Chẩn đoán và điều trị hen suyễn: Những điều cần biết
Hen suyễn, hay còn gọi là hen phế quản, là một bệnh lý hô hấp mạn tính, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới, từ trẻ em đến người lớn. Bệnh này gây ra các triệu chứng như thở khò khè, ho, khó thở và cảm giác nặng ngực, làm giảm chất lượng cuộc sống nếu không được kiểm soát hiệu quả. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các phương pháp chẩn đoán, điều trị, và cách phòng ngừa hen suyễn, giúp người bệnh có thể sống chung với căn bệnh này mà ít ảnh hưởng nhất.
Bệnh nhân bị hen suyễn
Hen suyễn là gì?
Hen phế quản (hen suyễn, Asthma) là một bệnh không đồng nhất, đặc trưng bởi viêm mạn tính đường hô hấp, được xác định bằng tiền sử các triệu chứng hô hấp như thở rít, khó thở, nặng ngực và ho; các triệu chứng xuất hiện nhiều lần, thay đổi theo thời gian và cường độ, cùng với sự tắc nghẽn đường dẫn khí có hồi phục. (Theo GINA 2023).
Chẩn Đoán Hen Suyễn
Chẩn đoán hen suyễn dựa trên lịch sử bệnh lý, kiểm tra lâm sàng và các xét nghiệm chức năng hô hấp. Các bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện xét nghiệm đo lưu lượng đỉnh (Peak Flow Meter) hoặc kiểm tra chức năng phổi (spirometry) để đánh giá mức độ tắc nghẽn đường thở và khả năng hồi phục sau khi sử dụng thuốc giãn phế quản.
Hen suyễn được điều trị như thế nào?
Mặc dù hen suyễn không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng việc kiểm soát tốt các triệu chứng và ngăn ngừa cơn hen tái phát là hoàn toàn khả thi thông qua việc sử dụng thuốc và thay đổi lối sống. Điều trị hen suyễn bao gồm hai loại thuốc chính: thuốc kiểm soát lâu dài và thuốc giảm triệu chứng cấp tính. Việc sử dụng đúng cách và đều đặn các loại thuốc kiểm soát bệnh, như glucocorticosteroids dạng hít và thuốc giãn phế quản tác dụng dài, cùng với các biện pháp phòng ngừa, có thể giúp người bệnh duy trì chất lượng cuộc sống.
Điều trị hen suyễn nhằm đặt các mục tiêu sau:
- Điều trị kịp thời các cơn hen cấp và đợt hen cấp.
- Dự phòng cơn hen để số cơn hen xảy ra ít nhất.
- Duy trì chức năng hô hấp bình thường hoặc tối ưu.
- Đảm bảo chất lượng cuộc sống: sinh hoạt bình thường về tinh thần và thể chất.
- Dự phòng tắc nghẽn phổi không hồi phục và hạn chế tử vong.
Thuốc điều trị hen suyễn được chi làm hai loại: thuốc kiểm soát bệnh hen lâu dài và thuốc điều trị giảm triệu chứng.
Thuốc kiểm soát hen bao gồm:
– Glucocorticosteroid (ICS) dạng hít: thuốc thường được dùng nhất nhằm giảm viêm và co thắt phế quản (Fluticasone propionate, Budesonid, Beclomethasone dipropionate,…).
– Thuốc giãn phế quản tác dụng dài:
- Thuốc đồng vận beta 2 giao cảm tác dụng dài (β2 – agonist tác dụng kéo dài LABA): có tác dụng giãn phế quản, tác dụng dài, dạng hít, thường kết hợp với ICS để kiểm soát cơn hen (Formoterol, Salmeterol, Arformoterol,…).
- Thuốc kháng muscarinic dạng hít tác dụng kéo dài (LAMA): có tác dụng giãn cơ trơn phế quản kéo dài (Tiotropium bromid, Glycopyrrolat,…)
– Dạng phối hợp ICS/β2-agonist: dạng hít, là kết hợp của LABA cùng ICS, giúp kiểm soát hen suyễn ở liều thấp, ở liều cao có thể dùng để cắt cơn hen. (Fluticason propionate/salmeterol, Budesonid/formoterol,…).
– Thuốc đối kháng leukotriene: Có khả năng chống viêm kém hiệu quả hơn ICS, thường dùng để dự phòng (Zileuton, Montelukast, Zafirlukast,…).
Thuốc điều trị giảm triệu chứng bao gồm:
– Glucocorticosteroid dạng uống (OCS) và tiêm tĩnh mạch: thường được dùng trong điều trị cơn hen nặng hoặc trong đợt cấp (Prednisolone, Hydrocortison, Methylprednisolon).
– Thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn:
- Thuốc đồng vận beta 2 giao cảm tác dụng ngắn (β2 – agonist tác dụng ngắn, SABA): có tác dụng giãn phế quản, tác dụng ngắn, dạng hít, thường dùng để cắt cơn hen hoặc giảm triệu chứng (Albyterol (salbytamol), Levalbuterol, Metaproterenol,…)
- Thuốc kháng muscarinic dạng hít tác dụng nhanh (SAMA): có tác dụng giãn cơ trơn phế quản nhanh, ngắn, dùng để cắt cơn hen (Ipratropium bromid).
– Methylxanthin: có tác dụng giãn cơ trơn phế quản nhanh, ngắn, cắt cơn hen nặng khi không đáp ứng với β2-agonist (Theophylin – dạng uống, Aminophylin – dạng tiêm).
Ngoài ra còn có thuốc điều hòa miễn dịch thường tiêm dưới da để chống viêm, dùng cho hen phế quản nặng, khó kiểm soát, không đáp ứng với ICS; hen phế quản tăng bạch cầu ái toan thể trung bình – nặng phụ thuộc OCS (Omalizumab, Mepolizumab, Dupikumab, Tezepelumab-ekko,…).
Việc sử dụng thuốc cần phải theo đúng chỉ định của bác sĩ, bởi vậy người bị bệnh hen suyễn cần khám bác sĩ định kỳ để đánh giá mức độ kiểm soát hen suyễn và điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp. Không tự ý ngưng thuốc và cũng cần báo cho bác sĩ về các thuốc khác đang sử dụng, bao gồm cả thuốc không kê đơn và thực phẩm chức năng.
Phương pháp điều trị bằng thuốc cho bệnh hen suyễn.
Ngoài việc dùng thuốc điều trị ra, việc dự phòng bệnh hen suyễn cũng vô cùng cần thiết để có thể đảm bảo một cuộc sống chất lượng, phòng ngừa biến chứng nguy hiểm cho người bị hen suyễn.
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh hen suyễn?
Để có thể phòng ngừa hen suyễn, ta cần biết rằng có rất nhiều nguyên nhân gây ra hen suyễn bao gồm các nguyên nhân do yếu tố cá nhân và yếu tố môi trường.
Yếu tố cá nhân bao gồm yếu tố di truyền (Gen), thể trạng béo phì và giới tính. Cho đến nay, hen suyễn là bệnh được xác định có yếu tố gen nhưng cơ chế rất phức tạp. Người béo có tăng leptin là chất trung gian hóa học tác động đến chức năng đường hô hấp và làm tăng nguy cơ phát triển thành hen phế quản. Ở trẻ em dưới 14 tuổi, nam có tỉ lệ mắc hen suyễn nhiều hơn nữ khoảng 2 lần. Ngược lại, ở tuổi trưởng thành thì tỉ lệ mắc hen suyễn ở nữ cao hơn nam.
Yếu tố môi trường sẽ bao gồm dị nguyên, các vi khuẩn, virus đường hô hấp trên, môi trường làm việc, sinh hoạt, khói thuốc lá, ô nhiễm môi trường, thức ăn, thuốc,…
Sau khi biết được nguyên nhân, có thể phòng người bệnh hen suyễn bằng cách thực hiện các biện pháp sau:
- Tránh các yếu tố môi trường:
- Dị nguyên: vệ sinh nhà cửa thường xuyên, loại bỏ bụi bẩn, nấm mốc, giặt giũ chăn màn, ga gối bằng nước nóng, hạn chế nuôi chó, mèo, vệ sinh chuồng trại, tắm rửa cho vật nuôi. Tránh tiếp xúc với phấn hoa.
- Ô nhiễm môi trường: Sử dụng khẩu trang khi ra đường, sử dụng máy lọc không khí trong nhà, tránh tiếp xúc với hóa chất, mùi hương nồng nặc hoặc khói bụi.
- Thay đổi thời tiết: mùa đông – xuân, thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi để khởi phát cơn hen. Do đó cần giữ ấm cơ thể khi trời chuyển lạnh, uống nhiều nước để tránh khô đường thở.
- Tập thể dục gắng sức: Khởi động kỹ và sử dụng thuốc giãn phế quản trước khi tập nếu cần thiết.
- Vi khuẩn, virus đường hô hấp trên: Rửa tay kĩ, thường xuyên, tiêm phòng đầy đủ vacxin cúm, phế cầu khuẩn.
- Thuốc: Nên báo cáo với bác sĩ các loại thuốc đang dùng kể cả thuốc không kê đơn và thực phẩm chức năng.
- Tăng cường sức khỏe:
- Chế độ dinh dưỡng: phù hợp, đầy đủ dưỡng chất, ăn nhiều rau xanh, trái cây.
- Tập thể dục thường xuyên: có kế hoạch tập luyện phù hợp với thể trạng, duy trì thường xuyên ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Ngủ đủ giấc: Ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm.
- Giảm stress: Thực hiện các biện pháp giảm stress như thiền định, tập yoga, thư giãn tinh thần.
- Sử dụng thuốc dự phòng: sử dụng các thuốc kiểm soát cơn hen dài hạn như LABA,LAMA, glucocortisteroid dạng hít,…
- Khám sức khỏe định kỳ: nên khám sức khỏe định kì để có được hiệu quả điều trị tốt nhất. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng thuốc. Gặp ngay bác sĩ khi có các triệu chứng nghi ngờ hen suyễn để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời.
Tập luyện, thư giãn, uống đủ nước,… để phòng ngừa hen.
Biến chứng của bệnh hen suyễn là gì?
Biến chứng của hen suyễn có nguy hiểm không? Câu trả lời là có. Nếu không được kiểm soát tốt, hen suyễn có thể dẫn đến một số biến chứng rất nguy hiểm. Trong đó phân ra biến chứng cấp tính và biến chứng mạn tính.
Biến chứng cấp tính bao gồm:
- Tràn khí màng phổi do vỡ phế nang dễ dẫn tới tử vong do suy hô hấp cấp.
- Tràn khí trung thất và tràn khí dưới da.
- Suy tim cấp hoặc hội chứng tim – phổi cấp.
- Xẹp phân thùy phổi do lấp tắc khu trú một đoạn phế quản.
- Tử vong là hậu quả của các biến chứng trên.
Biến chứng mạn tính bao gồm:
- Biến dạng lồng ngực: xương ức tụt xuống hoặc nhô lên (ở trẻ em, lồng ngực hình thùng (ở người lớn).
- Suy hô hấp mạn tính.
- Tâm – phế mạn.
Hen suyễn là một bệnh lý hô hấp mạn tính, yêu cầu người bệnh và người chăm sóc phải hiểu rõ về bệnh và cách quản lý hiệu quả. Mặc dù không có phương pháp chữa trị triệt để, nhưng với sự kết hợp giữa việc sử dụng thuốc đúng cách và thực hiện lối sống lành mạnh, người bệnh có thể kiểm soát được các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm thiểu nguy cơ biến chứng.
Để đạt được kết quả tốt nhất, người bệnh cần duy trì liên hệ chặt chẽ với bác sĩ của mình, thông báo về bất kỳ thay đổi nào trong triệu chứng hoặc phản ứng với thuốc, và tuân thủ nghiêm ngặt kế hoạch điều trị đã được thiết lập. Ngoài ra, việc tham gia vào các nhóm hỗ trợ dành cho người mắc bệnh hen suyễn cũng có thể cung cấp thêm thông tin hữu ích và tăng cường sự tự quản lý bệnh.
Cuối cùng, không bao giờ là quá sớm để bắt đầu áp dụng các biện pháp phòng ngừa, từ việc giữ gìn vệ sinh môi trường sống đến việc duy trì một lối sống khỏe mạnh. Mỗi bước nhỏ đều góp phần vào việc kiểm soát bệnh hen suyễn, giúp người bệnh có một cuộc sống hoạt động và ít bị hạn chế nhất có thể.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Xem thêm các bài viết liên quan:
Bệnh hen suyễn: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị