Cách chăm sóc trẻ em khi thời tiết giao mùa
Thời tiết thay đổi thất thường, từ nóng chuyển sang lạnh, từ nắng chuyển sang mưa sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là ở trẻ em khi sức đề kháng của các con còn non yếu. Các bệnh giao mùa ở trẻ nếu không được theo dõi và điều trị sớm có thể gây biến chứng nguy hiểm. Bài viết sau đây sẽ cung cấp các thông tin để phụ huynh phòng ngừa và nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh giao mùa thu đông cho trẻ để điều trị kịp thời.
Các bệnh giao mùa thường gặp ở trẻ em
Trẻ nhỏ có thể dễ gặp các bệnh giao mùa mà bố mẹ cần lưu ý sau:
- Bệnh sốt xuất huyết
Theo Thống kê của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 65.046 ca sốt xuất huyết tại 58 tỉnh thành, đã có 7 trường hợp tử vong. Tại TP.HCM, mỗi tuần có khoảng 500-600 người bệnh nhập viện vì sốt xuất huyết, đặc biệt tăng dần vào những thời điểm giao mùa.
Dấu hiệu nhận biết: Triệu chứng nhẹ của sốt xuất huyết gồm sốt cao kéo dài, có thể cao tới 40 độ C, đau đầu dữ dội, nổi mẩn, phát ban. Khi bệnh tiến triển nặng, trẻ có thể đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, nôn hoặc ói ra máu… nếu không được cấp cứu can thiệp kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Sốt xuất huyết ở thời điểm giao mùa ở trẻ nhỏ
- Cảm cúm
Thời tiết giao mùa biến đổi thất thường, khiến sức đề kháng của trẻ bị suy yếu nên trẻ rất dễ mắc cảm cúm. Khi bị bệnh, trẻ có thể sốt một cách đột ngột (> 38,3 độ C) hoặc sốt đi kèm với run, ớn lạnh, cơ thể đau nhức, cực kỳ mệt mỏi và ho khan. Sau khi xuất hiện các triệu chứng trên, trẻ có thể sẽ bị đau họng, nghẹt mũi và tiếp tục ho.
Cảm cúm thường không quá nghiêm trọng và có thể tự khỏi trong vòng 1 – 2 tuần. Tuy nhiên, bệnh thường gây ảnh hưởng đến sức khỏe, trường hợp nặng hơn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
- Bệnh tiêu chảy
Tiêu chảy hay nhiễm trùng đường tiêu hóa là bệnh giao mùa xảy ra phổ biến ở trẻ. Khi bị bệnh tiêu chảy trẻ thường đi ngoài nhiều lần, phân có nhiều nước. Kèm theo đó các triệu chứng như đau bụng, nôn, sốt, mất nước…. ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ.
- Bệnh tay chân miệng
Khi đề cập đến các bệnh giao mùa ở trẻ không thể bỏ qua bệnh tay chân miệng. Dấu hiệu dễ nhận thấy của bệnh là những nốt phỏng nước trên da, niêm mạc miệng bị loét,… Bệnh tay chân miệng không khó điều trị. Tuy nhiên, nếu để bệnh tiến triển nặng có thể gây nên các biến chứng như khó thở, viêm phổi,… nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.
Bệnh tay chân miệng rất dễ gặp ở trẻ em khi thời tiết giao mùa
- Bệnh viêm não Nhật Bản
Đây là bệnh lý rất nguy hiểm đối với trẻ em. Không ít trẻ đã bị di chứng nặng nề hoặc bị tử vong do bị viêm não Nhật Bản
Triệu chứng của bệnh là sốt cao, buồn nôn, rối loạn nhận thức,…. Nếu trẻ có những biểu hiện này, ba mẹ không nên chủ quan mà cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện điều trị để tránh biến chứng. Để phòng bệnh thì biện pháp không thể bỏ qua là cho trẻ tiêm phòng viêm não Nhật Bản.
- Viêm đường hô hấp trên
Viêm đường hô hấp trên là những bệnh lý thường gặp khi thời tiết giao mùa, nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do tình trạng dị ứng hoặc do các tác nhân vi khuẩn, virus. Trẻ bị viêm đường hô hấp thường bị sốt, ho, chảy mũi nước, hắt xì hơi.
Nguy cơ gây viêm đường hô hấp trên trẻ nhỏ
Đa số trẻ bị viêm đường hô hấp trên thể nhẹ chỉ kéo dài vài ba ngày là tự khỏi, mặc dù không dùng kháng sinh, bởi vì hầu hết do virus gây ra. Tuy vậy, có một số trẻ bị viêm đường hô hấp nặng nhưng không sốt hoặc sốt không cao, nhất là trẻ em bị còi xương, suy dinh dưỡng. Kèm theo sốt là trẻ ho, quấy khó, ngủ kém.
Cách chăm sóc trẻ em khi thời tiết giao mùa
- Tránh tiếp xúc nguồn lây bệnh
Người chăm sóc trẻ và trẻ cần thường xuyên rửa tay. Đặc biệt, bố mẹ cần nhớ rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc gần với những người đang mắc các bệnh lý hô hấp. Nếu trẻ có triệu chứng mắc bệnh hô hấp hãy đeo khẩu trang cho trẻ và hạn chế đến nơi đông người.
Hướng dẫn trẻ không chạm tay vào mắt, mũi và miệng của mình, trẻ sử dụng khăn giấy sạch hoặc ít nhất nếu không có khăn giấy trẻ có thể sử dụng ống tay áo sạch để chấm vào mắt cay, ngứa mũi và che mũi miệng khi ho, hắt hơi. Thường xuyên vệ sinh đồ chơi, điện thoại, khăn, cốc và các đồ dùng của trẻ.
Phụ huynh và trẻ nhỏ nên thường xuyên rửa tay để phòng bệnh
- Giữ ấm đường thở cho trẻ
Nên duy trì nhiệt độ phòng từ 25-28 độ C, thông thoáng và tránh gió lùa. Giữ ấm đồ ăn, thức uống. Trước khi cho trẻ ra ngoài nên đeo khẩu trang, đội mũ kín tai, mặc thêm áo khoác và đi giày ấm để tránh cảm lạnh đột ngột. Tuy nhiên không cần ủ ấm quá mức vì nếu mặc quá ấm, trẻ dễ bị ra mồ hôi lưng, đầu, rồi thấm ngược lại dẫn đến cảm lạnh, viêm phổi… Hơn nữa, việc ứ đọng mồ hôi trên da còn là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây ra các bệnh về da, gây ngứa ngáy, khó chịu.
- Dinh dưỡng giúp tăng cường đề kháng
Bữa ăn của trẻ cần đảm bảo đủ các nhóm chất dinh dưỡng: đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất. Đạm và vitamin hỗ trợ duy trì sức đề kháng và hệ miễn dịch cơ thể. Đạm (protein) có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa, và các loại đậu. Vitamin có nhiều trong trái cây tươi, rau xanh, nước ép hoa quả, dầu cá…
Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp trẻ tăng đề kháng, phòng bệnh giao mùa
- Cho trẻ ra ngoài vận động hợp lý.
Cung cấp rất nhiều cơ hội để hoạt động thể chất cho trẻ giúp tăng cường sức đề kháng cũng như tăng hệ miễn dịch cho trẻ. Thời điểm lý tưởng cho trẻ ra ngoài vận động và đón nhận ánh nắng mặt trời vào mùa đông là vào khoảng 8h – 9h30h và buổi chiều từ 15h -17h. Lưu ý cần hạn chế cho trẻ tới nơi đông người, tránh tiếp xúc với người đang mắc bệnh, tránh xa các nguồn ô nhiễm như khói bụi, khói thuốc lá.
- Tắm và vệ sinh thân thể sạch sẽ ít nhất 2 ngày/ lần.
Thời gian lý tưởng nhất là từ 10 giờ-10 giờ 30 hoặc từ 15-16 giờ. Nhiệt độ nước thích hợp cho trẻ tắm mùa đông là từ 33oC đến 36 oC. Khi dùng tay để thử thì người lớn cảm thấy nước đủ ấm tức là nước đó bị nóng với trẻ. Vì vậy, cha mẹ nên dùng nhiệt kế để xác định nhiệt độ nước tắm thích hợp cho trẻ. Khi tắm cho trẻ cần tắm trong phòng kín gió, nếu cần thiết chuẩn bị thêm quạt sưởi và chỉ tắm tối đa trong thời gian từ 5-7 phút để tránh cảm lạnh. Lưu ý đừng để điều hòa hay quạt sưởi chĩa thẳng vào người bé. Điều này khiến con dễ bị khô da hoặc gây bỏng cho bé.
- Chăm sóc giấc ngủ cho trẻ
Đảm bảo cho trẻ ngủ đủ giấc. Trẻ nhỏ khi ngủ thường hay đạp tung chăn, hở chân, hở bụng… Điều này sẽ khiến cho bé bị lạnh bụng dẫn đến đau bụng hoặc rối loạn tiêu hóa… Tuy nhiên không ông bố, bà mẹ nào có thể thức cả đêm để kéo áo, che bụng cho con… Vì vậy, trước khi trẻ đi ngủ nên cho trẻ mặc loại áo liền quần hoặc cho trẻ đắp chăn túi (loại chăn riêng có phéc mơ tuya để bảo vệ bụng không bị nhiễm lạnh) và đi tất cho trẻ đề phòng trẻ bị nhiễm lạnh.
Nên đắp chăn và mặc quần áo ấm cho trẻ vào ban đêm khi ngủ
Kết luận
Việc chăm sóc trẻ em khi thời tiết giao mùa đòi hỏi sự cẩn thận và chu đáo từ phía phụ huynh. Bằng cách chú ý đến các triệu chứng bệnh và áp dụng các biện pháp phòng ngừa, chúng ta có thể bảo vệ sức khỏe của con em mình một cách hiệu quả. Hy vọng bài viết này đã cung cấp những thông tin hữu ích, giúp các bậc phụ huynh yên tâm hơn trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho trẻ trong thời tiết giao mùa. Hãy luôn nhớ rằng, sự quan tâm và chăm sóc đúng cách sẽ giúp trẻ vượt qua mọi thử thách của thời tiết và phát triển khỏe mạnh.