Công nghệ đo và theo dõi đường huyết bằng cảm biến hàng đầu thế giới có mặt tại Việt Nam
Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa được đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết, là hậu quả của thiếu hụt Insulin hoặc bất thường trong hoạt động Insulin hoặc cả hai. Bệnh có thể dẫn đến những triệu chứng sớm liên quan tới tăng đường huyết và bao gồm ăn nhiều, khát nước nhiều, tiểu nhiều, sụt cân… và những biến chứng muộn gồm bệnh liên quan đến mạch máu, bệnh thần kinh ngoại vi, bệnh thận và dễ nhiễm khuẩn. Do vậy, người bệnh đái tháo đường cần chú ý duy trì mức đường huyết, huyết áp và cholesterol bình thường hoặc gần bình thường. Điều này có thể giúp trì hoãn hoặc ngăn ngừa các biến chứng của bệnh đái tháo đường. Đồng thời, những người mắc đái tháo đường cần được theo dõi đường huyết thường xuyên.
1. Tại sao phải theo dõi đường huyết
Đường là nguồn năng lượng chính đi nuôi cơ thể, được chuyển hóa từ các loại thực phẩm để cung cấp cho cơ thể mỗi ngày. Trong máu luôn có một lượng đường nhất định, nếu lượng đường trong máu thường xuyên cao sẽ dẫn tới bệnh đái tháo đường và gây biến chứng đến nhiều cơ quan. Lượng đường trong máu được xem là bình thường ở các mức sau:
- Từ 90 – 130mg/dl (tức 5 – 7,2mmol/l) ở thời điểm trước bữa ăn.
- Dưới 180mg/dl (tức 10mmol/l) ở thời điểm sau ăn khoảng 1 – 2 tiếng.
- Từ 100 – 150mg/l (tức 6 – 8,3mmol/l) ở thời điểm trước khi đi ngủ.
Theo báo cáo của Hiệp hội đái tháo đường thế giới IDF Diabetes Atlas, vào năm 2015 đã có 3,5 triệu người mắc bệnh và con số này được dự báo sẽ tăng lên 6,1 triệu vào năm 2040 tại Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ có rất ít người trong số đó kiểm soát tốt mức đường huyết của mình. Điều này rất nguy hiểm, bởi đường huyết không ổn định, quá cao hoặc quá thấp đều ẩn chứa nguy cơ dẫn đến các biến chứng liên quan đến tim, mạch máu, mắt, thận và thần kinh. Người mắc bệnh đái tháo đường cần cố gắng duy trì đường huyết ở mức ổn định và cần theo dõi đường huyết thường xuyên. Bên cạnh đó, điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý như ăn nhiều rau xanh, giảm bớt tinh bột, các thức ăn chứa nhiều mỡ có nguồn gốc động vật và thay thế bằng thức ăn chứa chất béo có nguồn gốc thực vật như các loại đậu, bơ, dầu ô liu… Quan trọng hơn hết người mắc bệnh đái tháo đường cần tuân thủ đúng các loại thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
2. Công nghệ đo và theo dõi đường huyết bằng cảm biến của Abbott
Trước đây, người mắc bệnh đái tháo đường phải chích máu ngón tay để kiểm tra đường huyết thường gây đau và bất tiện. Cách theo dõi đường huyết này chỉ mới thể hiện được chỉ số đường huyết tại thời điểm khi kiểm tra, không phản ánh đúng tình trạng bệnh. Tuy nhiên, với hệ thống đo và theo dõi đường huyết FreeStyle Libre của Abbott nhờ một cảm biến nhỏ đeo ở mặt sau cánh tay với kích thước chỉ bằng một đồng xu khiến việc này trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn. Cảm biến FreeStyle Libre được thiết kế để dễ gắn và đeo, đại diện cho công nghệ ít xâm lấn. Kết quả đo đường của máy cảm biến được lấy từ dịch kẽ (ISF), một lớp chất lỏng mỏng bao quanh các tế bào của mô bên dưới da. Ngoài ra, hệ thống còn cung cấp lịch sử đường huyết hoàn chỉnh, dễ dàng kiểm tra nồng độ đường huyết bằng cách quét nhanh 1 giây không gây đau. Tự động đo lường, ghi nhận và lưu trữ dữ liệu đường huyết cả ngày lẫn đêm. Chưa hết, FreeStyle Libre còn giúp quản lý bệnh đái tháo đường với đồ thị thể hiện mô hình và sự dao động nồng độ đường huyết mỗi ngày. Hệ thống còn được thiết kế chống nước cho phép người dùng có thể sử dụng thiết bị trong lúc tắm hay bơi lội giúp giảm áp lực và khiến việc kiểm soát đường huyết thường xuyên trở nên đơn giản hơn.
3. Cách sử dụng công nghệ đo và theo dõi đường huyết bằng cảm biến
Thấu hiểu những khó khăn của người bệnh đái tháo đường, Abbott đã cho ra mắt hệ thống FreeStyle Libre giúp người bệnh có thể theo dõi chính xác lượng đường huyết một cách dễ dàng. Hệ thống FreeStyle Libre gồm có 2 bộ phận được đóng gói riêng gồm:
- Thiết bị đọc FreeStyle Libre được sử dụng để thu thập và hiển thị các kết quả đường huyết đo được từ cảm biến. Sản phẩm được thiết kế gọn nhẹ, dễ cầm với màn hình cảm ứng màu. Đi cùng với thiết bị đọc là cáp USB có thể kết nối với máy tính để tạo báo cáo và được sử dụng để sạc thiết bị đọc.
- Cảm biến FreeStyle Libre có thể tự động đo và lưu trữ liên tục các kết quả đo đường huyết, có kích thước nhỏ (35mm x 5mm) vừa kín đáo, vừa thuận tiện khi mang với quần áo. Cảm biến được thiết kế để gắn trên cơ thể tới 14 ngày và chỉ cần thay mới mỗi 2 tuần. Ngoài ra, cảm biến FreeStyle Libre có thể lưu trữ dữ liệu đường huyết lên đến 8 giờ. Bệnh nhân chỉ cần quét cảm biến 3 lần trong 24 giờ để biết tình trạng đường huyết tổng thể.
Hệ thống FreeStyle Libre gồm các bước sử dụng chính đơn giản như sau:
- Bước 1: Lắp ráp và gắn cảm biến vào cánh tay.
- Bước 2: Cài đặt cảm biến mới vào đầu đọc (chờ 60 phút để cảm biến hoạt động).
- Bước 3: Kiểm tra đường huyết bất kỳ khi nào trong vòng 14 ngày kể từ khi gắn cảm biến.
Cần lưu ý hộp đựng và đầu gắn cảm biến đi theo từng bộ và mỗi bộ có chung một mã số. Để tránh sai lệch kết quả đo, đảm bảo mã số của bao cảm biến và dụng cụ cảm biến khớp nhau trước khi sử dụng. Hiểu được những nguy hiểm mà bệnh đái tháo đường gây ra, người bệnh cần phải có một chế độ sống lành mạnh, ăn uống khoa học hơn, tập thể dục thường xuyên để duy trì lượng đường huyết ổn định… Hãy để hệ thống đo và theo dõi đường huyết FreeStyle Libre giúp bạn có được cuộc sống khỏe mạnh và thoải mái hơn, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng do bệnh đái tháo đường gây ra.