Có kinh sớm có nguy hiểm không? Nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả
Chu kỳ kinh nguyệt có thể phản ánh được sức khoẻ sinh sản của phụ nữ. Tình trạng có kinh sớm là biểu hiện cho thấy sự thay đổi của nội tiết tố. Đôi khi, đó chỉ là một “biến động” nhỏ trong chu kỳ kinh và thường sẽ được tự cải thiện sau một thời gian. Tuy nhiên, tình trạng này nếu diễn ra thường xuyên và kéo dài thì cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý cần được chẩn đoán kịp thời. Cùng tìm hiểu kỹ hơn qua bài viết sau nhé!
Tình trạng có kinh sớm là biểu hiện cho thấy sự thay đổi của nội tiết tố
Tình trạng có kinh sớm có nguy hiểm không?
Chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới được tính từ ngày đầu có kinh của tháng này cho tới ngày đầu có kinh của tháng tiếp theo. Chu kỳ kinh nguyệt thường dài khoảng 28 ngày, tuy nhiên cũng có trường hợp kéo dài 25 – 35 ngày, đây cũng được cho là bình thường. Trong đó, số ngày có kinh khoảng 2 – 7 ngày. Ngày có kinh nguyệt có thể sớm hoặc muộn hơn 3 – 5 ngày tùy vào mỗi người. Vì vậy, bạn có thể nhận biết có kinh sớm khi chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn 21 ngày.
Có kinh sớm thường có nguyên nhân từ sự thay đổi nội tiết tố. Nếu hiện tượng này thỉnh thoảng mới xảy ra thì bạn không cần quá lo lắng, bởi trong chu kỳ kinh nguyệt có sự biến động là điều bình thường. Tuy vậy, nếu tình trạng có kinh sớm xảy ra thường xuyên thì đây có thể là một trong những dấu hiệu của các bệnh lý phụ khoa nghiêm trọng. Lúc này bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để có thể được thăm khám, điều trị kịp thời.
Tình trạng có kinh sớm có nguy hiểm không?
Nguyên nhân dẫn đến có kinh sớm ở phụ nữ
Nguyên nhân dẫn đến có kinh sớm thường khá đa dạng. Một số nguyên nhân có thể kể đến như sau:
Viêm nhiễm âm đạo ở phụ nữ
Viêm nhiễm âm đạo hoặc một số bệnh phụ khoa có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng có kinh sớm hoặc chảy máu ngoài chu kỳ kinh. Một số triệu chứng đi kèm khác như đau bụng dưới, đau khi đi tiểu, đau khi quan hệ, khí hư có màu vàng hoặc xanh lá, tình trạng đau rát và đỏ ngứa ở âm đạo.
Khi thấy xuất hiện các triệu chứng này, bạn nên đến bệnh viện sớm để có thể được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Hơn nữa, nên tránh quan hệ tình dục trong thời gian bị viêm nhiễm để giúp đảm bảo an toàn cho cả bạn và đối phương.
Có kinh sớm do độ tuổi
Chu kỳ kinh nguyệt không đều rất dễ xảy ra ở lứa tuổi dậy thì hoặc đối với phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh:
- Ở tuổi dậy thì: Ở giai đoạn này, việc kinh nguyệt đến sớm không phải là điều đáng lo ngại bởi chu kỳ kinh nguyệt sẽ trở nên đều đặn hơn về sau, khi cơ quan sinh dục đã “trưởng thành” hoàn toàn.
- Ở tuổi tiền mãn kinh: Kinh nguyệt sẽ sớm hơn bình thường ở độ tuổi này, do đó bạn nên điều chỉnh lại chế độ ăn uống, nghỉ ngơi. Tuy nhiên, nếu kinh nguyệt đến sớm trong 3 kỳ liên tiếp thì nên thăm khám bác sĩ.
Có kinh sớm do mang thai
Kỳ kinh đến sớm hơn so với bình thường có thể là dấu hiệu của quá trình thụ tinh. Dấu hiệu điển hình bao gồm chảy máu nhẹ hoặc tiết dịch màu hồng ở âm đạo. Hơn nữa, những dấu hiệu này còn đi kèm với cơn đau âm ỉ vùng bụng dưới, mệt mỏi, đầy hơi khó tiêu, căng tức ngực, buồn nôn và nôn khan.
Mặc dù đó có thể là dấu hiệu mang thai tuy nhiên để có kết quả chính xác hơn, cần đợi ít nhất 7 ngày kể từ ngày xuất hiện kinh nguyệt sớm. Bởi vì lúc này, phôi thai mới vừa được hình hành và nồng độ hormone HCG còn thấp.
Kỳ kinh đến sớm hơn so với bình thường có thể là dấu hiệu của quá trình thụ tinh
Chế độ ăn uống bất thường, vận động thể thao cường độ cao
Nếu bạn có một chế độ ăn uống không khoa học, sử dụng nhiều chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá hoặc tình trạng cơ thể thiếu chất, tăng giảm cân đột ngột,… đều có thể gây rối loạn nội tiết tố, dẫn đến hiện tượng có kinh sớm hơn bình thường.
Ngoài ra, việc luyện tập thể thao với cường độ nặng đôi khi cũng sẽ khiến cơ thể bị stress, mất năng lượng,… làm tăng đột biến hormone estrogen, dẫn đến hiện tượng có kinh nguyệt sớm.
Có kinh sớm do tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc có thể gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt như:
- Thuốc tuyến giáp
- Thuốc chống đông máu
- Thuốc ibuprofen, aspirin.
Do đó, nếu bạn đang phải dùng thuốc để điều trị bệnh thì đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến có kinh sớm hơn so với bình thường. Nếu việc tới tháng sớm khiến bạn lo lắng, hãy đi khám và hỏi ý kiến bác sĩ về vấn đề này để có hướng xử lý và điều trị phù hợp.
Cách khắc phục hiệu quả tình trạng có kinh sớm ở phụ nữ
Để có thể hạn chế sự thay đổi nội tiết tố dẫn đến tình trạng có kinh sớm, các chị em phụ nữ hãy:
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, bổ sung khoáng chất, vitamin, tránh xa các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, các thức uống chứa nhiều caffein,…
- Tạo thói quen đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, đảm bảo phòng ngủ yên tĩnh, đủ tối và mức nhiệt độ khiến cơ thể dễ chịu. Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ.
- Giữ cho tâm trạng lạc quan, vui vẻ. Khi gặp căng thẳng do công việc hay học tập, các bạn hãy thư giãn bằng cách tập yoga, nghe nhạc, trò chuyện với gia đình, bạn bè,…
- Xây dựng một chế độ luyện tập hợp lý, khoa học giúp chị em phụ nữ khỏe mạnh và ngăn ngừa tình trạng căng thẳng, rối loạn nội tiết.
Ngoài ra, để chủ động phòng ngừa các bệnh lý phụ khoa dẫn đến hiện tượng bất thường như có kinh sớm, chị em nên khám phụ khoa theo định kỳ 3 – 6 tháng một lần để kiểm soát, phát hiện sớm các bệnh lý phụ khoa.
Trên đây là tổng quan những chia sẻ về thắc mắc có kinh sớm có sao không. Hy vọng bài viết trên có thể giúp bạn hiểu hơn về hiện tượng này, từ đó chủ động bảo vệ sức khoẻ của chính mình.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.