Cây mã đề là gì? Công dụng của cây mã đề đối với sức khỏe
Cây mã đề hay còn có tên gọi là cây bông mã đề, là một loại cây quen thuộc ở nhiều khu vực. Trong Đông y, đây là loại dược liệu có công dụng hiệu quả trong việc hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Bài viết dưới đây sẽ gửi tới bạn đọc những thông tin về công dụng, đặc điểm, cách dùng và những lưu ý khi sử dụng loại thảo dược này.
Cây mã đề hay còn có tên gọi là cây bông mã đề
Tìm hiểu chung về cây mã đề
Tên Tiếng Việt: Mã đề (Lá).
Tên gọi khác: Cây bông mã đề, rau mã đề, xạ tiền thảo, bông lá đề.
Tên khoa học: Plantago major L là một loại thực vật có hoa thuộc họ Plantaginaceae (họ Mã đề).
Cây mã đề là một loại thảo dược sống quanh năm, có thân ngắn. Lá cây mọc thành hình hoa thị, hình trứng với độ dài khoảng 5 – 12cm, rộng 3,5 – 8cm, đầu hơi tù có mũi nhọn, mép lá uốn lượn, gân lá hình cung, nguyên hoặc có răng cưa nhỏ, không đều, cuống lá dài khoảng từ 5 – 10cm, loe ở gốc.
Cụm hoa có cán dài hơn lá, mọc ở kẽ lá. Hoa Mã đề nhỏ và có lá bắc hình trứng, ngắn hơn đài. Đài dính nhau ở gốc, gồm 4 thuỳ hơi có gờ. Tràng hoa xếp xen kẽ với lá đài, mỏng và khô xác, có 4 thuỳ hình tam giác nhọn. Nhị 4, chỉ nhị mảnh, bầu 2 ô hình cầu.
Quả nang dài từ 3,5 – 4 mm, hình chóp thuôn, mở bằng một nắp nứt ngang trên các lá đài. Hạt cây màu nâu hoặc đen bóng, hơi dẹt.
Mùa hoa quả rơi vào tháng 5 – 8.
Đặc điểm phân bố, thu hái, chế biến
Phân bố: Cây mã đề mọc hoang ở vùng núi, phân bố ở độ cao lên đến hơn 1600 m như ở Mèo Vạc và Đồng Văn (tỉnh Hà Giang). Hơn nữa, cây còn mọc ở một số đảo lớn như Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Hòn Mê (Thanh Hóa)…
Thu hái: Thu hoạch lá sau 7 – 8 tháng kể từ khi trồng (thời điểm cây sắp hoặc đang ra hoa).
Chế biến: Rửa sạch đất cát, đem phơi khô hoặc sấy khô.
Bảo quản: Để nơi khô thoáng, tránh mốc, mọt.
Thành phần hóa học trong cây mã đề
Mỗi bộ phận của cây mã đề sẽ có thành phần hóa học tương đối khác nhau:
Trong lá cây mã đề có chứa iridoid ( catalpol, aucubosid), acid phenolic và este phenyl propanoic của glycosid, majorosid cùng với 20% là chất nhầy.
Trong hạt mã đề (xa tiền tử) có chứa một số thành phần như: D-galactose, L-arabinose và khoảng 40% acid uronoic, dầu béo trong đó có acid 9-hydroxy-cis-11-octadecenoic.
Hơn thế nữa, cây mã đề còn có nhiều flavonoid và các chất khác như caroten, acid cimaric, vitamin K, vitamin C,…
Cây mã đề là một loại thảo dược sống quanh năm
Tác dụng của cây mã đề đối với sức khỏe
Cây mã đề có tác dụng gì và cây mã đề trị bệnh gì là thắc mắc của nhiều người khi tìm hiểu về loại dược liệu này. Công dụng của dược liệu mã đề đã được kiểm chứng trong Đông y cũng như trong các nghiên cứu khoa học hiện đại, chúng mang những công dụng sau đây:
Theo y học cổ truyền
Lá cây mã đề có tính mát, vị nhạt, quy vào 4 kinh: Can, phế, thận, tiểu tràng, có tác dụng lợi phế, thông tiểu, thanh nhiệt, tiêu thũng.
Theo y học cổ truyền, cây mã đề được dùng để chữa bệnh ho lâu ngày, viêm khí quản, viêm thận và bàng quang, bí tiểu, tiểu ra máu hoặc ra sỏi, sưng đỏ mắt, đau mắt, tiêu chảy, ra nhiều mồ hôi, chảy máu cam.
Theo y học hiện đại
Công dụng cây mã đề là gì? Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong dược liệu cây mã đề có chứa rất nhiều dược tính tốt cho sức khỏe con người như:
- Thân mã đề: Thân cây có chứa aucubin – đây là một loại glucozit rất tốt cho sức khỏe con người, có tác dụng tiêu diệt các tế bào gây ung thư. Ngoài ra, thân cây chứa allantoin và apigenin – một dưỡng chất có khả năng kháng viêm hiệu quả.
- Lá cây mã đề: Lá cây chứa beta carotene, vitamin K và C, canxi và axit oleanolic. Với những dưỡng chất này, sử dụng lá cây sẽ giúp bảo vệ bộ phận gan, ngăn ngừa viêm gan, giúp xương chắc khỏe và đẩy lùi ung thư, đồng thời cũng đóng góp nhiều vai trò quan trọng khác trong cơ thể con người.
- Hạt mã đề: Hạt có chứa hàm lượng axit plantenolic, choline dồi dào, rất tốt cho thận cũng như hệ bài tiết.
- Rễ cây mã đề: Rễ cây có tác dụng gì với sức khỏe con người? Nhiều chuyên gia cho rằng, rễ cây có công dụng hỗ trợ chữa ho và hạ sốt hiệu quả.
Cây mã đề có nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe
Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây mã đề hiệu quả
Bài thuốc chữa ho có đờm
Cây mã đề 10g, cát cánh 2g, cam thảo 2g, nước 400ml. Nấu để sắc còn khoảng 200ml và chia làm 3 lần uống trong ngày. Có thể thay thế cam thảo bằng đường để giúp tạo vị ngọt nếu không tìm mua được dược liệu cam thảo.
Chữa tiêu chảy ở trẻ em
Có 3 cách như sau:
- Chuẩn bị mã đề, trư linh, bạch phục linh, hương nhu, đảng sâm mỗi loại 12g, đăng tâm 2g, sau đó sắc thành nước uống.
- Sơn tra 10g, mã đề 16g, sắc thành nước uống.
- 3 – 6g bột mã đề hòa cùng với cháo trắng kèm một ít đường để uống.
Chữa viêm bàng quang
Dùng cây mã đề với trư linh, phục linh, rễ cỏ tranh, hoàng bá,… cùng một số bài thuốc khác sắc uống khoảng 1 tháng là thấy bệnh cải thiện đáng kể.
Chữa chảy máu cam
Hạt mã đề tươi rửa sạch cùng với nước ấm, giã nát, sau đó vắt lấy nước cốt uống, có tác dụng cầm máu và làm mát cơ thể. Nếu bạn bị chảy máu cam thì dùng mã đề đắp lên trán sau đó nằm ngửa để cầm máu.
Một số lưu ý khi sử dụng cây mã đề nấu nước uống
Cách sử dụng cây mã đề ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả mà dược liệu này có thể mang lại. Dù là một loại thảo dược tốt cho sức khỏe, tuy nhiên người dùng vẫn phải lưu ý những vấn đề sau đây khi sử dụng mã đề để chữa bệnh:
Tránh sử dụng mã đề như trà giải khát hàng ngày
Nhiều người cho rằng mã đề có tính mát, tốt cho gan nên hoàn toàn có thể phơi khô sắc uống như trà thay nước mỗi ngày để bảo vệ gan. Tuy vậy, việc sử dụng mã đề quá thường xuyên không phải là điều tốt, thậm chí là gây hại.
Tránh dùng mã đề buổi tối
Tác dụng chính của cây mã đề là lợi tiểu. Do đó, tránh dùng vào buổi tối, nhất là việc sắc nước uống. Mã đề có thể khiến tiểu đêm nhiều lần, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ. Do đó, đây cũng là loại thuốc tránh sử dụng đối với những người suy thận, yếu thận.
Thận trọng khi dùng cho phụ nữ có thai
Phụ nữ đang trong chu kỳ mang thai (nhất là trong 3 tháng đầu ) tuyệt đối không dùng nước mã đề uống, bởi vì điều này có thể làm tăng nguy cơ sảy thai.
Mã đề có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nhưng chỉ khi dùng đúng cách, đúng liều lượng và đúng vị thuốc. Ngoài ra, không sử dụng rượu bia và các chất kích thích trong suốt quá trình sử dụng dược liệu mã đề để chữa bệnh, bởi điều này sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả mà thảo dược này mang lại. Hơn nữa, việc sử dụng cây mã đề làm thuốc tốt nhất nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia, bác sĩ.
Kết luận: Trên đây là các thông tin về dược liệu cây mã đề. Tùy thuộc vào từng bệnh lý cụ thể trên mỗi người mà sử dụng liều lượng và cách dùng là khác nhau. Để giúp đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng bất kỳ loại dược liệu nào.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.