Cách cải thiện dinh dưỡng và thể chất cho người bị rối loạn tiêu hoá
Rối loạn tiêu hóa là tình trạng mà ai cũng từng gặp ít nhất một lần trong đời. Mọi lứa tuổi đều có thể bị rối loạn tiêu hóa và tình trạng rối loạn tiêu hóa ở mỗi người thường không giống nhau. Tình trạng này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống và sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Muốn phòng và điều trị chúng ta phải có những hiểu biết về bệnh rối loạn tiêu hóa, thực đơn cho người bị rối loạn tiêu hóa và chế độ tập luyện hợp lý.
Những hiểu biết về bệnh rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa là tình trạng không bình thường diễn ra ở đường tiêu hóa như nôn, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, táo bón…
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn tiêu hóa, điển hình là một số nguyên nhân sau:
- Chế độ ăn uống hàng ngày không hợp lý, sử dụng nhiều đồ uống có cồn như rượu, bia: đây là nguyên nhân thường gây ra rối loạn tiêu hóa ở người lớn. Việc uống rượu bia lâu ngày sẽ làm cơ thể mất đi một lượng lớn men tiêu hóa, đồng thời dẫn đến mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột;
- Các bệnh lý như viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích, trào ngược dạ dày thực quản, viêm dạ dày.
- Dùng kháng sinh liên tục trong thời gian dài có thể khiến tình trạng tiêu chảy trở nên nặng hơn.
- Lối sống căng thẳng stress: làm việc quá sức, ngủ không đủ giấc, ăn uống thất thường, dạ dày tiết acid quá mức.
Triệu chứng của rối loạn tiêu hóa: đau bụng, đi ngoài, táo bón, đầy hơi chướng bụng là các dấu hiệu mà người bị rối loạn tiêu hóa thường xuyên gặp phải.
Thông thường rối loạn tiêu hóa có thể được chữa khỏi và không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu rối loạn tiêu hóa kéo dài có thể gây chán ăn và mệt mỏi dẫn đến suy nhược cơ thể. Đặc biệt, trong những trường hợp rối loạn tiêu hóa kéo dài và gây mất nước mà không được bù điện giải có thể gây nguy hiểm tính mạng.
Thực đơn cho người bị rối loạn tiêu hóa
Một chế độ ăn uống khoa học là yếu tố quan trọng giúp cải thiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Dưới đây là những gợi ý thực đơn dinh dưỡng dành cho người bị rối loạn tiêu hóa.
Dinh dưỡng hàng ngày cho người bị rối loạn tiêu hóa
- Tập thói quen bổ sung đầy đủ nước và nước ép trái cây hằng ngày, từ 2 – 2,5 lít nước/ngày tùy cân nặng và thể trạng. Việc này giúp duy trì độ ẩm và cung cấp vitamin cần thiết cho cơ thể.
- Ăn uống đúng giờ, chia nhỏ các bữa ăn, ăn chậm, nhai kỹ
- Sử dụng chất béo không bão hòa: dầu thực vật như dầu lạc, dầu mè, dầu hướng dương; các loại hạt như hạt mè, hạt hướng dương; các loại ngũ cốc, cá hồi, cá trích.
- Thực phẩm giàu chất xơ: Rau rất giàu chất xơ, có thể giúp giảm táo bón bằng cách cải thiện các cơn co thắt cơ trong đường tiêu hóa.
- Trái cây: chuối giàu kali, cung cấp chất điện giải cho cơ thể, rất hữu ích đối với các trường hợp bị rối loạn tiêu hóa dẫn tới tiêu chảy và mất nước. Quả bơ giàu chất xơ và các chất béo không bão hòa đơn giúp cải thiện hoạt động của đường tiêu hóa. Táo có chứa nhiều pectin – một dạng chất xơ hòa tan, táo có tác dụng làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường ruột,làm giảm một số triệu chứng rối loạn tiêu hóa khác. Các loại trái cây khác như dứa, đu đủ, ổi…
- Sữa chua được làm từ sữa đã được lên men, điển hình là bởi vi khuẩn axit lactic. Nó chứa các lợi khuẩn được gọi là probiotics, là những vi khuẩn có lợi sống trong đường tiêu hóa của và có thể cải thiện vấn đề tiêu hóa, giữ cho đường ruột khỏe mạnh.
- Bổ sung đầy đủ chất đạm, đặc biệt là thịt trắng như thịt gà, vịt hoặc các loại đậu phụ.
Những thực phẩm nên kiêng ăn ở người bị rối loạn tiêu hóa
- Thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa: bơ, kem, thịt đỏ, phô mai, sữa, các chế phẩm từ sữa.
- Thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, cay nóng: đồ ăn chiên rán, đồ ăn nhanh, chế biến sẵn.
- Trái cây có vị chua, nhiều axit: Các loại hoa quả có nhiều axit và có vị chua như cam, chanh. Các thực phẩm lên men: dưa muối, cải chua….
- Các món tái sống: tiết canh, đồ tái, các món gỏi…
- Rượu, bia và chất kích thích: Các loại đồ uống có cồn và chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá.
- Thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, có chứa chất bảo quản, chất kích thích.
Lưu ý khi xây dựng thực đơn cho người bị rối loạn tiêu hóa
- Sử dụng thực phẩm chế biến có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo quản đúng cách, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Bổ sung đầy đủ và cân bằng các nhóm dinh dưỡng Protein, Lipid, Glucid, vitamin và khoáng chất
- Bổ sung nước đầy đủ tùy vào độ tuổi, nhiệt độ cơ thể, cân nặng, mức độ vận động, môi trường làm việc, thời tiết….
Các bài tập thể chất dành cho người bị rối loạn tiêu hóa
Các bài tập thể chất dành cho người bị rối loạn tiêu hóa
- Đi bộ là một cách đơn giản nhưng rất hiệu quả để cải thiện hoặc duy trì sức khỏe tổng thể. Đi bộ nhẹ nhàng sau ăn 30 phút sẽ giúp lượng thức ăn đã nạp vào cơ thể dễ được tiêu hóa hơn, đặc biệt đi bộ vào buổi sáng giúp cải thiện chức năng của dạ dày.
- Chạy bộ vào mỗi buổi sáng giúp cải thiện hoạt động của dạ dày, những bệnh nhân vừa trải qua phẫu thuật dạ dày tập luyện chạy bộ để kích thích hoạt động của hệ tiêu hóa.
- Yoga: Các động tác như tư thế em bé, tư thế con mèo – con bò giúp xoa dịu và kích thích hệ tiêu hóa.
- Bài tập thở: Hít thở sâu giúp giảm căng thẳng, cải thiện lưu thông máu và hỗ trợ tiêu hóa.
- Giãn cơ bụng và lưng: Giúp thư giãn cơ bụng, giảm căng thẳng và hỗ trợ quá trình tiêu hóa.
Lưu ý khi tập luyện thể thao cho người bị rối loạn tiêu hóa
- Sinh hoạt lành mạnh và tập luyện thể thao đều đặn
- Lựa chọn các bài tập phù hợp với thể chất của mỗi người, trong những trường hợp có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc các chuyên gia.
- Cân đối giữa hoạt động thể chất và chế độ ăn uống hợp lý
- Hoạt động thể chất giúp kích thích cơ trơn trong ruột, giảm hiện tượng tắc nghẽn. Đồng thời giúp tăng cường sự tuần hoàn máu trong ruột
- Tránh tập luyện thể dục thể thao một cách quá sức, nhất là khi vừa ăn no có thể khiến các vòng cơ tại đường ruột bị tổn thương.
Rối loạn tiêu hóa là một vấn đề sức khỏe phổ biến nhưng có thể cải thiện đáng kể bằng cách thay đổi chế độ dinh dưỡng và duy trì thói quen tập luyện thể chất. Việc lựa chọn thực phẩm giàu chất xơ, probiotic và hạn chế các thực phẩm gây khó tiêu sẽ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Bên cạnh đó, các bài tập nhẹ nhàng như yoga, đi bộ và các bài tập giãn cơ sẽ hỗ trợ tích cực trong việc duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Bằng cách áp dụng những biện pháp này, bạn có thể nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm thiểu các triệu chứng khó chịu do rối loạn tiêu hóa gây ra.