Cảnh giác với triệu chứng sổ mũi, hắt xì
Nhiều người cho rằng sổ mũi, hắt xì là bệnh thông thường và lơ là với việc điều trị. Họ không biết rằng, các bệnh về mũi chính là khởi phát của nhiều bệnh nguy hiểm khác như hen phế quản, viêm phổi mạn tính. Đặc biệt, viêm mũi với các triệu chứng sổ mũi, ngạt mũi, hắt xì còn làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, giao tiếp.
Bất tiện với các triệu chứng hắt xì, sổ mũi!
Mỗi ngày con người hít thở 9000 lít không khí qua mũi và niêm mạc mũi thường xuyên tiết ra 2 lít nước mũi mỗi ngày để hoàn thành chức năng làm ấm, ẩm và làm sạch luồng khí hít vào phổi.
Khi mũi bị viêm, tất cả các chức năng sinh lý đều ít nhiều bị ảnh hưởng, không có lợi cho sức khỏe con người. Ảnh hưởng của viêm mũi, nếu nhẹ thì thường làm nghẹt mũi, gây mệt mỏi trong sinh hoạt, khiến cơ thể có cảm giác uể oải do lượng oxy đưa lên não bị thiếu hụt; tiếp theo là nhức đầu, giảm tập trung trí nhớ ảnh hưởng đến công việc, học tập; ngạt mũi nặng còn gây nên ngủ ngáy phải thở bằng đường miệng, dẫn đến bị khô họng, gây viêm họng; biến chứng quan trọng khác là viêm mũi nếu để lâu sẽ trở thành viêm mũi – xoang do vi trùng, phải điều trị kéo dài.
Ngoài ra, nếu để mũi thường xuyên bị ngạt lâu ngày có thể dẫn đến viêm tai. Ngoài triệu trứng ngạt mũi người bệnh còn có thêm các triệu chứng: hắt xì liên tục nhất là buổi sáng, không phân biệt rõ các mùi, nhức đầu vùng xoang trán, giữa hai lông mày, sổ mũi, chảy nước mũi trong sau tiến triển thành nhày, đặc, hôi.
Trong giao tiếp, những người viêm mũi gặp rất nhiều bất tiện với những cơn ho ngắn ngắt quãng, những cái hắng giọng không đúng chỗ do tất cả những người bị viêm mũi đều có các triệu chứng về tai, họng kèm theo.
Tuy nhiên, có một thực trạng đáng bàn là, bệnh viêm mũi hay bệnh về đường hô hấp trên đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây tại Việt Nam cũng như các nước đang phát triển.
Theo thống kê, viêm mũi xảy ra ở 10-30% người lớn, 40% trẻ em. Tại Viện Tai – Mũi – Họng Trung ương, số bệnh nhân viêm mũi chiếm khoảng 60% tổng số bệnh nhân tới khám mỗi ngày vì thời điểm giao mùa hiện nay chính là thời gian cao điểm của bệnh này.
Điều trị – dễ mà không dễ
Người không may thường xuyên mắc phải các triệu chứng này thường bị rơi vào hai thái cực: Quá coi thường hoặc quá quan trọng hoá.
Tâm lý coi thường xuất phát từ một bộ phận người thấy các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi xảy ra ở nhiều người, họ cho rằng các triệu chứng này rất bình thường, bị vài ngày rồi sẽ hết. Vì thế, họ để chúng tự khỏi hoặc tự đi mua các thuốc co mạch để điều trị. Tuy nhiên, nếu dùng thường xuyên các loại thuốc này sẽ gây ra hiện tượng quen thuốc, không có tác dụng, dùng lâu dài những thuốc ấy có thể làm hỏng niêm mạc mũi và làm ảnh hưởng tới hệ tim mạch.
Bộ phận những người quá lo lắng cho bệnh tật lại lập tức dùng kháng sinh và các thuốc chống dị ứng mạnh. Tác dụng đâu chưa thấy, chỉ thấy người bệnh mệt hơn do tác dụng phụ của thuốc chống dị ứng và kháng sinh lại gây mệt mỏi hơn nhiều lần so với chính bản thân bệnh cần phải chữa.
Thực tế, biểu hiện của mũi trong các bệnh cảm mạo thông thường là sổ mũi, ngạt mũi, hắt xì… là do mũi bị mất hoặc suy yếu khả năng tự làm sạch của đường hô hấp trên một cách tạm thời. Giải pháp cho vấn đề này là cần phải có sự hỗ trợ quá trình làm sạch của đường hô hấp trên để làm giảm nồng độ các chất ô nhiễm và các chất gây dị ứng nhằm tránh các biến chứng và tạo điều kiện cho niêm mạc mũi phục hồi.
Theo ThS.BS Phạm Thắng
BV Tai-Mũi-Họng TW
VietNamNet