Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư tủy sống
Thực tế cho thấy rằng những người tuân thủ điều trị tốt và duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh thường có khả năng chống chọi bệnh tật tốt hơn, kéo dài tuổi thọ cao hơn. Vậy nên duy trì chế độ dinh dưỡng cho người ung thư tủy sống ra sao? Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này.
Ung thư tủy sống là gì?
Bệnh ung thư tủy sống là tình trạng xuất hiện những khối u nằm trong tủy sống. Khi những khối u này phát triển to lên, chúng có thể chèn ép vào các dây thần kinh tại đây. Khối u tủy sống có thể là u lành tính hoặc u ác tính. Nhận biết và can thiệp bệnh từ sớm sẽ giúp ngăn ngừa tổn thương dây thần kinh tủy sống vĩnh viễn.
Các khối u tủy sống có thể bao gồm:
- Khối u nội tủy, xuất phát từ các tế bào nằm bên trong tủy sống. Ví dụ như u tế bào hình sao, u thần kinh đệm,…
- Khối u ngoài tủy, dưới màng cứng phủ bên ngoài tủy hoặc nằm tại các rễ thần kinh vươn ra khỏi tủy sống. Các khối u này tuy nằm bên ngoài tủy nhưng vẫn có thể tạo áp lực chèn lên tủy và ảnh hưởng đến chức năng của tủy sống. Ví dụ như u vỏ bọc thần kinh, u sợi thần kinh, u màng não,…
- Khối u ngoài tủy, ngoài màng cứng: thường gặp do u di căn, thứ phát..
Ung thư tủy sống ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống
Đối tượng dễ mắc bệnh ung thư tủy sống
- Những người có hệ miễn dịch suy yếu
- Tiếp xúc với bức xạ, hóa chất độc hại
- Di truyền từ người thân. Một số trường hợp có nguy cơ bị u tủy sống cao hơn bao gồm:
- U sợi thần kinh type 2: Bệnh lý rối loạn di truyền này gây nên các khối u tại mô thần kinh, chủ yếu là u thần kinh thính giác bẩm sinh (u tế bào tiền đình). U sợi thần kinh type 2 thường di truyền từ bố mẹ sang con cái.
- Bệnh Von Hippel-Lindau: Rối loạn thần kinh di truyền này có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan của cơ thể và làm tăng nguy cơ bị u tủy sống. Người mắc bệnh có thể bị mù lòa, tổn thương não hoặc tử vong.
Chế độ dinh dưỡng cho người ung thư tủy sống
Người bệnh ung thư tủy sống nên ăn gì?
Người bệnh cần phải ăn uống đầy đủ thực phẩm đảm bảo các nhóm chất: đạm – bột đường – béo – vitamin, khoáng chất – nước. Một chế độ ăn nhiều cá, rau, ít thịt, thêm dầu thực vật, uống nhiều nước và vận động, tập thể dục thể thao….sẽ giúp cơ thể đủ chất dinh dưỡng và sức khỏe để chống lại ung thư chứ không phải là ‘cung cấp thêm chất đạm cho khối u’ như nhiều người vẫn lầm tưởng.
- Đạm: Thịt cung cấp cho cơ thể các loại acid amin thiết yếu. Để đảm bảo cung cấp đủ các loại acid amin cần ăn đa dạng các loại thực phẩm, khẩu phần ăn phải cân đối giữa protein động vật và thực vật. Các loại thịt màu trắng như thịt gia cầm sẽ có lợi hơn cho sức khỏe. Cơ thể cũng cần bổ sung thêm các nguồn sắt, kẽm…từ các loại thịt có màu đỏ như thịt lợn nạc, thịt bò… Các loại tôm, cua, cá, nhuyễn thể và hải sản cũng là nguồn cung cấp các acid amin và vi chất dinh dưỡng quý giá cho cơ thể.
- Tinh bột: Nên chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt (gạo, ngô, lúa mì, hạt lúa mạch), các loại củ (khoai tây, khoai lang, khoai sọ, sắn…).
- Chất béo: Là chất cho giá trị năng lượng cao, giúp hình thành cấu trúc tế bào cơ thể. Do đó trong khẩu phần ăn hàng ngày cần phải có một hàm lượng lipid nhất định, trong đó nên ưu tiên sử dụng các chất béo không bão hòa, có nguồn gốc thực vật; hạn chế các chất béo no từ động vật.
- Rau quả: Chọn các loại rau quả tươi sạch, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo quản trong điều kiện lạnh, hạn chế làm mất các vitamin trong quá trình chế biến cũng như sơ chế, bảo quản. Rau quả rất có lợi cho sức khoẻ do cung cấp các loại vitamin và chất xơ.
Một vài lưu ý:
- Súc miệng trước khi ăn để giảm cảm giác khó chịu miệng
- Ăn bữa nhỏ nhiều lần trong ngày; tăng cường ăn những thức ăn ưa thích và không nên ăn nhiều thịt đỏ; sử dụng các loại gia vị và nước sốt trong món ăn…
- Nên ăn những thực phẩm mềm, dễ dàng nhai và nuốt như trái cây mềm, phô mai, bún, mỳ, miến, sữa, bột ngũ cốc…
- Uống đủ nước, ngay cả những lúc không khát
Chế độ dinh dưỡng cân bằng rất cần thiết cho người bệnh ung thư tủy sống
Những thực phẩm người ung thư tủy sống nên kiêng
- Tránh những thức ăn dầu mỡ, cay nồng, nặng mùi, đồ ăn mặn…
- Hạn chế thịt đỏ
- Tránh các loại trái cây có vị chua.
- Tránh ăn nhiều đường.
- Tránh các loại thực phẩm chế biến sẵn chứa đường đơn, gây nhiều tác hại cho cơ thể, đồng thời các chất phụ gia cho thêm vào thực phẩm trong quá trình chế biến và bảo quản cũng là một trong những nhân tố góp phần làm tăng tỉ lệ bệnh ung thư.
- Thực phẩm cứng, có góc cạnh sắc gây khó nhai, nuốt.
- Hạn chế những thức uống chứa cafein…
Tóm lại, một chế độ ăn uống phù hợp đủ dinh dưỡng và năng lượng là rất quan trọng giúp nâng cao sức khỏe, chất lượng điều trị và chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư tủy sống nói riêng và bệnh nhân ung thư nói chung. Ngoài ra, kết hợp vận động, tránh stress cũng sẽ giúp cho việc điều trị đạt kết quả cao hơn.