Các cách phòng tránh bệnh trầm cảm sau sinh
Theo nhiều thống kê, có khoảng 10-20% phụ nữ sau khi sinh rơi vào rối loạn tâm lý, trầm cảm. Trong đó có 15% trường hợp xuất hiện trầm cảm trong 3 tháng đầu sau sinh, 15 – 25% xảy ra trong năm đầu sau sinh. Các dấu hiệu ban đầu của trầm cảm sau sinh thường không được gia đình chú ý, chỉ đến khi xảy ra nhiều hậu quả đau lòng thì người ta mới nghĩ lại về các dấu hiệu gợi báo của căn bệnh này. Vì vậy cần nhận biết sớm để có cách ứng phó hoặc tìm kiếm sự trợ giúp đỡ.
Bệnh trầm cảm sau sinh là gì?
Trầm cảm sau sinh (PPD) là tình trạng người phụ nữ bị rối loạn cảm xúc, thay đổi về thể chất và tâm lý, hành vi sau khi sinh con. Họ thường có suy nghĩ tiêu cực, mệt mỏi, cáu gắt, buồn chán, lo lắng nhiều vấn đề trong đời sống. Bệnh lý này có thể ở mức nhẹ, vừa hoặc nặng, tự khỏi hoặc thậm chí sẽ không thể tự hết nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.
Nguyên nhân có thể do sau khi sinh con, cơ thể người phụ nữ thường có những sự thay đổi đột ngột về nội tiết nên dễ dẫn đến cảm giác mệt mỏi, trầm cảm. Ngoài ra, thể tích máu, hệ miễn dịch, huyết áp và chuyển hóa lúc này cũng biến đổi nên dẫn đến những bất ổn về cảm xúc. Tình trạng sẽ càng trở nên trầm trọng nếu thời điểm sau sinh, người mẹ gặp khó khăn trong việc chăm sóc em bé mà gia đình lại có mâu thuẫn không thể gỡ bỏ hoặc khó khăn về tài chính… Đặc biệt, nếu trong gia đình có người từng bị trầm cảm thì người phụ nữ sau khi sinh cũng có nguy cơ mắc trầm cảm nhiều hơn.
Trầm cảm sau sinh là căn bệnh khá phổ biến trong xã hội hiện đại
Biểu hiện của bệnh trầm cảm sau sinh
Bệnh thường khởi phát trong vòng 30 ngày sau khi sinh. Một số biểu hiện trầm cảm sau sinh bao gồm:
- Trầm uất: Bạn cảm thấy mệt mỏi, buồn bã, hay muốn khóc phần lớn thời gian trong ngày. Ở một vài thời điểm nhất định trong ngày như buổi sáng hoặc buổi tối bạn có thể cảm thấy tệ hơn nhiều. Người nhà có thể dễ dàng nhận ra dấu hiệu này thông qua vẻ mặt buồn rầu, ủ rũ của bệnh nhân.
- Cáu gắt: Bạn cảm thấy mình dễ nổi giận, hay gắt gỏng với chồng, con bạn hay những người khác, một số bà mẹ không kiềm chế được cảm xúc, đánh con sau đó lại cảm thấy mình vô dụng.
- Mệt mỏi: Trầm cảm có thể khiến bạn cảm thấy hoàn toàn kiệt sức và thiếu năng lượng, thậm chí việc chăm sóc con, chăm sóc bản thân, cũng trở nên quá sức.
- Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều: Mất ngủ thường gặp ở người mới sinh con. Mặc dù rất mệt mỏi nhưng bạn không thể ngủ được, bạn nằm đó thao thức và lo lắng đủ thứ, ngủ không sâu giấc, hay giật mình tỉnh giấc hoặc dậy rất sớm. Một số trường hợp có thể ngủ rất nhiều.
- Bồn chồn: Bạn vẫn thấy bồn chồn không yên, không thể ngồi yên một chỗ mà phải đi lại, tuy vậy chỉ một vài cử động nhỏ cũng khiến bạn cảm thấy mất nhiều sức lực.
- Thay đổi khẩu vị: Bạn không muốn ăn uống hoặc mất khẩu vị, quên ăn. Một số người ăn để xả stress nhưng lại lo lắng nhiều việc mình có thể tăng cân.
- Không thích thú bất kỳ thứ gì: Bạn cảm thấy không thích thú hay tận hưởng bất kỳ điều gì. Bạn có thể không cảm thấy vui sướng khi ở chung với con của mình.
- Mất hứng thú với tình dục: Trầm cảm sau sinh có thể lấy đi bất kỳ sự ham muốn nào, có thể là vì quá đau hay bạn quá mệt mỏi. Người bạn đời có thể không hiểu điều này nếu bạn không chia sẻ cảm xúc thực của mình và cảm thấy bị bỏ rơi.
- Suy nghĩ tiêu cực và hay cảm thấy tội lỗi: Trầm cảm có thể tác động đến cách suy nghĩ của bạn theo chiều hướng tiêu cực, chẳng hạn:
- Bạn có thể muốn gây tổn thương bản thân mình hoặc con hoặc cả hai.
- Bạn có thể có những suy nghĩ như “mình không phải là người mẹ tốt” hay “con mình không thương mình”
- Bạn có thể cảm thấy có lỗi vì nghĩ như vậy hoặc cho rằng mọi vấn đề đều do lỗi của bạn
- Bạn có thể mất tự tin
- Bạn có thể cảm thấy mình không chống đỡ nổi nữa
- Lo âu quá mức – Dấu hiệu trầm cảm sau sinh thường gặp: Cảm giác lo lắng mọi thứ khi mới làm mẹ là điều bình thường. Tuy nhiên nếu bạn mắc trầm cảm sau sinh, nỗi lo sợ này có thể trở nên quá mức chịu đựng. Bạn có thể lo lắng:
- Con mình quá yếu
- Cân nặng của con không đủ
- Con khóc quá nhiều và bạn không thể làm con nín khóc
- Con quá im ắng và có thể ngừng thở
- Bạn có thể tổn thương con
- Bạn gặp vấn đề về sức khỏe
- Bạn lo chứng trầm cảm sau khi sinh của mình sẽ không bao giờ khá lên được
- Bạn lo lắng sợ hãi khi ở một mình với con và cần sự trấn an liên tục từ chồng, người thân trong gia đình.
- Khi cảm thấy lo âu, bạn có thể có một vài triệu chứng sau: Tim đập mạnh, mạch đập nhanh, không thở được, đổ mồ hôi, sợ rằng mình sẽ ngất xỉu hoặc bị trụy tim.
- Bạn tránh những nơi đông đúc hoặc các tình huống tương tự, vì bạn lo rằng mình sẽ có triệu chứng hoảng sợ.
Lo lắng quá mức là dấu hiệu trầm cảm sau sinh thường gặp
- Tránh né những người khác: Bạn lựa chọn tránh gặp gỡ gia đình, bạn bè hoặc cảm thấy khó khăn khi phải đi gặp những nhóm hỗ trợ trầm cảm sau khi sinh.
- Tuyệt vọng: Mọi chuyện bế tắc với bạn và sẽ chẳng bao giờ khá hơn. Bạn cũng có thể cảm thấy cuộc sống này chẳng đáng nữa, thậm chí bạn có suy nghĩ về gia đình sẽ tốt hơn khi bạn không còn.
- Suy nghĩ tự tử: Ở trầm cảm sau sinh thường có những ý định và hành vi tự sát, cùng hành vi giết đứa con, điều này rất nguy hiểm.
Nếu bạn bắt đầu có những suy nghĩ muốn tổn thương bản thân hoặc người khác thì bạn nên đi gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
Những biện pháp phòng tránh để giảm nguy cơ mắc bệnh trầm cảm sau sinh
Dưới đây là 1 số biện pháp phòng tránh trầm cảm sau sinh:
- Khám sức khỏe tiền sản trước khi có kế hoạch sinh con: đặc biệt phụ nữ có tiền sử mắc các bệnh tâm lý, cần báo với bác sĩ theo dõi.
- Tham gia khóa học tiền sản: Đối với các mẹ sinh con đầu lòng nên đến các lớp học tiền sản và kết bạn với những phụ nữ mang thai khác hoặc những người mới làm cha mẹ để chia sẻ kiến thức, tinh thần chuẩn bị đón con.
- Nói ra nỗi lòng, đối mặt với sợ hãi: Hãy trò chuyện ngay với bác sĩ tâm lý hoặc với người thân khi thấy bạn thấy lo lắng, buồn bã sau khi sinh. Tất cả những người mới làm mẹ đều phải tự điều chỉnh cuộc sống của mình mỗi ngày, một số sẽ cảm thấy việc điều chỉnh này là quá sức nên dẫn đến lo lắng, buồn bã.
- Học cách thư giãn và luôn nhắn nhủ bản thân rằng điều tốt đẹp sẽ tới: mẹ mới sinh con dành ít nhất 15 phút mỗi ngày để thư giãn, dù là hít thở sâu, thiền hay ngâm mình trong bồn tắm, sẽ dễ vượt qua các áp lực làm mẹ.
- Tranh thủ ngủ khi con ngủ: những bà mẹ mới sinh con tranh thủ ngủ để bù lại những lúc thức trông con sẽ ít bị trầm cảm hơn.
- Dành thời gian để tập thể dục nhẹ nhàng: Theo một nghiên cứu trên hơn 1.000 bà mẹ mới sinh con, cho thấy những người tập thể dục trước và sau khi sinh thường có tâm trạng tốt hơn và dễ thích nghi với cuộc sống sau khi làm mẹ hơn.
- Luôn suy nghĩ tích cực:
- Hãy nghĩ làm mẹ như một sự thay đổi về công việc
- Đừng kỳ vọng mình phải là một bà mẹ hoàn hảo:Không ai là hoàn hảo, làm mẹ ai cũng sẽ có lúc quên mặc bỉm cho con sau khi tháo bỉm lúc nửa đêm hay ra ngoài mặc áo ngược cũng không biết.
- Chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân, bạn bè: Việc chăm sóc một em bé mới chào đời sẽ gặp nhiều khó khăn, phụ nữ sau sinh cơ thể yếu ớt kèm theo giờ giấc sinh hoạt đảo lộn. Chúng ta hãy yêu cầu giúp đỡ từ chồng, người thân trong việc cùng chăm sóc một đứa trẻ, ưu tiên mẹ có thời gian ngủ, nghỉ.
Tóm lại, trầm cảm sau sinh là căn bệnh tâm lý khá phổ biến trong xã hội hiện đại gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của mẹ và bé nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, người thân hãy đưa sản phụ đi khám tại các cơ sở y tế nếu phát hiện những biểu hiện bất thường.