Các triệu chứng và dấu hiệu hội chứng ruột kích thích (IBS)
Hội chứng ruột kích thích là bệnh rối loạn chức năng của ruột. Gọi là hội chứng, nghĩa là gồm nhiều triệu chứng đồng thời chứ không phải là một dấu hiệu riêng lẻ, như chướng bụng, hay đánh hơi, cảm giác mệt mỏi. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về IBS qua bài viết dưới đây.
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là gì?
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là tình trạng rối loạn mạn tính ảnh hưởng đến đại tràng (ruột già). Hội chứng này ảnh hưởng đến chức năng bình thường của đại tràng, gây ra nhiều khó chịu và đau đớn, làm thay đổi thói quen đại tiện (táo bón hoặc tiêu chảy), đầy hơi và trướng bụng. Hội chứng ruột kích thích không đe dọa tính mạng vì nó không gây ra tổn thương vĩnh viễn ở đại tràng, chảy máu ruột hay các biến chứng nghiêm trọng như ung thư.
Hội chứng ruột kích thích gây trở ngại trong sinh hoạt người bệnh
Các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích (IBS) là gì?
Hội chứng ruột kích thích là hội chứng rối loạn chức năng, không có tổn thương thực thể, không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống, bệnh kéo dài làm cho người bệnh luôn lo lắng căng thẳng mất ngủ, lo sợ bị các bệnh hiểm nghèo khác của ruột.
Các biểu hiện thường gặp bao gồm:
- Đau bụng: là triệu chứng chủ yếu và thường gặp nhất, xuất hiện sau khi ăn, hay đau vùng bụng dưới và hố chậu trái. Giảm đau sau khi đại tiện hoặc trung tiện
- Đại tiện lỏng: 3-5 lần/ngày, phân lỏng hoặc nát, phân có thể lẫn nhầy nhưng không bao giờ có máu theo phân.
- Táo bón: đại tiện phân rắn, lượng ít, có thể lẫn nhầy và xuất hiện xen kẽ với đại tiện lỏng.
- Chướng bụng: Thường nặng về ban ngày, đặc biệt sau buổi trưa, giảm về ban đêm sau khi ngủ.
Đau bụng là triệu chứng chủ yếu và thường gặp
Các triệu chứng trên thường tái phát lặp đi lặp lại, nếu người bệnh xuất hiện các triệu chứng như: sốt, sụt cân nhanh, đi ngoài ra máu tươi hoặc phân đen, tự sờ thấy khối bất thường ở bụng hoặc biểu hiện của thiếu máu như da niêm mạc nhợt, hay chóng mặt hoa mắt… thì cần cảnh giác và đến gặp bác sĩ ngay để được khám và điều trị kịp thời.
Biện pháp phòng ngừa bệnh hội chứng ruột kích thích (IBS)
IBS là bệnh hay gặp, chủ yếu ở người trong độ tuổi lao động, học tập nên có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống và hiệu quả công việc của người bệnh. Bệnh có liên quan nhiều đến yếu tố thần kinh, tâm lý, chế độ ăn, lối sống … nên cần điều chỉnh và thực hiện một cách nghiêm túc. Đó là:
Chế độ ăn uống khoa học:
- Bổ sung thực phẩm nhiều chất xơ như rau củ quả.
- Tránh các thực phẩm nhiều chất béo, dầu mỡ, thực phẩm khó dung nạp lactose, thực phẩm cay. Hạn chế đồ uống có ga và các chất kích thích như rượu, bia, cà phê.
- Uống nhiều nước.
- Không ăn thức ăn để lâu hoặc điều kiện bảo quản không tốt.
- Không ăn thức ăn khó tiêu, dễ gây đầy hơi: khoai, sắn, bánh ngọt nhiều bơ, hoa quả nhiều đường như cam, quýt, xoài, mít.
Chế độ ăn nhiều chất xơ
Thay đổi thói quen sinh hoạt
Ngoài việc điều chỉnh chế độ ăn, người mắc hội chứng ruột kích thích nên thay đổi thói quen không tốt trong sinh hoạt để giảm tác hại của bệnh. Đó là:
- Sử dụng thuốc tiêu chảy và thuốc nhuận tràng theo kê toa của bác sĩ.
- Tập thể dục thường xuyên, cố gắng có những vận động thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Không để bị trầm cảm, lo lắng quá mức.
- Tránh làm việc quá sức, mất ngủ, căng thẳng thần kinh kéo dài.
- Nên thực hiện các phương pháp giảm stress như tập thể dục, ngồi thiền, tập yoga hoặc lựa chọn các hình thức tập luyện phù hợp, dễ thực hiện như đi bộ, đạp xe.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin bổ ích về hội chứng ruột kích thích (IBS). Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.