Các giai đoạn phát triển của bệnh giang mai cần lưu ý
Giang mai là bệnh do xoắn khuẩn giang mai (Treponema pallidum) gây ra, dễ lây lan, chủ yếu là qua hoạt động tình dục. Người bệnh thường không biết về căn bệnh này và vô tình lây cho người khác.
Các đường lây truyền: qua quan hệ tình dục; tiếp xúc với dịch tiết từ tổn thương giang mai qua các vết xước trên da, niêm mạc; từ mẹ sang con do xoắn khuẩn giang mai xâm nhập máu thai nhi qua rau thai; truyền máu hay qua các dụng cụ tiêm, chích bị nhiễm bệnh. Chúng ta cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu hơn về bệnh giang mai, các giai đoạn phát triển của bệnh giang mai.
Tỷ lệ mắc bệnh giang mai hiện nay
Bệnh giang mai do T. pallidum, một loại xoắn khuẩn không thể tồn tại lâu dài bên ngoài cơ thể con người. T. pallidum đi qua các màng nhầy hoặc da, đến các hạch bạch huyết khu vực trong vòng vài giờ, và nhanh chóng lan truyền khắp cơ thể.
Vào năm 2020, đã có hơn 130.000 trường hợp mắc bệnh giang mai được báo cáo ở Hoa Kỳ. Phần lớn các trường hợp giang mai nguyên phát và thứ phát xảy ra ở nam giới (81%) và trong số nam giới, 53% số trường hợp là nam giới có quan hệ tình dục đồng giới. Tỷ lệ mắc bệnh giang mai đang gia tăng nhanh chóng ở Hoa Kỳ; từ năm 2015 đến năm 2020, tỷ lệ giang mai nguyên phát và thứ phát ở phụ nữ tăng 147% (từ 1,9 lên 4,7 trên 100.000) và tỷ lệ ở nam giới tăng 34% (từ 15,5 lên 20,8 trên 100.000).
Nguyên nhân gây bệnh
Tác nhân gây bệnh là xoắn khuẩn giang mai (Treponema pallidum) do Schaudinn và Hauffman tìm ra vào năm 1905. Xoắn khuẩn này có hình lò xo, bao gồm 6-14 vòng xoắn. Sức đề kháng của xoắn khuẩn này rất yếu, ra khỏi cơ thể nó sống được không quá vài giờ. Trong nước đá, nó vẫn giữ được tính di động rất lâu, ở nhiệt độ 45 độ C nó sẽ bị chết sau 30 phút. Các chất sát khuẩn, xà phòng có thể diệt được xoắn khuẩn này trong vài phút.
Nguyên nhân gây bệnh giang mai
Các giai đoạn phát triển của bệnh và đặc điểm
Bệnh giang mai có sự tiến triển theo từng giai đoạn, các triệu chứng cũng theo đó thay đổi theo. Tuy nhiên các giai đoạn bệnh có thể không thật sự rõ ràng hoặc chồng chéo lên nhau.
Có trường hợp người bị giang mai không nhận ra bất kỳ triệu chứng nào trong nhiều năm.
- Giai đoạn 1 (Giai đoạn nguyên phát)
- Giai đoạn 1 – Giai đoạn nguyên phát hay còn gọi là giai đoạn giang mai sớm/ giang mai sơ cấp có dấu hiệu là xuất hiện một vài vết loét nhỏ, không đau còn được gọi là săng – thường có mặt tại vị trí mà vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Các săng giang mai này thường phát triển trong trung bình khoảng 3 tuần sau nhiễm bệnh.
- Săng có thể ẩn trong âm đạo, hậu môn hoặc trực tràng, do đó không phải ai bị giang mai cũng phát hiện giai đoạn này. Trong 3 tới 6 tuần, săng có thể tự lành và không để lại sẹo; tuy nhiên nếu không điều trị thì bệnh sẽ chuyển qua giai đoạn tiếp theo.
- Giai đoạn 2 (Giai đoạn thứ phát)
- Giang mai thời kỳ 2 bắt đầu từ 6 tuần tới 6 tháng sau khi có tiếp xúc bệnh và các vết săng dần lành lại. Lúc này người bệnh có thể phát ban màu hồng hình dáng “đồng xu”, ban đầu là ở vùng thân sau đó là toàn bộ cơ thể, bao gồm cả lòng bàn tay và bàn chân.
- Tình trạng phát ban có thể kèm theo các nốt mụn giống như mụn nước ở miệng hoặc vùng sinh dục. Người bệnh thường không bị ngứa nhưng một số người sẽ bị rụng tóc, sốt, đau nhức cơ thể, đau họng và sưng hạch bạch huyết. Cũng như giai đoạn giang mai nguyên phát, các triệu chứng ở giai đoạn thứ phát có thể thuyên giảm mà không cần tới điều trị.
- Tuy nhiên các triệu chứng này tồn tại có thể trong vài tuần hoặc liên tục “đến” và “đi” trong một năm.
- Giai đoạn tiềm ẩn
- Nếu không phát hiện và điều trị bệnh giai đoạn đầu, giang mai sẽ chuyển sang giai đoạn tiềm ẩn. Giai đoạn tiềm ẩn có thể kéo dài hàng năm. Các triệu chứng có thể không bao giờ tái phát hoặc bệnh sẽ tiếp tục chuyển biến tới giai đoạn cuối.
- Giai đoạn cuối (Giai đoạn tam phát)
- Có khoảng 15% tới 30% người bị nhiễm giang mai đi tới giai đoạn tam phát khi không được điều trị. Sau nhiều năm ở giai đoạn cuối này bệnh có thể gây ra nhiều tổn thương đến não, thần kinh, mắt, tim, mạch máu, gan, xương khớp,… Người bệnh có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm như liệt, mất thị lực, mất thính giác, sa sút trí tuệ hoặc liệt dương; thậm chí là bị đe dọa tới tính mạng.
- Giang mai thần kinh và giang mai mắt
- Ở bất cứ giai đoạn nào như trên, giang mai có thể lan đến não hoặc tủy sống gây ra nhiều tổn thương khác; trong đó có các vấn đề về thần kinh.
Quá trình phát triển của bệnh giang mai
Kết luận
Bệnh giang mai là một căn bệnh lây truyền qua đường tình dục rất nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Các giai đoạn phát triển của bệnh giang mai có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe toàn diện của người bệnh. Để bảo vệ sức khỏe của mình và người thân, hãy luôn duy trì lối sống lành mạnh, quan hệ tình dục an toàn và thực hiện khám sức khỏe định kỳ. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ, đừng ngần ngại tìm đến các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời. Việc điều trị sớm sẽ giúp ngăn chặn sự tiến triển của bệnh và bảo vệ sức khỏe của bạn. Chăm sóc sức khỏe sinh sản là trách nhiệm của mỗi người, hãy chủ động và cảnh giác để có một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc.