Cách chăm sóc người bệnh Celiac
Cứ một trăm người thì có một người mắc bệnh Celiac không dung nạp gluten do di truyền. Vậy bệnh Celiac là gì? có gây nguy hiểm hay không? Làm thế nào khi người thân mắc phải căn bệnh này? Hãy theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu về khái niệm và một số biện pháp chăm sóc cho người bệnh Celiac.
Bệnh Celiac là gì?
Bệnh Celiac hay còn gọi là căn bệnh không dung nạp gluten (một loại protein được tìm thấy trong lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen). Đây là bệnh lý tự miễn của đường tiêu hóa .
Trong cơ thể người bệnh thiếu enzym không hấp thu được gluten. Khi nạp gluten vào cơ thể hệ miễn dịch của người bệnh sẽ phản ứng với gluten và làm phá hủy niêm mạc ruột non bằng cách gây viêm. Gây ra hàng loạt các rối loạn tiêu hóa, làm cho sự hấp thu dinh dưỡng ở ruột non giảm đi.
Do đó khi ăn các thực phẩm có chứa gluten làm cho cơ thể có những phản ứng từ chối chất này gây ra các rối loạn nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa. Kết quả là cơ thể của người bệnh không thể hấp thu chất dinh dưỡng từ thức ăn và có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm.
Ruột của người bình thường và nhung mao ruột của bệnh nhân mắc Celiac
Cách chẩn đoán bệnh Celiac
Bệnh Celiac thường khó chẩn đoán vì các triệu chứng của nó rất phổ biến và giống với các vấn đề về bệnh tiêu hóa khác. Biểu hiện lâm sàng rất khác nhau từ thiếu máu, thiếu sắt không có triệu chứng đến tiêu chảy nặng và giảm cân nhiều. Những biểu hiện khác có thể bao gồm loãng xương, viêm da dạng mụn rộp, men gan bất thường và đau bụng. Vì vậy bác sĩ sẽ áp dụng các cách chẩn đoán bệnh Celiac dưới đây xác định người bệnh mắc phải bệnh này.
- Khai thác tiền sử bệnh: Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử mắc bệnh cá nhân và của gia đình người bệnh do Celiac có yếu tố di truyền. Ngoài ra thông qua khám lâm sàng cũng có thể giúp bác sĩ kiểm tra các dấu hiệu thực thể của bệnh. Một số trường hợp sẽ có bệnh lý tự miễn khác đồng mắc.
- Xét nghiệm Celiac: Một số xét nghiệm chính được sử dụng để chẩn đoán bệnh Celiac là:
- Dấu ấn huyết thanh: Xét nghiệm huyết thanh học để tìm kháng thể chống gluten (tế bào lympho), cần phải nạp một lượng gluten để kết quả chính xác hơn. Ngoài ra xét nghiệm di truyền trên máu còn kiểm tra bệnh nhân có gen gây bệnh Celiac hay không.
- Sinh thiết ruột non: Thông qua nội soi ruột để kiểm tra một mẫu mô của ruột lấy từ phần thứ hai của tá tràng. Các dấu hiệu bao gồm thiếu hoặc ngắn nhung mao (teo nhung mao), tăng tế bào trong biểu mô và tăng hốc. Tuy nhiên, những dấu hiệu như vậy cũng có thể xảy ra ở bệnh Sprue nhiệt đới, vi khuẩn tại ruột non tăng đột biến, viêm ruột tăng bạch cầu ái toan, viêm ruột nhiễm trùng (ví dụ, bệnh giardia) và u lympho.
- Nếu bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh Celiac, Bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm sâu hơn để kiểm tra bệnh nhân có bị thiếu hụt chất dinh dưỡng và đang xảy ra các biến chứng khác hay không, kiểm tra mức độ tiến triển của bệnh và xác định phác đồ điều trị. Các thử nghiệm này bao gồm:
- Xét nghiệm máu để kiểm tra các kháng thể tự miễn
- Xét nghiệm protein liên kết với axit béo trong ruột để xác định xem ruột có bị tổn thương hay không
- Công thức máu toàn phần để kiểm tra tình trạng thiếu máu, hemaglobin thấp.
- Xét nghiệm protein phản ứng C (CRP) để đánh giá tình trạng viêm.
- Kiểm tra chức năng gan và thận
- Xét nghiệm vitamin B12, vitamin D và folate huyết thanh để xác định thiếu hụt
- Xét nghiệm Ferritin để chẩn đoán thiếu máu, thiếu sắt.
- Sinh thiết da: Nếu bệnh nhân có dấu hiệu phát ban, bác sĩ sẽ lấy một mẫu nhỏ da để tìm dấu hiệu do bệnh Celiac gây ra.
Xét nghiệm máu: giúp tìm các kháng kháng thể tự miễn, có bổ thể của hệ miễn dịch, đánh giá tình trạng thiếu máu, chức năng gan và thận,…
Biện pháp chăm sóc người bệnh Celiac?
- Hiện nay, biện pháp điều trị hiệu quả nhất cho chứng bệnh này là áp dụng chế độ ăn không có gluten. Tránh các loại thực phẩm có chứa lúa mì, lúa mạch và các sản phẩm có lúa mạch đen như bánh mì, mì ống, ngũ cốc, các thực phẩm chế biến sẵn, yến mạch, bia. Cần kiểm tra bảng thành phần của các loại thực phẩm, thực phẩm chức năng để xác định có chứa gluten.
- Tuân thủ nghiêm ngặt dặn dò của bác sĩ, tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng về các thực phẩm có thể ăn và các loại thực phẩm kiêng kỵ.
- Đôi khi thuốc cũng có chứa gluten. Vì vậy nên thông báo với bác sĩ, dược sĩ tiền sử dị ứng thành phần này.
- Hạn chế căng thẳng tinh thần, đầu óc
- Không hút thuốc, uống rượu bia, sử dụng các chất kích thích
- Cần tái khám ngay khi các triệu chứng trở nên nặng hơn
- Uống các loại thực phẩm bổ sung: Fe, Ca. Mg, vitamin D, kẽm,..Đôi khi những người mắc bệnh celiac có thể bị thiếu một số chất dinh dưỡng nhất định vì cơ thể họ không hấp thụ chúng đúng cách.
- Cần khuyến khích người bệnh tập luyện thể dục thường xuyên để nâng cao thể trạng của cơ thể.
Bằng cách tuân thủ chế độ ăn uống đúng, những tổn thương do bệnh Celiac gây ra vẫn có thể phục hồi và giúp cơ thể khoẻ hơn
Loại bỏ những thực phẩm có chứa gluten trong chế độ ăn
Mặc dù bản thân bệnh celiac thường không đe dọa đến tính mạng nhưng nó có thể dẫn đến các biến chứng và triệu chứng nghiêm trọng nếu không được kiểm soát.
Đối với trẻ em mắc bệnh celiac, khi ăn chế độ không chứa gluten, cơ thể bé sẽ có những phản ứng tích cực. Không chỉ các triệu chứng như tiêu chảy và đau bụng biến mất mà mọi vấn đề về hành vi cũng có thể được cải thiện. Trẻ cũng thường trở lại tốc độ tăng trưởng bình thường và nhanh chóng bắt kịp chiều cao.
Bệnh celiac không được điều trị cũng làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư. Vì vậy bệnh nhân cần tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ và không được chủ quan để được điều trị kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Xem thêm bài viết liên quan: