Calcium glubionate: Công dụng, tác dụng phụ và những lưu ý khi dùng
Tình trạng loãng xương, đau nhức xương khớp là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến. Calcium glubionate sẽ là người bạn đồng hành tin cậy giúp bạn vượt qua những rắc rối này. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về công dụng, cách sử dụng và những lưu ý khi dùng Calcium glubionate.
Tổng quan về Calcium glubionate
Tên thuốc gốc (Hoạt chất): Calcium glubionate (calci glubionat)
Loại thuốc: Khoáng chất và chất điện giải
Dạng thuốc và hàm lượng
- Dung dịch tiêm 687,5 mg/5 ml
- Siro 1,8 g/5 ml
Chỉ định và chống chỉ định khi dùng
Chỉ định
Calcium glubionate được chỉ định trong việc ngăn ngừa hoặc điều trị hạ calci huyết ở những người không nhận được đủ calci từ chế độ ăn uống.
Điều trị tình trạng do lượng calci thấp gây ra như mất xương (loãng xương), xương yếu (còi xương/nhuyễn xương), giảm các hoạt động của tuyến cận giáp (suy tuyến cận giáp) cùng với một số bệnh lý về cơ (hội chứng Tetany tiềm tàng).
Dùng cho một số bệnh nhân nhu cầu calci cao (phụ nữ mang thai, cho con bú, sau mãn kinh, những người đang sử dụng thuốc như phenobarbital, phenytoin, prednisone).
Co cứng cơ do hạ calci huyết (bệnh Tetany), các rối loạn thần kinh cơ liên quan.
Hỗ trợ điều trị trong các trường hợp xuất tiết da (chàm cấp, mề đay cấp).
Điều trị ngộ độc kim loại chì (đau bụng do ngộ độc chì), tình trạng ngộ độc flouride.
Hỗ trợ điều trị chứng tăng kali huyết nặng.
Chống chỉ định
Quá mẫn cảm với thành phần của thuốc. Tăng canxi huyết, canxi niệu nặng. Tình trạng suy thận nặng, galactose huyết. Ðang điều trị bằng digitalis hoặc adrenalin.
Liều lượng và cách dùng thuốc
Liều dùng Calcium glubionate
Đối với người lớn
Thuốc tiêm: Liều 10ml dùng 1 – 3 lần/ngày, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp sâu trong những trường hợp đặc biệt.
Trong trường hợp hạ calci huyết nặng ở người lớn, sử dụng calcium glubionate truyền tĩnh mạch với liều lượng điều chỉnh theo calci huyết và calci niệu.
Thuốc uống (siro): Mỗi 5ml siro cung cấp 1.8 g calcium glubionate tương ứng với 115mg calci nguyên tố. Có thể phối hợp cùng với vitamin D trong điều trị:
- Chứng hạ calci huyết: Dùng 15ml uống 3 lần/ngày trước bữa ăn.
- Bệnh suy tuyến cận giáp: Dùng 5 – 15ml uống 3 lần/ngày trước bữa ăn.
- Bệnh giả suy tuyến cận giáp: Dùng 5 -15ml uống một lần/ngày trước bữa ăn sáng.
- Bệnh loãng xương: Dùng 15ml uống 1 – 3 lần/ngày trước bữa ăn.
Đối với trẻ em
Thuốc tiêm: Liều 5 – 10ml dùng 1 lần/ngày, tiêm tĩnh mạch.
Trong các trường hợp hạ calci huyết nặng ở trẻ em, sử dụng calcium glubionate truyền tĩnh mạch với liều điều chỉnh theo calci huyết và calci niệu.
Trong trường hợp hạ calci huyết nặng ở trẻ còn bú hoặc trẻ nhũ nhi, liều thông thường sử dụng là 4 – 9ml calcium glubionate truyền tĩnh mạch tối đa 3 ngày. Sau đó chuyển sang dạng uống.
Thuốc uống (siro): Mỗi 5ml siro cung cấp 1.8 g calcium glubionate tương ứng với 115mg calci nguyên tố.
Hạ calci huyết (liều phụ thuộc vào tình trạng lâm sàng và nồng độ calci huyết thanh): Liều dùng calcium glubionate là 600 – 2000 mg/kg/ngày chia làm 4 lần, tối đa là 9g/ngày.
Bổ sung vào chế độ ăn uống:
- Trẻ dưới 12 tháng: 5ml x 5 lần một ngày. Trộn với sữa công thức hoặc nước trái cây.
- Trẻ dưới 4 tuổi: 10ml x 3 lần một ngày
- Trẻ em từ 4 tuổi trở lên và thanh thiếu niên: 15ml x 3 lần/ngày.
- Còi xương (do thiếu vitamin D): Liều biểu thị bằng calci nguyên tố: Uống 30-75 mg/kg/ngày chia làm 3 lần.
Cách dùng Calcium glubionate
Thuốc tiêm: Tiêm tĩnh mạch chậm (3 phút cho 10ml), theo dõi nhịp tim trong khi tiêm. Ở người lớn có thể tiêm bắp sâu ở mông trong một số các trường hợp đặc biệt. Không nên tiêm bắp cho trẻ em. Tuyệt đối tránh tiêm dưới da với calcium glubionate.
Thuốc uống (siro): Nên uống trước bữa ăn để giúp tăng cường hấp thu. Uống với một cốc nước đầy hoặc với nước trái cây, 1 – 3 giờ sau bữa ăn, các loại thuốc khác và 1 – 2 giờ trước bất kỳ loại thuốc bổ sung sắt nào nếu có sử dụng. Hãy dùng dụng cụ phân liều được nhà sản xuất cung cấp để đong thuốc cũng như đảm bảo được liều lượng chính xác. Không sử dụng muỗng của gia đình. Dùng thuốc này đúng cách để giúp đạt được hiệu quả tối ưu. Nên sử dụng thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
Tác dụng phụ khi dùng thuốc
Nhận trợ giúp y tế khẩn cấp nếu bạn có các dấu hiệu của phản ứng dị ứng với calcium gluconate: Tình trạng khó thở, nổi mề đay, sưng mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng.
Gọi cho bác sĩ của bạn ngay lập tức nếu xảy ra những trường hợp sau:
- Ít hoặc không đi tiểu
- Sưng tấy, tăng cân nhanh chóng
- Cảm giác nhẹ như bạn có thể bị ngất đi
- Dấu hiệu nhịp tim chậm hoặc không đều
- Lượng canxi trong máu cao: buồn nôn, nôn, táo bón, khát nước hoặc đi tiểu nhiều, đau xương, yếu cơ, lú lẫn, thiếu năng lượng hoặc cảm thấy mệt mỏi.
Các tác dụng phụ thường gặp của Calcium glubionate có thể bao gồm: ấm áp, ngứa ran hoặc cảm giác nặng nề, một vị phấn trong miệng của bạn, khó chịu dạ dày, khí hoặc táo bón.
Thận trọng khi dùng Calcium glubionate
Không dùng Calcium glubionate hoặc thuốc kháng axit có chứa canxi mà không hỏi ý kiến bác sĩ trước nếu bạn cũng dùng các loại thuốc khác. Canxi có thể khiến cho cơ thể bạn khó hấp thụ một số loại thuốc.
Calcium glubionate hoạt động tốt nhất nếu bạn sử dụng nó cùng với thức ăn. Làm theo tất cả những hướng dẫn trên nhãn và bao bì thuốc của bạn. Cho mỗi nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn biết về tất cả tình trạng y tế, dị ứng và các loại thuốc bạn đang dùng.
Quên liều, quá liều và cách xử trí
Quá liều và cách xử trí
Quá liều và độc tính
Quá liều có thể sẽ dẫn đến tăng calci huyết với những triệu chứng bao gồm chán ăn, táo bón, nôn mửa, yếu cơ, đau bụng, đa niệu, khát, ngủ gật. Trong các trường hợp nặng có thể sẽ dẫn đến hôn mê, loạn nhịp tim và ngừng tim.
Cách xử lý khi quá liều Calcium glubionate
Việc điều trị chủ yếu để giúp điều chỉnh lại calci huyết. Có thể sử dụng natri phosphat dạng uống hoặc truyền tĩnh mạch trong trường hợp nặng.
Quên liều và cách xử trí
Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy cố gắng uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Lưu ý không uống gấp đôi liều đã quy định.
Lưu ý khi dùng thuốc
Lưu ý chung
Nên sử dụng đồng thời vitamin D để giúp hấp thu calci tối ưu.
Đối với người cao tuổi, nên sử dụng muối thay thế (ví dụ, citrate) và dùng chung với thức ăn.
Tăng calci huyết và tăng calci niệu rất dễ xảy ra ở bệnh nhân suy tuyến cận giáp sử dụng vitamin D liều cao. Vì vậy, cần thận trọng khi sử dụng calci kèm với vitamin D.
Thận trọng khi sử dụng thuốc bổ sung calci cho bệnh nhân có tiền sử sỏi thận.
Nên uống calci với thức ăn để giúp cải thiện khả năng hấp thu.
Có nhiều dạng muối của calci, do đó cần hết sức chú ý đến dạng muối khi chỉ định. Việc chọn sai hoặc thay thế một loại muối này cho một loại muối khác mà không điều chỉnh liều lượng thích hợp có thể sẽ dẫn đến việc dùng quá liều hoặc thiếu liều nghiêm trọng.
Nếu bạn những vấn đề sức khỏe nào sau đây, hãy tham khảo ngay ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng sản phẩm này: Như bệnh thận, sỏi thận, ít hoặc không có axit dạ dày (achlorhydria), bệnh tuyến tụy, bệnh tim, bệnh phổi nhất định (bệnh u hạt), khó hấp thu dưỡng chất từ thức ăn (hội chứng kém hấp thu).
Khi sử dụng liệu pháp calci liều cao cần kiểm soát chặt chẽ calci huyết và calci niệu, nhất là ở trẻ em và bệnh nhân đang dùng vitamin D. Ngưng điều trị ngay khi calci huyết vượt quá 2,625 mmol/L (105 – 110 mg/L), calci niệu vượt quá 0,125 mmol/kg (5 mg/kg) trong vòng 24 giờ.
Nên theo dõi điện tâm đồ khi truyền calci tĩnh mạch để giúp điều trị tình trạng tăng kali huyết nặng.
Tránh sử dụng lâu dài calci đường tiêm cho trẻ sơ sinh, trẻ nhũ nhi và các bệnh nhân bị suy thận nặng.
Lưu ý với phụ nữ có thai
Calcium qua được hàng rào nhau thai.
Hiện chưa có báo cáo về tác dụng phụ trên thai nhi khi sử dụng calcium glubionate ở phụ nữ có thai. Tuy nhiên, nên thận trọng khi dùng bất kỳ thuốc nào cho phụ nữ có thai và chỉ dùng thuốc khi thật sự cần thiết.
Lưu ý với phụ nữ cho con bú
Không có những dữ liệu về việc dùng calcium glubionate có được bài tiết vào sữa hay không. Vì vậy, cần thận trọng khi sử dụng thuốc ở phụ nữ đang cho con bú.
Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc
Nên thận trọng khi dùng cho đối tượng lái xe và vận hành máy móc.
Để giúp đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất, bạn nên dùng Calcium glubionate kết hợp cùng với chế độ ăn uống giàu canxi và lối sống lành mạnh. Ngoài ra, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để có thể được tư vấn liều dùng phù hợp.