Các nguyên nhân gây viêm lợi là gì?
Viêm lợi rất phổ biến ở cả người lớn và trẻ em đều có nguy cơ mắc bệnh. Là tình trạng mảng bám có chứa vi khuẩn, tích tụ trên răng, gây viêm mô lợi. Khi mảng bám tồn tại trên răng quá lâu lợi bị kích ứng, viêm, đỏ, sưng tấy, chảy máu và tiết dịch. Ngoài ra, vi khuẩn mảng bám còn làm men răng suy yếu.
Nguyên nhân gây viêm lợi
Viêm lợi thường bắt nguồn từ việc chăm sóc răng miệng không đúng cách. Một số nguyên nhân chính bao gồm:
- Mảng bám và cao răng: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm lợi. Vi khuẩn trong mảng bám răng và cao răng gây viêm nhiễm nướu, khiến lợi sưng đỏ và dễ chảy máu.
- Thói quen vệ sinh răng miệng kém: Việc không chải răng đúng cách, không dùng chỉ nha khoa hay không súc miệng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
- Hút thuốc lá: Thuốc lá gây hại cho nướu và làm giảm khả năng tự lành của lợi.
- Thay đổi nội tiết: Phụ nữ mang thai, dậy thì, hay sử dụng thuốc tránh thai có thể gặp vấn đề viêm lợi do thay đổi nội tiết tố.
- Chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng: Thiếu vitamin C và các dưỡng chất cần thiết có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và tăng nguy cơ viêm lợi.
- Bệnh lý toàn thân: Một số bệnh như tiểu đường, HIV/AIDS cũng góp phần làm tăng nguy cơ viêm lợi.
Các biện pháp điều trị viêm lợi tại nhà
Khi bị viêm lợi hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị nguyên nhân triệt để. Dưới đây là những cách làm giảm bớt triệu chứng viêm lợi và chỉ mang lại tác dụng trên một vài trường hợp khi đang cần trì hoãn khám bệnh.
- Súc miệng bằng nước muối: Muối là một nguyên liệu có sẵn trong mọi gia đình, có công dụng làm sạch và sát trùng các vết thương, ổ viêm nhiễm. Súc miệng bằng nước muối hằng ngày giúp làm dịu viêm lợi, dọn sạch ổ viêm. Pha loãng 1 muỗng cà phê muối với 250ml nước ấm thành một dung dịch và súc miệng nhiều lần trong ngày, hoặc ra ngay Pharmacity mua nước muối sinh lý đã được pha sẵn theo đúng tỉ lệ và vô khuẩn.
- Chải răng đúng cách: Sử dụng bàn chải mềm và kem đánh răng chứa fluoride, chải răng ít nhất hai lần mỗi ngày.
- Dùng chỉ nha khoa: Dùng chỉ nha khoa hàng ngày để loại bỏ mảng bám giữa các kẽ răng.
- Sử dụng dầu dừa hoặc dầu oliu: Súc miệng bằng dầu dừa hoặc dầu oliu trong 10-15 phút mỗi ngày có thể giúp giảm viêm lợi.
- Áp dụng gel nha đam: Gel nha đam có đặc tính kháng viêm và làm dịu lợi hiệu quả.
- Sử dụng mật ong: Với tình trạng viêm lợi, nhất là trẻ nhỏ có thể sử dụng mật ong để điều trị tại nhà. Trong mật ong có chất kháng khuẩn, giảm viêm tự nhiên rất tốt, sẽ ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây hại và từ đó viêm lợi sẽ dần phục hồi. Sau khi đánh răng sạch sẽ, hãy bôi mật ong trực tiếp lên vị trí lợi bị viêm sưng và giữ trong 15 – 20 phút rồi súc miệng lại với nước. Thực hiện liên tục 3 lần trong ngày để giảm tình trạng viêm lợi hiệu quả.
- Sử dụng lá trầu không: Trong lá trầu không tươi có chứa khoảng 2.4% là tinh dầu, thành phần chủ yếu gồm peta-phenol và chavicol, những chất này có tác dụng kháng khuẩn, ức chế sự phát triển của nhiều chủng vi khuẩn đường miệng. Vì thế, lá trầu không được dùng trong điều trị viêm lợi và nhiều bệnh lý răng miệng khác.
- Thay đổi chế độ ăn uống: Bổ sung thêm trái cây, rau xanh, đặc biệt là các thực phẩm giàu vitamin C để tăng cường sức đề kháng.
Lời khuyên để ngăn ngừa viêm lợi
Viêm lợi không phải bệnh nguy hiểm, tuy nhiên nếu không được chữa trị đúng và kịp thời, bệnh có thể tiến triển thành viêm nha chu, lan rộng đến mô và xương xung quanh, có thể làm mất răng. Các việc nên làm để ngăn ngừa viêm lợi như:
- Chăm sóc răng miệng hàng ngày: Người bệnh cần thay đổi thói quen và thực hiện vệ sinh răng miệng đúng cách như đánh răng 2 lần/ngày, dùng chỉ nha khoa hoặc bàn chải kẽ làm sạch kẽ răng sau khi ăn. Có thể sử dụng máy tăm nước để làm sạch được tốt hơn.
- Hạn chế thức ăn ngọt và đồ uống có ga: Các loại thức ăn và đồ uống này dễ gây sâu răng và viêm lợi.
- Hạn chế thuốc lá, rượu bia và giữ chế độ ăn uống lành mạnh.
- Dùng nước súc miệng không chứa cồn, chứa các chất kháng khuẩn như cetylpyridinium chloride (CPC) hoặc chlorhexidine. Những chất này có khả năng giảm vi khuẩn trong miệng và ngăn chặn sự hình thành mảng bám.
- Giữ cho miệng luôn ẩm: Uống đủ nước hàng ngày và tránh để miệng khô.
- Tập thói quen định kỳ 6 tháng lấy vôi răng và kiểm tra răng miệng 1 lần để phát hiện sớm các dấu hiệu và ngăn chặn được triệt để.
Viêm lợi là tình trạng phổ biến nhưng có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu bạn chú ý đến việc vệ sinh răng miệng và có lối sống lành mạnh. Hãy duy trì thói quen chăm sóc răng miệng đúng cách, khám răng định kỳ và bổ sung dinh dưỡng hợp lý để bảo vệ sức khỏe lợi và răng miệng của bạn. Nếu gặp phải triệu chứng viêm lợi, đừng ngần ngại áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà và tham khảo ý kiến của bác sĩ nha khoa khi cần thiết. Chúc bạn luôn có một nụ cười khỏe mạnh và tự tin!
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.