Cần làm gì để phòng ngừa bệnh lý thần kinh do tiểu đường
Bệnh thần kinh tiểu đường là tổn thương thần kinh xảy ra do lượng đường (glucose) trong máu cao ở những người mắc bệnh tiểu đường. Theo thời gian, lượng đường trong máu cao có thể làm tổn thương các dây thần kinh trên khắp cơ thể. Điều này gây ra một loạt các triệu chứng và biến chứng thần kinh lâu dài.
Nguyên nhân gây ra bệnh lý thần kinh do tiểu đường
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới bệnh lý thần kinh đái tháo đường đó chính là tổn thương dây thần kinh và mạch máu. Đường huyết cao làm tổn thương bao thần kinh và giảm vận tốc dẫn truyền thần kinh. Ngoài ra, các mạch máu nhỏ nuôi dưỡng thần kinh bị tổn thương làm giảm sự cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng đến não, dẫn tới dây thần kinh bị suy giảm.
Những yếu tố khác làm tổn thương dây thần kinh đái tháo đường bao gồm:
- Tình trạng viêm thần kinh do phản ứng tự miễn: xảy ra do hệ thống miễn dịch của cơ thể nhầm lẫn dây thần kinh là vật thể lạ nên tấn công dây thần kinh.
- Yếu tố di truyền
- Sử dụng chất kích thích như hút thuốc lá, rượu bia,…
- Thời gian bị đái tháo đường lâu: thời gian càng lâu thì nguy cơ bị bệnh thần kinh càng cao. Bệnh thần kinh ngoại vi hay gặp ở những bệnh nhân đái tháo đường từ 25 năm trở lên.
- Bệnh thận mãn tính: các chất độc trong máu tăng cao sẽ làm tổn thương đến dây thần kinh
Biến chứng của bệnh lý thần kinh do tiểu đường
Đây là tình trạng nguy hiểm, người tiểu đường cần được điều trị sớm để tránh những gặp phải những biến chứng nghiêm trọng như sau:
- Hạ đường huyết không nhận biết: Đường huyết của người bệnh đã hạ thấp nghiêm trọng nhưng do không thể nhận biết được điều này và không xử trí kịp thời nên dễ gặp phải tình trạng hôn mê đường huyết.
- Mất cảm giác chi: Có thể nói rằng, biến chứng này vô cùng nghiêm trọng và bệnh nhân có thể bị di chứng suốt đời. Người bệnh bị mất cảm giác ở bàn chân, khi bị rơi dép cũng không có cảm giác và có thể bị loét chân hay đoạn chi. Trong trường hợp nghiêm trọng, nhiễm trùng có thể lan đến xương hoặc dẫn đến chết mô. Lúc này người bệnh buộc phải loại bỏ (cắt cụt) ngón chân, bàn chân hoặc thậm chí cả chân dưới.
- Bàng quang thần kinh: Người bệnh có thể đi tiểu không thể kiểm soát và bị tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Một số biến chứng đường tiêu hóa, rối loạn điều tiết mồ hôi và rối loạn chức năng tình dục sẽ có thể làm giảm chất lượng sống của người bệnh.
Cách phòng ngừa bệnh lý thần kinh do tiểu đường
Các đối tượng nguy cơ mắc bệnh thần kinh do đái tháo đường bao gồm: thừa cân, có tăng huyết áp và mỡ máu, bệnh thận tiến triển, uống nhiều thức uống chứa cồn và thuốc lá. Phòng ngừa và giảm nguy cơ mắc bệnh lý thần kinh do tiểu đường bằng cách:
- Người bệnh tiểu đường nên làm xét nghiệm HbA1C ít nhất hai lần một năm.
- Chăm sóc chân tay kỹ lưỡng. Các vấn đề về chân, bao gồm vết loét lâu lành, rạn nứt,… trường hợp xấu phải cắt cụt chi, là những biến chứng phổ biến của bệnh thần kinh do tiểu đường. Nhưng bạn có thể ngăn ngừa nhiều vấn đề này bằng cách khám chân ít nhất mỗi năm một lần.
- Kiểm soát huyết áp.
- Ăn uống điều độ đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Tập luyện thể dục thường xuyên.
- Duy trì cân nặng ở mức vừa phải.
- Không hút thuốc lá.
- Không uống rượu bia.
Bệnh thần kinh đái tháo đường là một trong những nguyên nhân lớn gây ra các biến chứng cho bệnh nhân tiểu đường. Người bệnh không được chủ quan trong việc chăm sóc sức khỏe, đo đường huyết hằng ngày. Nếu nhận thấy những bất thường về sức khỏe cần đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nặng.