Chẩn đoán bệnh tăng huyết áp dựa vào những yếu tố nào?
Phần lớn tăng huyết áp (THA) ở người trưởng thành là không rõ nguyên nhân (THA nguyên phát), chỉ có khoảng 10% các trường hợp là có nguyên nhân (THA thứ phát). Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg. Chẩn đoán xác định THA dựa vào trị số huyết áp đo được sau khi đo huyết áp đúng quy trình.
Dấu hiệu của bệnh tăng huyết áp
- Khi huyết áp trên mức 180/110mmHg và có kèm theo nhức đầu thì rất có thể bạn đang bị tăng huyết áp. Tuy nhiên, bạn cũng nên chú ý một điều rằng, triệu chứng đau đầu sẽ không xuất hiện ở trong trường hợp huyết áp của bạn chỉ tăng nhẹ. Chỉ khi bệnh cao huyết áp đã trở nên ác tính, thì lúc đó mới thấy xuất hiện những cơn đau đầu.
- Chảy máu mũi: Đây cũng là cũng là một trong những dấu hiệu của căn bệnh huyết áp cao ở giai đoạn đầu. Khi huyết áp của bạn tăng cao và đột ngột bị chảy máu mũi nhiều, máu khó ngừng chảy thì bạn nên đi khám ngay để được kiểm tra huyết áp, và điều trị bệnh kịp thời.
- Thấy có xuất hiện vệt máu bên trong mắt, hoặc bị xuất huyết kết mạc cũng có thể là dấu hiệu của người đang bị bệnh huyết áp cao hoặc tiểu đường.
- Thấy tê hoặc ngứa râm ran ở các chi: đây cũng có thể là một dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh đột quỵ do huyết áp tăng gây ra. Khi bạn bị tăng huyết áp liên tục và không được kiểm soát được, thì cần chú ý, vì đây có thể là lý do dẫn đến sự tê liệt các dây thần kinh ở trong cơ thể bạn.
- Một dấu hiệu khác của căn bệnh cao huyết áp là buồn nôn và nôn. Tuy nhiên, triệu chứng này, còn liên quan đến một số những bệnh lý khác. Do đó, bạn nên kiểm chứng với một số triệu chứng liên quan khác đi kèm như: nhìn không rõ, nhìn mờ, khó thở.
- Thấy chóng mặt đi kèm với hai triệu chứng là: choáng và chóng mặt, thì đó cũng là dấu hiệu cảnh báo của bệnh huyết áp cao và bạn không nên bỏ qua triệu chứng này nhất là khi nó xảy ra đột ngột.
Cần kiểm tra huyết áp khi có các dấu hiệu tăng huyết áp xuất hiện.
Nguyên nhân gây ra bệnh tăng huyết áp
Nguyên nhân chính gây ra tăng huyết áp bao gồm:
- Bệnh thận mãn tính
- Hẹp động mạch chủ bẩm sinh
- Những bệnh về tuyến thượng thận
- Sử dụng thuốc ngừa thai
- Bệnh của tuyến giáp
- Có thai
- Nghiện rượu.
Còn lại một số nguyên nhân cũng góp phần gây ra tăng huyết áp:
- Tuổi tác: Khi tuổi càng cao, thì sẽ càng dễ bị tăng huyết áp, đặc biệt là chỉ số huyết áp tâm thu, khi huyết áp tâm thu tăng sẽ làm động mạch trở nên cứng hơn, đây là nguyên nhân gây bệnh xơ vữa động mạch.
- Do tiền sử gia đình (di truyền): Khi trong nhà bạn có người bị bệnh cao huyết áp thì bạn cũng sẽ có khả năng mắc bệnh tăng huyết áp, vì bệnh này có khuynh hướng di truyền theo gia đình.
- Những người thừa cân: Những người béo phì, có nguy cơ bị huyết cao, cao gấp từ 2 đến 6 lần so với những người gầy.
- Do tình trạng kinh tế xã hội: Bệnh tăng huyết áp cũng hay gặp nhiều hơn ở những nhóm người mà có trình độ giáo dục, và kinh tế ở mức thấp.
- Dùng muối: Những người ăn mặn có tỉ lệ mắc bệnh cao huyết áp cao hơn hẳn so với những người ăn nhạt.
- Dùng thuốc: Dùng thuốc kháng sinh lâu dài không chỉ gây bệnh cho dạ dày, mà còn ảnh hưởng tới cả huyết áp của người dùng. Một số loại thuốc như: amphetamine (thuốc kích thích), hay thuốc giảm cân, các loại thuốc cảm và thuốc dị ứng có thể làm tăng huyết áp.
- Giới tính: Theo thống kê thì nam giới dễ bị mắc bệnh cao huyết áp hơn nữ giới. Tuy nhiên, điều này thay đổi theo tuổi tác, và chủng tộc.
- Lười tập thể dục: những người ngồi chỗ quá lâu, có thể tăng nguy cơ béo phì và tăng huyết áp.
Tăng huyết áp kéo dài có thể làm tổn thương mạch máu và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Biện pháp phòng ngừa bệnh tăng huyết áp
Tăng huyết áp là bệnh lý tim mạch nguy hiểm được xem như “kẻ giết người thầm lặng” vì toàn bộ sự tiến triển của bệnh thường diễn ra âm thầm không có triệu chứng cảnh báo trước, nhưng lại là một bệnh lý nguy hiểm.
Các biện pháp sau đây giúp phòng ngừa bệnh tăng huyết áp:
- Kiểm soát cân nặng: nên duy trì cân nặng ở mức hợp lý. Những người béo phì thừa cân thường có nguy cơ mắc THA cao hơn, do vậy trường hợp dư cân và có vòng bụng quá to (với nam giới là trên 90cm), thì cần tập luyện và áp dụng chế độ giảm cân khoa học bằng cách hạn chế tinh bột, đường, dầu mỡ và tăng cường rau xanh, trái cây cũng như uống đủ nước mỗi ngày.
- Chế độ ăn uống khoa học: Trong chế độ ăn uống hằng ngày cần tích cực sử dụng các thực phẩm hỗ trợ hiệu quả phòng ngừa THA như: rau xanh và trái cây (cam, quýt, bưởi, táo, bơ, dâu, thanh long, chuối, dưa hấu, dứa…), ngũ cốc thô (gạo lứt, bo bo, bắp, yến mạch, bánh mì đen…), nên dùng cá thay thịt, đặc biệt là 2-3 lần ăn cá biển mỗi tuần vì cá chứa nhiều axit béo không bão hòa, giúp giảm cholesterol máu.
- Sử dụng chất béo không bão hòa: Để tiết giảm cholesterol, nên dùng chất béo không bão hòa từ dầu olive, dầu bắp, dầu hướng dương, dầu đậu nành… Ngoài ra, hãy thay các món chiên, xào bằng thức ăn nướng hoặc hấp để tốt cho sức khỏe.
- Song song với việc bổ sung các thực phẩm trên, bạn cũng cần lưu ý tránh những thực phẩm có thể gây THA như: muối, chất bột đường (glucid), thịt đỏ, các chất kích thích.
- Luyện tập thường xuyên: Để phòng ngừa THA, cần lên kế hoạch duy trì luyện tập từ 30 – 60 phút/ngày và 5 ngày/tuần. Các hình thức tập luyện tốt cho sức khoẻ có thể chọn là đi bộ, bơi lội, các môn thể thao vừa sức…
Ngoài chế độ dinh dưỡng khoa học và luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, có thể phòng tránh THA hiệu quả bằng một số lưu ý trong cuộc sống hàng ngày như: ăn đủ bữa, không ăn quá nhiều hay quá muộn. Không thức khuya, đảm bảo ngủ đủ giấc mỗi đêm. Duy trì lối sống lành mạnh, giữ tâm trạng thoải mái, tránh lo âu hay căng thẳng thần kinh.
Thay đổi lối sống rất quan trọng trong phòng ngừa bệnh tăng huyết áp.
Cách chăm sóc người bệnh tăng huyết áp
Huyết áp cao được xếp cùng nhóm với các rối loạn, bệnh lý nguy hiểm khác như béo phì, tiểu đường tuýp 2, cholesterol cao…
Đặc điểm của bệnh nhân tăng huyết áp là tiến triển kéo dài và ngày càng nặng dần nếu không được điều trị và chăm sóc tốt. Bệnh để lại di chứng rất nặng và có thể tử vong do những biến chứng của bệnh hoặc do tai biến điều trị.
Vì thế bệnh nhân tăng huyết áp và gia đình cần phải biết các nguyên nhân, các yếu tố thuận lợi làm tăng huyết áp cũng như cách phát hiện các biến chứng tăng huyết áp, cách phòng, điều trị bệnh và theo dõi bệnh nhân tăng huyết áp.
- Đối với những người chưa bị tăng huyết áp, cần lưu ý vấn đề sinh hoạt hàng ngày nhất là các thói quen có hại sức khỏe, phải khám định kỳ để phát hiện tăng huyết áp hay các bệnh liên quan.
- Đối với người đã tăng huyết áp, cần phải chặt chẽ hơn nữa trong chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, theo dõi huyết áp đều đặn và có kế hoạch để theo dõi tiến triển, tác dụng phụ của thuốc.
Người bệnh tăng huyết áp cần được hỗ trợ chăm sóc từ người thân và nhân viên y tế.
Huyết áp cao có thể được điều trị bằng cách thay đổi lối sống và dùng thuốc. Người bị huyết áp cao, bất kể có đang dùng thuốc hay không, đều nên tuân theo các khuyến nghị về lối sống. Cải thiện lối sống có có thể giúp người bệnh không cần dùng thuốc huyết áp hoặc dùng liều lượng thấp hơn.