Đái tháo đường thai kỳ: Ảnh hưởng và nguy cơ cho mẹ và bé
Phụ nữ mang thai khi bị đái tháo đường (Tiểu đường thai kỳ) sẽ gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Đái tháo đường thai kỳ nếu không được kiểm soát tốt mức đường huyết thì có thể ảnh hưởng đến thai nhi và có nguy cơ để lại những biến chứng nguy hiểm như thai nhi quá lớn, dị tật bẩm sinh, rối loạn hô hấp.
Đái tháo đường tuýp 2 ở phụ nữ mang thai
Đái tháo đường thai kỳ hay đái tháo đường thai kỳ là tình trạng tình trạng lượng đường trong máu cao ở một số phụ nữ trong thời gian mang bầu. Bệnh thường phát triển từ tuần thai thứ 24 – 28.
Đái tháo đường thai kỳ sẽ khiến người mẹ tăng nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường tuýp 2 trong tương lai.
Bên cạnh đó, nếu không được điều trị đúng cách, tình trạng này sẽ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường ở trẻ, đồng thời gây ra những biến chứng sức khỏe cho cả mẹ lẫn con.
Ảnh hưởng sức khỏe thai nhi
Đối với Thai nhi:
- Đái tháo đường thai kỳ có thể khiến tăng nguy cơ thai to, thai chậm phát triển trong tử cung hoặc dị dạng.
- Tăng nguy cơ suy hô hấp, hạ đường huyết sau sinh.
- Tăng nguy cơ tử vong sơ sinh, tăng nguy cơ béo phì, mắc bệnh đái tháo đường trong tương lai.
- Phần lớn các nghiên cứu chỉ ra rằng bất thường bẩm sinh tăng gấp 03 lần ở những thai nhi có mẹ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ mà không được kiểm soát tốt.
Nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường về sau
Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tăng đường huyết được phát hiện lần đầu ở phụ nữ mang thai được phần thành 02 nhóm là:
– Đái tháo đường mang thai (diabetes in pregnancy/overt diabetes): Có mức glucose huyết tương đạt mức chẩn đoán đái tháo đường tiêu chuẩn, thường được phát hiện trong 03 tháng đầu thai kỳ và không biến mất sau khi sinh con.
– Đái tháo đường thai kỳ (gestational diabetes mellitus – GDM): Có mức glucose huyết tương thấp hơn đái tháo đường mang thai, phát triển trong thời kỳ mang thai, tự khỏi sau khi sinh con.
Nhiều nghiên cứu nhận thấy rằng, các phụ nữ có tiền sử đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ cao diễn tiến thành đái tháo đường tuýp 2 trong tương lai.
Ngoài ra, thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ sẽ tăng nguy cơ bị đái tháo đường trong những lần mang thai tiếp theo. Họ cũng dễ bị béo phì, tăng cân quá mức sau sinh nếu không có chế độ ăn và luyện tập thích hợp.
Đái tháo đường thai kỳ là yếu tố nguy cơ gây ra các biến chứng thai kỳ nguy hiểm như tiền sản giật, sản giật… ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của mẹ và thai nhi. Do đó, mẹ bầu cần khám thai đúng lịch tại các cơ sở uy tín để được theo dõi chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh để có phác đồ điều trị kịp thời.