Cách nhận biết dấu hiệu bất thường ở trẻ sơ sinh tại nhà
Thời kỳ sơ sinh của trẻ được tính từ khi trẻ bắt đầu sinh ra đến 28 ngày sau sinh.Trẻ sơ sinh sau khi rời khỏi bụng mẹ sẽ cất tiếng khóc chào đời. Bụng mẹ chính là “ngôi nhà” ấm áp đã bao bọc và nuôi dưỡng trẻ trong suốt 9 tháng 10 ngày. Lúc này trẻ sẽ phải tập thích nghi với môi trường bên ngoài và sự giúp đỡ của cha mẹ là điều đặc biệt quan trọng đối với trẻ. Chăm sóc trẻ đúng cách giai đoạn này là nền tảng để trẻ phát triển khỏe mạnh.
Những việc cần theo dõi ở trẻ sơ sinh
Thời kỳ sơ sinh chính là thời gian trẻ được sinh ra cho đến khi bé 1 tháng tuổi. Giai đoạn này chủ yếu trẻ tập thích nghi với môi trường bên ngoài tử cung, do chuyển từ môi trường nước sang môi trường không khí. Ngay khi ra đời, cùng với tiếng khóc chào đời trẻ đã bắt đầu tự thở bằng phổi của chính mình. Lúc này vòng tuần hoàn bắt đầu chính thức hoạt động thay cho vòng tuần hoàn nhau thai. Trẻ bắt đầu bú và hệ tiêu hóa bắt đầu làm việc, thận lúc này sẽ đảm nhiệm chức năng điều hòa môi trường bên trong cơ thể. Thay thế toàn bộ nhiệm vụ trước đây do rau thai đảm nhiệm.
Trong giai đoạn 1 tháng sau sinh, cơ thể trẻ vẫn còn rất non yếu, cấu tạo và chức năng của các cơ quan chưa được hoàn thiện đầy đủ. Hệ thần kinh của trẻ luôn trong trạng thái bị ức chế, do đó trẻ ngủ suốt ngày.
Theo dõi phân và nước tiểu
- Trong 24h tuổi phải có phân su và nước tiểu. Trẻ bú sữa mẹ phân màu vàng, có thể đi tiểu và đi ngoài ngày 6-8 lần.
- Phân không bình thường: Phân đen, phân có nhầy máu.
Theo dõi hô hấp
Theo dõi sát nhịp thở, màu sắc da, kiểu thở của trẻ
- Trẻ sơ sinh có nhịp thở bình thường 40-60 lần/phút, trẻ thở đều, nếu thấy trẻ thở nhanh hơn 60 lần/phút hoặc thở chậm hơn 40 lần/phút, hoặc thở không đều, khò khè hoặc co kéo lồng ngực là bất thường.
- Cấu tạo đường thở của trẻ sơ sinh rất mềm và khí quản hẹp nên chú ý đến tư thế bế và đặt trẻ nằm sao cho đường thở không bị gập hoặc ngửa quá. Kê gối dưới vai, giữ cổ trẻ ở tư thế trung gian, đánh giá tư thế tốt bằng nhịp thở nhẹ nhàng, đều đặn, trẻ ngủ yên giấc.
- Trẻ đẻ non thường có cơn ngừng thở ngắn <15s, khi đó cần kích thích để trẻ thở, nên dùng phương pháp da kề da để phòng và chống cơn ngừng thở. Nếu cơn ngừng thở >15s, trẻ tím tái, hoặc cơn ngừng thở ngắn nhưng liên tục, cần kích thích cho trẻ thở, đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế .
- Quan sát màu sắc da của trẻ: Bình thường da trẻ hồng, môi và đầu chi hồng. Nếu thấy da trẻ tái, nhợt hoặc tím cần đưa trẻ đến cơ sở y tế.
- Nếu trẻ bị ngạt mũi, hắt hơi, chảy nước mũi cần nhỏ mũi cho trẻ nhiều lần trong ngày bằng nước muối sinh lý ấm. Nếu trẻ ho nhiều, thở khò khè cần đưa trẻ đi khám.
Theo dõi thân nhiệt
- Nhiệt độ bình thường của trẻ: 36,5°C – 37,2°C (nhiệt độ cặp nách). Trẻ sơ sinh có thể bị hạ thân nhiệt cả khi vào mùa hè, từ đó trẻ dễ bị viêm phổi, do vậy cần cho trẻ nằm phòng thoáng, nhiệt độ phòng 28 – 30°C (>25°C), đủ ánh sáng. Không quấn trẻ quá kỹ dễ làm trẻ sốt, viêm da, viêm phổi …
- Nếu nhiệt độ > 37,5°C: cho trẻ nằm phòng thoáng, nới lỏng quần áo, dùng khăn ấm chườm cho trẻ ở trán, nách, bẹn. Theo dõi sát nhiệt độ của trẻ. Nếu > 38,5°C đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ.
- Nếu nhiệt độ < 36°C: ủ ấm tích cực cho trẻ bằng chăn hoặc bằng phương pháp da kề da.
Theo dõi vàng da
Kiểm tra dưới ánh sáng tự nhiên ban ngày, nhìn màu sắc da ở vết ngón tay ấn lên da, vùng da định khám. Nếu da có vàng đến chân, màu vàng cam, vàng rơm phải đến khám lại ngay.
Những dấu hiệu bất thường khác:
Li bì, bú kém, bỏ bú, ho, … chảy nước mũi, khó thở, tím, sốt, co giật… đến khám lại ngay.
Theo dõi chăm sóc da, rốn, mắt
- Chăm sóc da: Tắm cho bé sau sinh 24h và tắm hàng ngày. Nhiệt độ nước tắm 36 – 37°C (mùa hè), 37 – 38°C (mùa đông). Thời gian tắm không quá 10 phút và sử dụng nước ấm bình thường.
- Phòng tránh hăm cho trẻ: Da trẻ sơ sinh mỏng, dễ bị tổn thương, hăm, đỏ. Vì vậy không để da trẻ tiếp xúc lâu với tã ẩm, ướt, nên thay tã thường xuyên cho trẻ, khi trẻ bị hăm cần bôi thuốc theo hướng dẫn của thầy thuốc.
- Chăm sóc rốn: Vệ sinh rốn cho trẻ hàng ngày đến khi rốn rụng và khô bằng cồn 70° và bông vô khuẩn, không nên bôi bất cứ thứ thuốc mỡ hay thuốc bột gì vào rốn trẻ.
Cần đưa trẻ đến khám khi có một trong các triệu chứng sau:
- Rốn có mùi hôi hoặc rỉ nước vàng hoặc rỉ máu.
- Rốn có nang, rỉ nước.
- Da quanh rốn sưng tấy đỏ.
- Rốn chậm rụng sau 3 tuần.
- Vệ sinh mắt cho trẻ, theo dõi xem mắt có sưng đỏ, có nhử, mủ không?
Trẻ sơ sinh cần được theo dõi và chăm sóc rốn
Những bệnh nguy hiểm thường gặp ở trẻ sơ sinh
Bệnh về đường hô hấp
- Cảm lạnh
Triệu chứng: Khi quan sát mẹ thấy bé thở khó, khò khè, thường xuyên có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi hoặc nghẹt mũi.
Nguyên nhân: do virus gây bệnh cảm lạnh hoặc do thời tiết thay đổi.
- Nấc cụt
Triệu chứng: Bé nấc liên tục với tần suất khoảng 3 lần/ngày, mỗi lần khoảng 3 phút.
Nguyên nhân: Cơ thắt thực quản dưới ở trẻ sơ sinh hay còn gọi là cơ tâm vị chưa thực sự hoàn thiện: không tự chủ và ngắt quãng khiến khí hít vào bị ngưng đột ngột, thanh môn bất ngờ đóng lại đây là biểu hiện của bệnh trào ngược dạ dày thực quản sinh lý thường sẽ tự hết khi trẻ lớn.
- Viêm đường hô hấp trên
Triệu chứng: Sốt, ho (ho khan hoặc ho có đờm), sổ mũi, nghẹt mũi, khò khè… Nếu nặng có thể thở nhanh, sốt cao, co giật, tím tái
Nguyên nhân: Do virus (chiếm hơn 70%) ngoài ra có thể vi khuẩn gây ra các bệnh như viêm mũi-họng, viêm VA, viêm Amidan, viêm tai giữa.
- Viêm phổi
Đây là bệnh thuộc nhóm viêm đường hô hấp dưới rất nguy hiểm. Viêm phổi diễn biến nhanh, dễ gây biến chứng, có thể tử vong nếu trẻ sơ sinh không được xử trí kịp thời.
Trẻ sơ sinh dễ bị viêm đường hô hấp trên
Các bệnh ngoài da
- Vàng da sinh lý
Biểu hiện: Vàng da ở mặt, ngực, tay và chân 2 – 3 ngày sau sinh, trẻ vẫn bú và ngủ tốt.
Điều trị: Vàng da sinh lý thường là do tích tụ quá nhiều bilirubin hơn mức cơ thể đào thải, lớn lên bé tự hết.
- Vàng da bệnh lý
Biểu hiện: Nhiều vùng da bị vàng. Bé đi phân bạc màu, có thể kèm lách to khi thăm khám. Vàng da kéo dài không tự hết.
- Mụn sữa
Biểu hiện: Thường xuất hiện vài tuần sau khi bé chào đời. Mụn nhỏ mọc nhiều ở má, trán, cằm và lưng, vùng da xung quanh tấy đỏ. Mụn nhiều hơn khi cơ thể bé bị nóng hoặc tiếp xúc với nước dãi, hóa chất,…
- Viêm da tiết bã
Đây là bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh, dân gian hay gọi là “cứt trâu”
- Chàm Eczema
Biểu hiện: Khô da, đỏ từng mảng, có ngứa, mụn nước, kích ứng khi tiếp xúc với nước bọt hoặc các chất tẩy rửa. Chàm xuất hiện nhiều ở mặt, đầu, tay và chân, sau đó lan khắp cơ thể;
Nếu da bị trầy xước hoặc có mủ thì phải đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhi ngay
- Hăm tã
Sự tiện lợi của tã bỉm khiến mẹ cho bé mặc nhiều hơn. Nếu mặc quá nhiều bé sẽ dễ bị hăm.
Trẻ sơ sinh rất dễ bị hăm tã
Bệnh đường tiêu hóa
- Tiêu chảy
Biểu hiện: Phân lỏng, loãng hoặc toàn nước, màu sắc phân có sự thay đổi, mùi tanh và có thể lẫn chất nhầy.
- Táo bón
Biểu hiện: Bé chán ăn (bỏ bú), trướng bụng, hay quấy khóc. Hơn 3 hay 4 ngày không đi đại tiện. Trẻ phải rặn rất khó khăn khi đi ngoài, phân dạng keo dính hoặc vón cục, đi “lắt nhắt”.
Dấu hiệu bất thường thường gặp ở trẻ sơ sinh
Một số dấu hiệu ở trẻ sơ sinh ba mẹ cần nhận biết ngay:
- Bỏ bú hoặc bú kém
- Co giật
- Lơ mơ hoặc hôn mê
- Giảm hoặc ít cử động khi kích thích
- Thở nhanh (> 60 lần/phút)
- Thở rên
- Rút lõm ngực nặng
- Tăng thân nhiệt > 38°C
- Hạ thân nhiệt < 35,5°C
- Cơ thể tím tái
Nếu trẻ sơ sinh có dấu hiệu nguy hiểm trên ba mẹ cần đưa bé đến ngay bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám và xử trí kịp thời.