Cách phòng tránh bệnh lao cho người có bệnh lý nền nghiêm trọng
Bệnh lao là một trong những căn bệnh gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Năm 2018, ước tính có khoảng 10 triệu người bị mắc bệnh lao và 1,5 triệu người chết vì căn bệnh này. Khi bị mắc bệnh lao, nếu không được điều trị kịp thời, cơ thể người bệnh sẽ dần bị suy yếu và dẫn tới tử vong. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về căn bệnh này đối với người có bệnh lý nền trong bài viết sau.
Bệnh lao là gì? Nguyên nhân gây bệnh?
Bệnh lao là gì?
Bệnh lao (còn gọi là TB) là một bệnh truyền nhiễm do vi trùng lao gây nên. Nếu vi trùng lao thâm nhập vào một cơ quan nào đó trong cơ thể và sinh sôi đồng thời cơ thể không thể chống lại nó, khi đó sẽ hình thành bệnh lao.
Bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể như lao màng phổi, lao hạch bạch huyết, lao màng não, lao xương khớp, lao màng bụng, lao hệ sinh dịch – tiết niệu, lao ruột, trong đó bệnh lao phổi thường gặp nhất (chiếm 80 – 85%) và là nguồn lây chính cho người xung quanh.Đối với người bị nghi ngờ mắc bệnh lao phổi, nếu xét nghiệm soi đờm trực tiếp thấy có vi khuẩn lao thì người bệnh được chẩn đoán là lao phổi AFB(+) và ngược lại là lao phổi AFB(-).
Nguyên nhân bệnh Bệnh lao phổi
Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Bệnh lây lan do vi khuẩn lao phát tán ra ngoài khi người mắc lao phổi ho, nói, hắt hơi, khạc nhổ mà vô tình người tiếp xúc gần đó có thể bị hít vào và gây bệnh tại phổi. Từ phổi, vi khuẩn lao có thể qua đường máu hay bạch huyết đến các tạng khác trong cơ thể và gây bệnh tại đó.
Vi khuẩn lao có khả năng kháng lại cồn và axit mà ở nồng độ đó vi khuẩn khác bị tiêu diệt. Vi khuẩn lao tồn tại được nhiều tuần trong đờm, rác ẩm và tối, chết ở nhiệt độ 100 độ/5 phút và dễ bị mất khả năng gây bệnh dưới ánh nắng mặt trời.
Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra
Tại sao những người có bệnh lý nền dễ mắc bệnh lao?
Nguyên nhân do người mắc bệnh nền có sức đề kháng giảm, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, khi mắc bất kỳ thêm một bệnh khác thì bệnh sẽ trở nên nặng hơn; tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều so với người bình thường.
Một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh thường chiến đấu thành công với vi khuẩn lao, nhưng cơ thể sẽ không thể phòng thủ hiệu quả nếu sức đề kháng của bạn thấp. Một số bệnh và các loại thuốc có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của bạn, bao gồm:
- HIV / AIDS
- Bệnh tiểu đường
- Bệnh thận nặng
- Mắc một số bệnh ung thư
- Điều trị ung thư, như hóa trị
- Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch như corticoid, hóa chất điều trị ung thư
- Sử dụng một số loại thuốc dùng để điều trị viêm khớp dạng thấp, bệnh vẩy nến và bệnh Crohn
- Suy dinh dưỡng
- Tuổi rất trẻ hoặc cao
Bệnh nhân có yếu tố miễn dịch suy giảm thì tỷ lệ trở thành lao bệnh là 30%
Các biện pháp phòng tránh chung cho những người có bệnh lý nền
- Tiêm phòng bệnh lao phổi: đối tượng trẻ em sẽ tiêm BCG để phòng chống lao.
- Khi đi ra ngoài hoặc khi tiếp xúc với người bệnh lao phổi cần đeo khẩu trang
- Khi hắt hơi cần che miệng, sau đó rửa tay sạch sẽ thường xuyên, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh.
- Người bệnh lao phổi tránh lây nhiễm cho người khác bằng cách không ngủ cùng phòng với người khác, không đến nơi đông người…
- Người bệnh phải đeo khẩu trang, đặc biệt khi ho, hắt hơi phải che miệng, khạc đờm vào chỗ quy định và đờm hoặc các vật chứa nguồn lây phải được hủy đúng phương pháp.
- Tận dụng ánh nắng mặt trời càng nhiều càng tốt cho nơi ở và các vật dụng của người bệnh.
- Thực hiện lối sống lành mạnh như: ăn uống hợp lý, ngủ đầy đủ, tập thể dục thường xuyên và không sử dụng các chất gây nghiện như ma túy, rượu bia, thuốc lá…
- Vệ sinh nơi ở, nơi làm việc và khám sức khỏe định kỳ
Đối với những người có bệnh lý nền, bệnh lao là một mối nguy hiểm. Để tránh bị nhiễm bệnh, bạn cần phải thực hiện các biện pháp phòng tránh cẩn thận. Nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh lao, bạn phải đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Điều này không chỉ giúp ngăn chặn sự lây lan của bệnh mà còn cải thiện khả năng chữa trị và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.
Kết luận
Bệnh lao là mối nguy hiểm đặc biệt đối với những người có bệnh lý nền. Với hệ miễn dịch suy yếu, họ dễ dàng trở thành nạn nhân của vi khuẩn lao, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Để phòng tránh bệnh lao, việc duy trì lối sống lành mạnh, tiêm phòng và tuân thủ các biện pháp vệ sinh cá nhân là rất quan trọng. Hãy nhớ rằng việc đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, và tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh là những hành động đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả. Đặc biệt, nếu có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh lao, hãy tìm đến sự tư vấn của bác sĩ ngay lập tức. Sự quan tâm và chăm sóc đúng cách không chỉ bảo vệ bản thân mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.