Đau bụng dưới: Triệu chứng, nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả
Đau bụng dưới có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, từ tiêu hóa đến phụ khoa. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng Pharmacity khám phá các triệu chứng, nguyên nhân phổ biến và các cách khắc phục hiệu quả để giúp bạn giảm đau nhanh chóng và cải thiện sức khỏe. Hy vọng thông tin này sẽ giúp bạn xử lý tình trạng đau bụng dưới một cách hiệu quả.
Đau bụng dưới là gì?
Ở cơ thể người phụ nữ, một trong những phần quan trọng nhất phải kể đến là vùng bụng dưới. Bởi vì phần bụng dưới không chỉ liên quan đến cơ quan sinh sản mà còn là nơi chứa các cơ quan ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động sống của cơ thể như một phần ruột già, ruột non, đường tiết niệu.
Đau bụng dưới là tình trạng vùng bụng dưới (phía ngang rốn) có cảm giác đau quặn từng cơn hoặc cảm giác đau âm ỉ kéo dài. Biểu hiện và tính chất của từng cơn đau sẽ có sự khác biệt tùy vào nguyên nhân. Có những trường hợp và mức độ đau có thể giảm bớt khi người bệnh gập người xuống, trong khi một vài trường hợp khác lại không có tư thế chống đau.
Dấu hiệu nhận biết tình trạng đau bụng dưới
Để có thể nhận biết tình trạng đau bụng dưới, người bệnh có thể dựa vào các triệu chứng điển hình dưới đây:
- Cảm giác cơn đau phía dưới rốn hoặc đau xung quanh cơ quan sinh dục
- Đau quặn theo từng cơn hoặc đau âm ỉ kéo dài, cảm giác sẽ bớt đau khi gập người xuống
- Bên cạnh cảm giác đau bụng dưới, người bệnh còn có thể nhận thấy một số các triệu chứng kèm theo như: buồn nôn, chóng mặt, âm đạo có tiết dịch mủ kèm theo máu,…
Theo các bác sĩ, bất kỳ dấu hiệu nào thì tình trạng đau bụng dưới cũng cho thấy tình trạng sức khỏe bệnh nhân đang gặp nhiều vấn đề bất thường. Vì thế, người bệnh không nên chủ quan mà cần đến khám tại các cơ sở y tế để được thăm khám, xác định nguyên nhân cũng như có phương án điều trị phù hợp.
Nguyên nhân đau bụng dưới là gì?
Có nhiều nguyên nhân gây đau bụng dưới, tuy nhiên chị em cần phân biệt và nhận biết được những nguyên nhân nào gây ra các bệnh lý nguy hiểm để có cách điều trị phù hợp. Dưới đây là một số các nguyên nhân gây đau bụng dưới mà bạn có thể gặp:
Viêm ruột thừa
Ruột thừa là một ống có kích thước bằng ngón tay nằm ở vị trí kết nối giữa ruột già và ruột non. Chức năng của ruột thừa còn nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn, tuy nhiên nếu bị viêm có thể sẽ gây ra bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, đôi khi dẫn đến tử vong.
Khi bị viêm ruột thừa, người bệnh cần được cấp cứu để được cắt bỏ phần ruột thừa và giúp ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan. Một số các triệu chứng viêm ruột thừa gồm:
- Quặn đau bụng dưới theo cơn dữ dội ở bên phải – nơi chứa ruột thừa, đây là dấu hiệu chính của bệnh viêm ruột thừa
- Bắt đầu, cơn đau ở vùng rốn sau đó di chuyển xuống vùng bụng dưới
- Đau từng cơn và đau quặn mỗi khi ho, hắt hơi, hít vào hoặc khi cử động
- Chán ăn (không cảm thấy đói dù đã vận động liên tục)
- Tiêu chảy hoặc táo bón
- Sốt nhẹ (< 38 độ C)
- Buồn nôn và nôn.
Mang thai ngoài tử cung
Đau bụng dưới là bị gì? Nếu cảm thấy đau vùng bụng dưới và chậm kinh thì hãy chú ý nhiều hơn, bởi vì rất có thể đó là biểu hiện của tình trạng mang thai ngoài tử cung. Tình trạng này xảy ra khi phôi thai hình thành và phát triển bên ngoài tử cung.
Người bệnh xuất hiện các triệu chứng như chậm kinh, đau vùng chậu hoặc thấy ra máu âm đạo bất thường (không trùng với chu kỳ kinh như bình thường, số lượng ít, màu nâu đen,…), chóng mặt, buồn nôn. Trường hợp này, cần đưa người bệnh đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt, nếu không sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng.
Do quá trình rụng trứng
Chị em nếu đang ở giữa chu kỳ kinh nguyệt mà gặp tình trạng đau bụng dưới rốn thì đây là điều hoàn toàn bình thường và bạn không cần quá lo lắng.
Quá trình rụng trứng sẽ kèm theo máu lẫn các chất dịch khiến cho niêm mạc thành bụng chịu các kích thích và gây ra những cơn đau. Vì thế, những cơn đau này sẽ nhanh chóng biến mất sau khi thời kỳ rụng trứng qua đi.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) là nhiễm trùng ở bất kỳ bộ phận nào trong hệ thống tiết niệu gồm niệu quản, niệu đạo, bàng quang và thận. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng đau bụng dưới từng cơn ở nữ và cả nam giới.
Con gái và phụ nữ thường sẽ dễ gặp tình trạng này hơn do niệu đạo (ống dẫn nước tiểu ra ngoài cơ thể) ở phụ nữ ngắn và gần hậu môn hơn, nên vi sinh vật dễ xâm nhập và gây nhiễm trùng. Một số triệu chứng chính thường gặp bao gồm:
- Đau ở bên mạn sườn, vùng bụng bàng quang hoặc vùng xương chậu
- Áp lực ở khung xương chậu dưới
- Thường xuyên cần đi tiểu, nhất là tiểu đêm, tiểu gấp và không kiểm soát
- Tiểu buốt và tiểu ra máu
- Màu nước tiểu bất thường (nước tiểu đục),nước tiểu có mùi hôi nồng
- Đau khi quan hệ tình dục,…
Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích là tình trạng rối loạn chức năng đường tiêu hóa, khiến bệnh nhân gặp phải tình trạng bị đau bụng dưới, tiêu chảy, đầy hơi, táo bón,… Các triệu chứng này thường sẽ xuất hiện mỗi khi ăn đồ tanh, lạnh hoặc tình trạng tâm lý căng thẳng,….
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này được giải thích là do rối loạn thần kinh ở ruột, khiến các hoạt động co bóp ở ống tiêu hóa kém, viêm ruột, viêm dạ dày,…
Tình trạng này thường gặp ở những người dưới độ tuổi 45 và có thể tái đi tái lại nhiều lần nếu như không được điều trị triệt để.
Hội chứng tiền kinh nguyệt
Hormone thay đổi không những dẫn đến các cơn đau ở vùng bụng dưới mà nữ giới còn có thể cảm thấy nhức đầu, tính khí thất thường, nổi mụn trứng cá.
Các triệu chứng tiền kinh nguyệt này thực chất không đáng lo ngại. Phụ nữ có thể khắc phục và giảm thiểu các triệu chứng bằng cách sinh hoạt lành mạnh, khoa học và bổ sung đầy đủ các dinh dưỡng cần thiết.
U nang buồng trứng
Nguyên nhân của u nang buồng trứng chủ yếu là do sự bất thường về các hormone nữ. Ngoài ra, còn có thể do sự phát triển bất thường của các tế bào buồng trứng.
Trong trường hợp trên (nguyên nhân hormon), việc trị liệu nhằm giúp ngăn chặn sự rụng trứng nhờ một loại thuốc viên ngừa thai hay dưỡng thai liều cao. Đối với trường hợp thứ hai, không phải lúc nào khối u cũng lành tính và đôi khi có thể xảy ra các biến chứng.
Cách khắc phục hiệu quả tình trạng đau bụng dưới
Tùy vào những nguyên nhân gây đau bụng dưới mà sẽ có những phương pháp khắc phục và giảm đau phù hợp. Cụ thể:
Nếu đau ở bụng dưới do liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt thì chị em có thể uống trà gừng pha nước ấm hoặc một cốc mật ong để làm dịu cơn đau. Ngoài ra, cơn đau vùng bụng dưới cũng có thể được kiểm soát bằng chế độ ăn uống lành mạnh cùng với chế độ tập luyện hợp lý.
Nếu quá đau, bạn có thể tìm đến sự trợ giúp của những loại thuốc giảm đau, thuốc điều chỉnh nội tiết tố hoặc thuốc kháng sinh. Tuy vậy, dù là loại thuốc nào thì cũng không được tùy tiện dùng mà cần tuân theo các chỉ định của bác sĩ.
Đến các cơ sở y tế để có thể được thăm khám và phát hiện bệnh kịp thời (nếu có).
Đau bụng dưới có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nếu các triệu chứng kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng, hãy tìm kiếm sự tư vấn từ bác sĩ để có thể được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp những thông tin hữu ích để bạn có thể quản lý tình trạng đau bụng dưới một cách tốt nhất.