Đau dạ dày nên làm gì? Gợi ý 9 cách giảm đau dạ dày hiệu quả
Đau dạ dày là một triệu chứng phổ biến mà nhiều người thường mắc phải có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vậy đau dạ dày nên làm gì? Dưới đây là gợi ý về 9 cách giảm đau dạ dày hiệu quả mà bạn nên biết.
Nguyên nhân gây ra tình trạng đau dạ dày
Đau dạ dày có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm:
- Viêm loét dạ dày tá tràng: Khi niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng bị viêm hoặc loét, bạn có thể cảm thấy đau vùng bụng trên.
- Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori): Loại vi khuẩn này thường gây ra viêm loét dạ dày.
- Thói quen ăn uống không khoa học: Ăn uống không điều độ, ăn quá nhanh, bỏ bữa, ăn thực phẩm cay nóng và nhiều dầu mỡ đều là các nguyên nhân phổ biến dẫn đến đau dạ dày.
- Lạm dụng chất kích thích: Sử dụng bia rượu, thuốc lá, cà phê có thể gây ra tình trạng đau bao tử.
- Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc như thuốc giảm đau Ibuprofen, Naproxen, thuốc Cholesterol, thuốc kháng sinh có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày nếu dùng lâu dài.
- Stress kéo dài: Tâm lý căng thẳng và lo lắng quá mức sẽ ảnh hưởng đến hoạt động co bóp của dạ dày. Từ đó dẫn đến tình trạng đau bụng, đầy hơi và ợ chua.
Dấu hiệu đau dạ dày mà bạn nên biết
Những dấu hiệu phổ biến của đau dạ dày bao gồm:
- Đau vùng thượng vị.
- Dạ dày bị tổn thương có thể dẫn đến buồn nôn và nôn mửa.
- Đầy bụng, khó tiêu.
- Ợ chua hoặc ợ nóng.
- Đau dạ dày có thể khiến bạn mất cảm giác thèm ăn, làm giảm cân không rõ nguyên nhân.
- Nôn ra máu hoặc đi ngoài ra máu.
Đau dạ dày nên làm gì? 9 cách giảm đau dạ dày hiệu quả tại nhà
Nếu bạn đang bị đau dạ dày, hãy thử áp dụng các biện pháp sau để giảm đau:
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học
Một chế độ ăn uống khoa học, giàu chất xơ và ít chất béo có thể giúp giảm đau dạ dày. Hãy ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi và tránh các thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ.
Trong các bữa ăn bạn nên tập trung ăn chậm, nhai kỹ và ăn đủ bữa, đúng giờ. Đồ ăn nên được thái nhỏ và nấu chín kỹ, giúp giảm áp lực lên hệ tiêu hóa, từ đó hỗ trợ dạ dày hoạt động hiệu quả hơn.
Dùng gừng
Gừng có tính ấm, giúp giảm viêm và ngăn ngừa các triệu chứng chướng bụng, khó tiêu. Bạn có thể ăn vài lát gừng tươi hoặc pha trà gừng để uống trong thực đơn ăn uống hàng ngày.
Chườm ấm bụng
Chườm ấm bụng là phương pháp đơn giản giúp giảm các cơn co thắt và làm dịu cơn đau dạ dày. Hãy dùng một túi chườm ấm hoặc khăn ấm khoảng 50-60 độ để đặt lên bụng trong khoảng 20-30 phút.
Không nên nằm
Sau khi ăn, bạn nên tránh nằm ngay lập tức vì điều này có thể gây áp lực lên dạ dày và làm tình trạng đau thêm trầm trọng. Hãy ngồi thẳng lưng hoặc đi lại nhẹ nhàng trong vòng 30 phút sau khi ăn. Ngoài ra, sau khi ăn bạn không nên vận động mạnh hoặc lao động ngay.
Nếu bạn bị đau dạ dày khi đang nằm ngủ, hãy thử nằm nghiêng sang bên trái. Tư thế này giúp giảm áp lực lên dạ dày, mang lại hiệu quả giảm đau rõ rệt.
Dùng nghệ và mật ong
Nghệ chứa curcumin, một chất chống viêm mạnh, trong khi mật ong có tác dụng làm dịu niêm mạc dạ dày. Kết hợp nghệ và mật ong có thể giúp giảm viêm loét và làm dịu cơn đau. Bạn có thể pha mật ong và nghệ uống để chữa đau dạ dày theo các bước sau:
- Bước 1: Pha 100ml nước ấm với 10g bột nghệ rồi khuấy đều.
- Bước 2: Sau đó, cho khoảng 2 thìa mật ong vào trộn cùng.
- Bước 3: Dùng để uống trước bữa ăn và mỗi ngày uống 2-3 ly.
Uống nhiều nước
Uống đủ nước giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn và giảm bớt sự kích ứng trong dạ dày. Do đó, hãy đảm bảo uống ít nhất 2-3 lít nước mỗi ngày. Ngoài ra, nước dừa cũng được xem là loại nước giúp giảm các vấn đề về tiêu hoá như khó tiêu, chướng bụng cũng như có khả năng tiêu diệt được các vi khuẩn đường ruột.
Hít thở đều
Thở sâu và đều đặn giúp thư giãn cơ thể, giảm căng thẳng từ đó giúp giảm đau dạ dày. Lý do là vì khi hít thở sâu Endorphins – một chất dẫn truyền thần kinh sẽ được giải phóng giúp giảm đau tự nhiên. Bạn có thể thực hiện các bài tập thở hoặc yoga 2 lần/ngày để cải thiện tình trạng này.
Massage bụng
Đau dạ dày nên làm gì? Massage bụng theo chiều kim đồng hồ giúp kích thích tiêu hóa và giảm cơn đau dạ dày. Hãy thực hiện massage nhẹ nhàng trong vòng 10-15 phút mỗi ngày theo các bước sau:
- Bước 1: Xoa nóng lòng bàn tay hoặc sử dụng thêm vài giọt dầu nóng.
- Bước 2: Áp tay vào bụng, xoa từ trái sang phải, từ trên xuống và theo hướng vòng tròn.
Kiểm soát căng thẳng
Căng thẳng là một trong những nguyên nhân chính gây đau dạ dày. Hãy tìm cách kiểm soát căng thẳng bằng cách thực hiện các hoạt động thư giãn như đọc sách, nghe nhạc, thiền hoặc yoga. Ngoài ra, nên ngủ đủ giấc để tránh mệt mỏi, gây ảnh hưởng đến tinh thần.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Nếu các biện pháp giảm đau dạ dày tại nhà không hiệu quả hoặc bạn gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng sau, cách tốt nhất là nên đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời:
- Đau bụng kéo dài và đau dữ dội.
- Nôn ra máu hoặc chất nôn có màu nâu đen.
- Nôn ói, tiêu chảy kéo dài hơn 2 ngày.
- Khó thở, tức ngực.
- Đi tiêu ra máu.
- Chán ăn hoặc sút cân nhiều.
- Vàng da.
Đau dạ dày có thể gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống nếu không được xử lý kịp thời. Qua bài viết này, hy vọng bạn đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi “đau dạ dày nên làm gì” và có thể áp dụng các biện pháp giảm đau hiệu quả.