Các giai đoạn tuổi dậy thì: Sự thay đổi của bé trai và bé gái khi dậy thì
Khi trẻ bắt đầu bước vào tuổi dậy thì, việc thay đổi về tâm sinh lý thường gây ra không ít khó khăn cho các con. Vì vậy trong bài viết này, Pharmacity sẽ chia sẻ cho ba mẹ hiểu rõ hơn về những biến đổi của bé trai và bé gái khi dậy thì, nhằm có thể hỗ trợ con vượt qua giai đoạn này một cách tốt nhất.
Tuổi dậy thì là gì?
Dậy thì là giai đoạn mà trẻ bắt đầu có những sự thay đổi về mặt tình dục, đi kèm với những biến đổi tâm sinh lý, hoàn thiện khả năng sinh sản và tăng cường kích thước cơ thể thành một người trưởng thành.
Độ tuổi dậy thì ở nữ giới thường là từ 8 đến 13 tuổi, trong khi nam giới thường từ 9 đến 14 tuổi. Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ sẽ trải qua giai đoạn dậy thì ở độ tuổi khác nhau tùy theo các yếu tố như di truyền hoặc các yếu tố do ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài và điều kiện dinh dưỡng.
Dậy thì ở trẻ là sự thay đổi rõ rệt của cơ thể và tâm sinh lý
Các giai đoạn nhận biết tuổi dậy thì ở nam và nữ
Dưới đây là những thay đổi quan trọng trong giai đoạn tuổi dậy thì ở nam và nữ mà ba mẹ cần lưu ý:
Dấu hiệu nhận biết dậy thì ở nữ
Dấu hiệu dậy thì ở bé thường được biểu hiện rõ nhất qua việc ngực bắt đầu phát triển. Đầu vú trở nên to và mềm mại hơn, thường thì một bên sẽ phát triển trước so với bên còn lại. Các dấu hiệu khác bao gồm:
- Phát triển ngực: Đây là dấu hiệu đầu tiên của tuổi dậy thì ở bé gái, thường bắt đầu từ 8 đến 13
- Kinh nguyệt: Bắt đầu trung bình từ 12 đến 14 tuổi, tuy nhiên có thể sớm hoặc muộn hơn.
- Lông mu và lông nách và ở một số vùng khác như rìa môi: Xuất hiện sau khi ngực bắt đầu phát triển.
- Đổ mồ hôi nhiều hơn, mùi cơ thể bắt đầu xuất hiện.
- Mụn trứng cá xuất hiện, da đổ dầu.
- Tăng chiều cao: Thường diễn ra nhanh chóng, kéo dài trong vài năm.
- Thay đổi vóc dáng, tăng cân, mỡ xuất hiện nhiều ở cánh tay, đùi và lưng và vòng eo dần thu hẹp.
- Tâm trạng thay đổi.
Tuổi dậy thì ở nữ thường kéo dài khoảng 4 năm. Sau giai đoạn này, dấu hiệu dậy thì thành công ở nữ bao gồm vòng 1 đầy đặn, lông mu lan ra đùi, bộ phận sinh dục phát triển đầy đủ và ngừng phát triển chiều cao.
Dậy thì ở nữ thường có dấu hiệu xuất hiệu mụn trứng cá
Dấu hiệu nhận biết dậy thì ở nam
Dấu hiệu tuổi dậy thì ở nam thường bắt đầu bằng việc tinh hoàn phát triển lớn hơn, da bìu mỏng và có thể đỏ lên. Lông vùng kín xuất hiện từ gốc dương vật. Ngoài ra, các biểu hiện khác của tuổi dậy thì ở bé trai bao gồm:
- Tăng kích thước tinh hoàn và dương vật: Đây là dấu hiệu đầu tiên, bắt đầu từ 9 đến 14 tuổi.
- Lông vùng kín trở nên dày và xoăn.
- Lông dưới cánh tay bắt đầu mọc.
- Đổ mồ hôi nhiều hơn, mùi cơ thể xuất hiện.
- Râu bắt đầu mọc.
- Ngực sưng nhẹ.
- Xuất tinh không kiểm soát trong khi ngủ.
- Giọng nói bị vỡ và trầm hơn.
- Mụn trứng cá xuất hiện, da đổ dầu, lỗ chân lông to hơn.
- Cơ thể tăng trưởng mạnh mẽ, chiều cao trung bình tăng khoảng 7-8cm mỗi năm và cơ bắp phát triển.
Hầu hết nam giới sẽ hoàn toàn trưởng thành vào khoảng 18 tuổi. Dấu hiệu dậy thì thành công ở nam thường là bộ phận sinh dục trưởng thành như người lớn.
Các dấu hiệu nhận biết sự thay đổi ở tuổi dậy thì của nam
Khi nào cần đưa trẻ đi khám?
Ba mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám nếu trẻ có các dấu hiệu sau trong giai đoạn dậy thì:
- Khi trẻ có dấu hiệu dậy thì trước 8 tuổi (dậy thì sớm) hoặc sau 14 tuổi (dậy thì muộn).
- Khi có các biểu hiện bất thường như đau đớn, không tăng trưởng chiều cao hoặc các đặc điểm giới tính không phát triển bình thường.
- Trẻ chậm phát triển thể chất và giới tính, ví dụ như chưa có dấu hiệu dậy thì dù đã đủ tuổi.
- Thay đổi đột ngột trong thói quen ăn uống và cân nặng của trẻ. Có thể là dấu hiệu của các vấn đề về rối loạn dinh dưỡng.
- Xuất hiện các dấu hiệu về sức khỏe tinh thần như trầm cảm, tự ti về cơ thể, hiếu chiến, không muốn đi học hoặc không muốn giao tiếp.
Cách phòng ngừa tình trạng dậy thì sớm, dậy thì muộn ở trẻ
Dậy thì sớm hay muộn đề là vấn đề gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và khả năng phát triển của trẻ. Vì vậy để ngăn ngừa các tình trạng này, ba mẹ cần thực hiện các biện pháp sau đây.
Cách phòng ngừa tình trạng dậy thì sớm ở trẻ
- Tránh ăn quá nhiều thực phẩm có chứa dầu mỡ và đường.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, nên tăng cường tiêu thụ rau quả tươi.
- Hạn chế việc sử dụng các sản phẩm chứa nội tiết tố, thực phẩm chức năng và kem dưỡng da có chứa hormone.
- Tăng cường hoạt động thể dục thể thao hàng ngày.
- Đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc.
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với những hình ảnh không phù hợp với độ tuổi của trẻ.
Cách phòng ngừa tình trạng dậy thì muộn ở trẻ
- Cung cấp chế độ dinh dưỡng hợp lý cho sự phát triển toàn diện của trẻ, đặc biệt là không để trẻ thiếu chất dinh dưỡng quan trọng.
- Hạn chế vận động quá mức để tránh gây căng thẳng cho cơ thể.
- Nếu trẻ có các vấn đề sức khỏe di truyền hoặc mãn tính, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn về chế độ dinh dưỡng phù hợp.
- Đảm bảo cung cấp một khẩu phần ăn đủ chất, cân đối để trẻ phát triển toàn diện. Tránh để trẻ ăn quá nhiều hoặc quá ít.
- Hạn chế tiêu thụ thực phẩm ngọt, thức ăn nhanh và đảm bảo việc ăn uống lành mạnh cho trẻ.
- Tránh cho trẻ ăn trong khi xem tivi hoặc chơi game để không gây phân tán sự chú ý và cân nặng không cân đối.
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh để phòng ngừa tình trạng dậy thì sớm hay dậy thì muộn
Kết luận
Hiểu rõ về tuổi dậy thì và các giai đoạn phát triển của con là điều quan trọng giúp cha mẹ có thể hỗ trợ và hướng dẫn con mình tốt hơn trong giai đoạn chuyển đổi này. Việc chú ý đến các dấu hiệu dậy thì, đảm bảo một chế độ ăn uống lành mạnh và khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp trẻ phát triển một cách toàn diện và tự tin hơn. Hãy luôn lắng nghe và đồng hành cùng con trong suốt quá trình dậy thì để giúp con vượt qua mọi khó khăn và thách thức.
Trong trường hợp phát hiện các dấu hiệu bất thường khi trẻ dậy thì, ba mẹ nên đưa trẻ đến thăm khám bác sĩ hoặc tìm kiếm sự tư vấn từ các chuyên gia tâm lý.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.