giảm khi chúng ta xử lý bằng cách cách xử lý tại nhà. Nhưng cũng có một số cơn hen suyễn thể nặng thì bắt buộc phải đưa bệnh nhân đi bệnh viện càng sớm càng tốt
Vậy khi nào cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu?
- Bệnh nhân lên những cơn hen suyễn nặng như lúc ngồi nghỉ cũng khó thở, không nói được hết câu và thở dốc
- Bệnh nhân có những dấu hiệu như tím tái, vã mồ hôi. Triệu chứng vẫn không thuyên giảm sau khi dùng thuốc.
- Khi bệnh nhân có những dấu hiệu như trên thì ngay lập tức gọi điện cho xe cấp cứu và xịt thêm 2 nhát cấp cho bệnh nhân trong lúc chờ đợi
Bệnh hen suyễn rất nguy hiểm khi lên những cơn cấp như vậy. Vậy bản thân bệnh nhân và người nhà cần biết cách làm giảm cơn hen suyễn tại nhà
- Tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ
- Giữ bệnh nhân tránh xa các dị nguyên như phấn hoa, nấm mốc, khói thuốc lá, lông thú vật hay các đồ ăn dị ứng
- Luôn giữ ấm cho cơ thể
- Tiêm vacxin phòng cúm mùa, phế cầu khuẩn và ho gà
- Tránh vận động quá sức
- Bệnh nhân nhân phải luôn mang theo mình bình xịt cắt cơn. Nếu là trẻ nhỏ thì phải thông báo cho thầy cô biết về tình trạng của bé
- Tránh sử dụng các thuốc kháng viêm NSAID như aspirin
- Ăn uống đầy đủ, bổ sung các loại vitamin tăng đề kháng
- Phổ cập kiến thức cho người nhà biết về bệnh hen suyễn và phải biết được khi lên cơn hen suyễn phải làm sao để có thể hỗ trợ người bệnh một cách tốt nhất.
Bệnh hen suyễn là bệnh nguy hiểm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, tuy vậy chúng ta vẫn có thể kiểm soát được bệnh nếu hiểu rõ về bệnh và tuân thủ các phác đồ điều trị của bác sĩ. Vậy nên khi thấy có những dấu hiệu triệu chứng nói trên thì mọi người nên đi khám tại các cơ sở uy tín để được chẩn đoán và hỗ trợ điều trị đúng cách.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.