Buồn nôn là do đâu? Cách giảm buồn nôn nhanh chóng tại nhà
Buồn nôn là một cảm giác gây khó chịu và mệt mỏi cho nhiều người. Tình trạng này có thể xuất phát từ các vấn đề tiêu hóa, tâm lý và bệnh lý. Vì vậy, việc hiểu rõ nguyên nhân sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn và tránh được những tác động tiêu cực đến sức khỏe.
Nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng buồn nôn
Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng buồn nôn:
Trào ngược dạ dày
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là khi axit dạ dày bị đẩy ngược lên thực quản, dẫn đến cảm giác khó chịu và buồn nôn. Điều này thường xảy ra sau khi ăn hoặc khi nằm ngay sau khi ăn.
Thường xuyên stress và lo lắng
Stress và lo lắng kéo dài có thể tác động mạnh mẽ đến hệ tiêu hóa, gây ra các triệu chứng như buồn nôn, đau bụng và khó tiêu. Khi bạn căng thẳng, cơ thể sẽ giải phóng các hormone như adrenaline, gây ra sự co thắt cơ bắp và làm chậm quá trình tiêu hóa.
Biến chứng của tiểu đường
Tiểu đường không kiểm soát có thể dẫn đến một biến chứng nghiêm trọng gọi là gastroparesis, khiến dạ dày không thể làm rỗng một cách bình thường. Điều này dẫn đến nôn mửa và cảm giác no lâu sau khi ăn.
Khi bạn mắc tiểu đường tuýp 1, cơ thể không sản xuất đủ insulin làm lượng ceton trong máu và nước tiểu tăng lên, dẫn đến chứng nhiễm ceton. Chính tình trạng này là nguyên nhân gây ra buồn nôn ở người bị tiểu đường.
Viêm túi mật
Viêm túi mật, thường do sỏi mật gây ra, có thể làm tắc nghẽn dòng chảy của dịch mật từ túi mật vào ruột non. Bệnh này xuất hiện các triệu chứng đau bụng dữ dội và buồn nôn, thường là do ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ.
Do bia rượu
Uống bia rượu quá mức có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày, dẫn đến nôn mửa. Ngoài ra, việc tiêu thụ rượu cũng có thể làm mất cân bằng các chất điện giải trong cơ thể làm nôn ói.
Tác dụng phụ của một số loại thuốc
Một số loại thuốc như kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc bệnh tiểu đường và thuốc huyết áp… có thể gây ra các tác dụng phụ ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá và gây ra các triệu chứng đau dạ dày, nôn mửa…
Dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim
Buồn nôn cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim, đặc biệt khi đi kèm với các triệu chứng khác như đau ngực, khó thở và chóng mặt. Nếu bạn nghi ngờ hoặc có tiền sử mắc các bệnh về tim mạch, hãy tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức.
Triệu chứng đi kèm khi buồn nôn
Buồn nôn có thể đi kèm với nhiều triệu chứng khác như:
- Đau bụng, tiêu chảy.
- Khó thở, tức ngực.
- Đầy hơi, khó tiêu và chướng bụng.
- Nôn mửa ra máu.
- Sốt cao có thể phát ban.
- Mệt mỏi, đau đầu và mất ngủ.
- Khô môi, tiểu ít (biểu hiện mất nước).
- Đi tiêu, tiểu ra máu hoặc có màu giống nước trà.
Gợi ý một số cách hết buồn nôn nhanh chóng
Tình trạng buồn nôn khá phổ biến và có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống. Nếu bạn chỉ gặp phải nôn mửa nhẹ, hãy thử áp dụng những biện pháp sau đây:
- Tránh ăn các loại thực phẩm có nhiều gia vị, mùi mạnh hoặc nhiều dầu mỡ.
- Hít thở sâu ở không gian thoáng để giảm căng thẳng và giảm triệu chứng nôn ói.
- Trà gừng ấm có tác dụng chống buồn nôn tự nhiên và cải thiện các vấn đề về tiêu hóa.
- Sau khi ăn nên ngồi thẳng lưng hoặc đi bộ nhẹ nhàng để ngăn axit dạ dày trào ngược lên thực quản. Tránh vận động mạnh hoặc nằm ngay.
- Chia nhỏ các bữa ăn chính thành nhiều bữa nhỏ.
- Nếu buồn nôn không giảm, bạn có thể sử dụng thuốc chống theo chỉ định của bác sĩ.
Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ?
Nếu tình trạng buồn nôn kéo dài từ 6 đến 24 giờ hoặc đi kèm với các triệu chứng nghiêm trọng, cách tốt nhất là nên đi khám bác sĩ ngay lập tức vì đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Đối với trẻ em:
- Nôn mửa kéo dài hơn vài giờ.
- Xuất hiện tiêu chảy.
- Có dấu hiệu mất nước (khô môi, tiểu ít).
- Sốt cao trên 38°C.
Đối với người lớn:
- Mất tỉnh táo hoặc khó tập trung.
- Nôn ra máu.
- Đau bụng, đau đầu dữ dội.
- Tiêu chảy.
- Sốt trên 38,5°C.
- Khó thở, tim đập nhanh.
Buồn nôn tuy không phải lúc nào cũng nguy hiểm, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Nếu buồn nôn đi kèm với các triệu chứng bất thường hoặc không thuyên giảm, hãy tìm đến bác sĩ để được tư vấn và điều trị đúng cách.