Cảnh báo nguy cơ đột quỵ ở người trẻ
Trong những năm gần đây, bệnh lý đột quỵ đang có xu hướng gia tăng ở những người trẻ tuổi. Theo các thống kê của Bộ Y tế Việt Nam, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ và người trung niên 1/3 trong tổng số các trường hợp đột quỵ.Nhận biết đầy đủ nguyên nhân, triệu chứng và cách xử trí cấp cứu là để bảo vệ chính mình.
Thực trạng tình hình đột quỵ ở người trẻ hiện nay
Đột quỵ tên gọi khác là tai biến mạch máu não, là tình trạng máu không lưu thông ảnh hưởng đến một vùng não. Đột quỵ xảy ra sau khi tắc nghẽn hoặc vỡ mạch máu và gây ra cái chết của các tế bào thần kinh, khiến các tế bào này bị thiếu oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết để thực hiện các chức năng.
Đột quỵ ở người trẻ là trường hợp nhóm đối tượng dưới 45 tuổi bị đột quỵ, do xuất huyết não hoặc tắc nghẽn mạch máu não. Nếu trước đây các trường hợp đột quỵ thường chỉ xảy ra ở người trung niên và người cao tuổi (trên 65 tuổi) thì hiện nay, đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa.
Theo các thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, tỷ lệ người trẻ và người trung niên bị đột quỵ chiếm đến ⅓ trong tổng số các trường hợp đột quỵ. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi cũng đang tăng ở mức 2% mỗi năm, với số người bệnh là nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.
Nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻ thường gồm:
- Dị dạng mạch máu não như: Thông động tĩnh mạch, phình động mạch não, u mạch,…
- Bệnh lý tim mạch như: Bệnh van tim, rối loạn nhịp tim, bệnh lý về đông máu, huyết khối tim mạch,…
Không ít bệnh nhân đột quỵ trẻ là lao động chính trong nhà, gặp phải biến chứng mất đi khả năng lao động, thậm chí không thể độc lập trong sinh hoạt cuộc sống hàng ngày.
Đột quỵ đang là vấn đề đáng báo động ở giới trẻ, cần được nhận thức đúng đắn và phòng ngừa, nâng cao sức khỏe nói chung và kiểm soát yếu tố nguy cơ gây biến chứng nói riêng.
Dấu hiệu nhận biết đột quỵ ở người trẻ
Các dấu hiệu tai biến ở người trẻ thường gặp bao gồm:
- Méo miệng, lệch miệng, thay đổi giọng nói, nói ngọng hoặc dính chữ, khó nói. Người bệnh thậm chí không nói được những câu đơn giản nhất.
- Đau hoặc nhức đầu dữ dội. Cơn đau có thể không thuyên giảm dù đã sử dụng các loại thuốc giảm đau. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng đau đầu không phải là một dấu hiệu đột quỵ ở người trẻ mà ai cũng gặp phải. Nhiều trường hợp bị đột quỵ nhưng không có triệu chứng đau đầu.
- Bị yếu liệt một bên mặt, khuôn mặt mất cân đối giữa hai bên. Quan sát thấy một bên mặt người bệnh bị chảy xệ, khi cười sẽ méo mó.
- Khó cử động tay chân, yếu liệt một bên cơ thể. Dấu hiệu đột quỵ ở người trẻ thường khiến người bệnh không thể nâng hai tay qua đầu cùng lúc.
- Mất thị lực, mờ mắt, hoa mắt, nhìn không rõ,… cũng là những triệu chứng đột quỵ ở người trẻ thường gặp.
Cách ứng phó và điều trị cấp cứu khi phát hiện triệu chứng đột quỵ
Người bị đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức, thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí là tử vong. Hầu hết những người sống sót sau cơn đột quỵ đều có sức khỏe suy yếu hoặc mắc các di chứng như: Tê liệt hoặc cử động yếu một phần cơ thể, mất ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc, thị giác suy giảm..
Khi phát hiện 1 trong các dấu hiệu đột quỵ nêu trên hay nghi ngờ bị đột quỵ, người nhà cần bình tĩnh và gọi ngay cho xe cấp cứu, vì mỗi phút trôi qua đối với bệnh nhân đột quỵ đều quan trọng.Trong thời gian chờ cấp cứu, chúng ta cần:
- Đặt bệnh nhân nằm nghiêng cao đầu 30 – 45 độ, giúp bảo vệ đường thở cho bệnh nhân.
- Nếu người bệnh bị ngã thì đừng cố di chuyển họ.
- Cho bệnh nhân mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi hoặc nới lỏng quần áo của họ.
- Trường hợp người bệnh bị co giật, cần dùng chiếc đũa bọc giẻ đặt ngang miệng để tránh cắn vào lưỡi.
- Nếu người bệnh còn tỉnh táo, hãy cố gắng trò chuyện với họ.
- Lúc này, tuyệt đối không cho người bệnh ăn uống hoặc dùng bất kỳ loại thuốc nào khi chưa có chỉ định của bác sĩ vì có thể gây sặc hoặc nghẹt đường thở
Khi phát hiện dấu hiệu đột quỵ, mỗi phút trôi qua đều quan trọng. Việc cấp cứu kịp thời có thể giảm thiểu tổn thương não và cứu sống bệnh nhân. Người nhà và người chăm sóc cần biết cách xử trí ban đầu khi nghi ngờ đột quỵ, từ việc đặt bệnh nhân nằm nghiêng đến không cho ăn uống, để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân trong khi chờ cấp cứu.