Các biểu hiện cảnh báo vấn đề sức khỏe tâm lý ở người cao tuổi
Bước vào giai đoạn tuổi già, con người trải qua nhiều thay đổi về mặt sinh lý, xã hội và tâm lý. Những thay đổi này ảnh hưởng đến cách họ nhìn nhận bản thân, thế giới xung quanh và tương tác với mọi người.
Thực trạng thay đổi tâm lý ở người cao tuổi
Cùng với sự gia tăng các bệnh thực thể, các rối loạn tâm lý cũng là “bạn đồng hành” của những người cao tuổi.
Hiện nay số lượng người cao tuổi ở Việt Nam không ngừng gia tăng. Cùng với sự gia tăng các bệnh thực thể, các rối loạn tâm lý cũng là “bạn đồng hành” của những người cao tuổi. Các rối loạn tâm lý thường gặp là trầm cảm và lo âu. Các nghiên cứu quốc tế cho thấy rối loạn trầm cảm và lo âu gặp ở 25% bệnh nhân ở các cơ sở đa khoa. Một nghiên cứu mới đây tại Viện Lão khoa Việt Nam cho thấy tỷ lệ bệnh nhân trầm cảm kết hợp với lo âu ở các bệnh nhân cao tuổi nằm viện là rất cao, lên tới 40%.
Nên làm gì khi người cao tuổi có các dấu hiệu thay đổi tâm lý?
Những biểu hiện tâm lý người già có thể được liệt kê như sau:
- Sự cô đơn và mong được quan tâm chăm sóc nhiều hơn: Con cái thường bận rộn với cuộc sống. Điều này làm cho tâm lý người già cảm thấy mình bị lãng quên, bị bỏ rơi. Họ rất muốn tuổi già của mình được quây quần và vui vẻ bên con cháu, muốn được người khác xem mình không là người vô dụng. Người già rất muốn được nhiều người quan tâm, lo lắng cho mình và ngược lại. Họ sợ sự cô đơn và sợ cảm giác phải ở nhà một mình. Do đó, gia đình nên cư xử nhẹ nhàng, quan tâm tránh để các cụ có cảm giác bị hắt hủi, bỏ rơi. Người lớn tuổi càng được quan tâm, chăm sóc thì tâm lý tuổi già càng tốt và tuổi thọ càng cao hơn.
- Cảm thấy bất lực và tủi thân: Đa số người cao tuổi nếu còn sức khỏe vẫn còn có thể giúp đỡ con cháu việc nhà, tự đi lại phục vụ bản thân hoặc có thể tham gia vào các sinh hoạt giải trí, cộng đồng. Nhưng cũng có một số người cao tuổi do yếu tố tuổi tác đã cao, sức khỏe giảm sút nên sinh hoạt phần lớn phụ thuộc vào con cháu. Do vậy dễ nảy sinh tâm lý tuổi già chán nản, buồn phiền, hay tự dằn vặt mình. Người cao tuổi mà tuổi càng cao thì sức khỏe lại càng giảm sút, đi lại chậm chạp, giảm sút khả năng lao động, quan niệm sống khác với thế hệ sau… nên rất dễ bị tự ái, tủi thân. Đặc biệt, những người lớn tuổi thường ốm đau, con cháu thường xuyên chăm sóc khiến tâm lý tuổi già gặp nhiều áp lực, cảm thấy lo lắng khi làm phiền con cháu.
- Nói nhiều hoặc trầm cảm: Người già mong muốn truyền đạt kinh nghiệm sống cho con cháu, muốn con cháu phải sống theo khuôn phép đạo đức thế hệ mình hay những điều mình cho là đúng. Người cao tuổi thường hay bắt lỗi, nói nhiều và có khi còn làm cho người khác khó chịu. Một số người già với tính bảo thủ, khó thích ứng với sự thay đổi và sự giảm sút của sức khỏe kèm theo khả năng thực hiện công việc hạn chế có thể xuất hiện dấu hiệu triệu chứng của bệnh trầm cảm. Họ trở thành những người khó tính, hay ghen tỵ, can thiệp sâu sắc vào cuộc sống riêng tư của con cháu vì họ cho rằng mình có quyền đó.
- Nóng nảy, dễ stress: Các cụ cao tuổi thường khá nóng tính và dễ tự ái, dễ tự ti, hay suy nghĩ tiêu cực. Vị thế trong gia đình thay đổi, từ người chăm sóc gia đình, trở thành người được con cháu chăm sóc. Người già thấy họ đã bị mất đi địa vị vốn có nên rất dễ bị tác động và khả năng kiềm chế cũng không cao, dễ bực mình với những điều nhỏ nhặt. Những cụ sau khi nghỉ hưu rất hay phiền muộn, mất ngủ nên tinh thần họ bị tuột dốc và thường xuyên bị căng thẳng kéo dài. Đây là một trong những khó khăn mà người già phải đối mặt nên chú ý quan tâm để tránh rơi vào các tình trạng tiêu cực.
- Sự đa nghi, suy nghĩ nhiều là nguyên nhân gây ra sự lo lắng: Tâm lý tuổi già rất mẫn cảm với tất cả mọi thứ như một sự khủng hoảng tâm lý khiến sức khỏe suy giảm. Các thành viên trong gia đình cần quan tâm đến tâm sinh lý và quan tâm, chăm sóc các cụ sẽ giúp giảm thiểu các dấu hiệu, triệu chứng này.
- Sợ phải đối mặt với cái chết: Sinh – tử là quy luật của tự nhiên, dù vậy tâm lý người già vẫn sợ phải đối mặt với cái chết. Cũng có những trường hợp các cụ bàn việc hậu sự cho mình, viết di chúc cho người thân… có những cụ không chấp nhận, lảng tránh điều đó và sợ chết.
Các thành viên trong gia đình cần thấu hiểu, thông cảm để chia sẻ cùng những người lớn tuổi trong nhà. Tâm lý người già có những sự bất ổn nhất định nên chúng ta cần tìm hiểu chi tiết để dễ dàng tạo sự hòa hợp trong gia đình hơn. Các thế hệ con cháu cần chuẩn bị sẵn tâm lý để đón nhận những khó khăn mà người già phải đối mặt. Qua đó, người thân có những ứng xử phù hợp, và cần quan tâm, lo lắng cho các cụ nhiều hơn, thường xuyên trò chuyện và khuyến khích các cụ tập luyện thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khỏe thân thể lẫn tâm lý tuổi già. Người thân chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi, nhất là những người già thường xuyên cô đơn, không nơi nương tựa…
Cách chăm sóc sức khỏe tâm lý ở người cao tuổi
Tuổi già là một giai đoạn quan trọng trong cuộc sống của mỗi con người. Để chia sẻ và hiểu hơn về cách chăm sóc tâm lý tuổi già, bạn hãy thực hiện những điều sau:
- Tạo điều kiện để người già khẳng định vai trò trong gia đình: Những thành viên trong gia đình nên để người già được thoải mái sống đúng với vai trò mà họ mong muốn.
- Lắng nghe một cách thiện chí: Khoảng cách thế hệ có thể dẫn đến những mâu thuẫn, hoặc khác biệt về quan điểm sống. Chính vì thế, việc lắng nghe và thấu hiểu nhằm thấu hiểu suy nghĩ và góc nhìn của người lớn tuổi là điều rất quan trọng.
- Hãy nhẫn nại và cởi mở hơn: Những thay đổi trong đặc điểm tâm lý người già đôi khi không nằm trong sự kiểm soát của ông bà. Tâm lý người già còn bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của xã hội, tác dụng không mong muốn của các thuốc đang sử dụng hàng ngày… Vì thế, việc kiên nhẫn để hiểu hơn về những khó khăn mà người già phải đối mặt là vô cùng quan trọng.
Việc chăm sóc và hỗ trợ người lớn tuổi là việc không dễ dàng, đặc biệt đối với sự thay đổi tâm lý tuổi già. Hiểu rõ nguyên do của những thay đổi đó sẽ giúp chúng ta đồng cảm và chia sẻ hơn cho nỗi lòng của người lớn tuổi. Từ đó, có thể giúp ông bà, bố mẹ có cuộc sống vui vẻ, thoải mái và lạc quan hơn bên con cháu.