Đau hậu môn là bệnh gì? Triệu chứng và cách khắc phục hiệu quả
Đau hậu môn là tình trạng y tế phổ biến gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tình trạng này gây ảnh hưởng đến tâm lý và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Vậy đau rát hậu môn, có nguyên nhân do đâu? Cùng Pharmacity tìm hiểu qua bài viết sau!
Đau hậu môn là bệnh gì?
Đau hậu môn là tình trạng xảy ra khi bạn bị đau ở trong và quanh hậu môn hoặc trực tràng (vùng quanh hậu môn). Bệnh này là tình trạng thường gặp. Mặc dù hầu hết các nguyên nhân dẫn đến đau nhức hậu môn là lành tính, tuy nhiên cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng do trong vùng quanh hậu môn có nhiều dây thần kinh.
Đau hậu môn có thể xảy ra trước, trong hoặc sau khi đi tiêu. Bệnh tiến triển từ cơn đau nhẹ đến mức nghiêm trọng hơn theo thời gian, làm hạn chế các hoạt động hàng ngày. Nguyên nhân dẫn đến đau hậu môn phần lớn rất phổ biến và có thể được điều trị. Tuy vậy, nếu cơn đau nhức hậu môn không biến mất trong vòng 24 – 48 giờ, bạn phải đi khám ngay. Nếu bị đau hậu môn kèm với sốt, bạn hãy đi cấp cứu ngay.
Nhiều tình trạng đau ở hậu môn cũng có thể gây ra tình trạng chảy máu trực tràng. Nguyên nhân đau hậu môn thường dễ chẩn đoán. Bạn có thể điều trị vấn đề này bằng thuốc giảm đau không cần kê toa hoặc ngâm nước ấm.
Nguyên nhân gây đau hậu môn
Tình trạng đau hậu môn có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như:
- Rò hậu môn
- Bệnh trĩ
- Táo bón
- Bệnh Crohn
- Tiêu chảy (gây kích ứng hậu môn)
- Ứ phân (khối phân cứng bị mắc kẹt ở trực tràng do táo bón mạn tính)
- Sùi mào gà hậu môn (condyloma hậu môn)
- Hẹp hậu môn hoặc trực tràng (hẹp do sẹo, viêm nhiễm nặng hoặc ung thư)
- Nứt hậu môn (một vết rách nhỏ xuất hiện tại vị trí niêm mạc ống hậu môn)
- Hội chứng Levator ani (hiện tượng co thắt ở các cơ xung quanh vùng hậu môn)
- Áp xe quanh hậu môn (mủ ở mô sâu quanh hậu môn)
- Viêm loét trực tràng (niêm mạc trực tràng bị viêm)
- Proctalgia fugax (cơn đau thoáng qua do co thắt cơ trực tràng)
- Hội chứng loét trực tràng đơn độc (loét trực tràng).
Các trường hợp bị đau hậu môn thường gặp
Tình trạng đau hậu môn có nhiều trường hợp khác nhau:
Đau dữ dội: Cảm giác đau dữ dội như bị cắt có thể là dấu hiệu cho thấy có vết thương, vết nứt hoặc vết loét. Cơn đau như dao đâm. Ngoài ra, trĩ huyết khối (bệnh trĩ có cục máu đông bên trong) cũng có khả năng gây đau dữ dội.
Đau kèm theo cảm giác như có vật gì đó sưng tấy bên trong: Nguyên nhân có thể do áp xe phần mô mềm xung quanh ống hậu môn. Đôi khi, triệu chứng này là dấu hiệu của áp lực từ phân cứng, phân kẹt bên trong trực tràng hoặc ống hậu môn, không thể thoát ra bên ngoài.
Đau kèm theo ngứa: Bệnh trĩ, nhiễm trùng nấm hậu môn (đây là một dạng bệnh nấm candida), sùi mào gà hậu môn (bệnh lây qua đường tình dục) thường gây đau kèm tình trạng ngứa hậu môn.
Đau sau khi đi đại tiện: Nguyên nhân phổ biến là do vết nứt hậu môn. Ngoài ra, cũng có thể do phân cứng, làm tăng độ ma sát gây kích ứng niêm mạc vùng ống hậu môn, khi phân cứng sẽ gây tổn thương búi trĩ, gây chảy máu từ búi trĩ hoặc trĩ sa ra ngoài.
Những kỹ thuật y tế chẩn đoán bệnh đau hậu môn
Bác sĩ có thể tiến hành khám trực tràng để giúp loại trừ các nguyên nhân khác gây nên cơn đau.
Bác sĩ sẽ tiến hành khám tra trực tràng bằng tay để chẩn đoán hội chứng cơ nâng hậu môn. Trong quá trình kiểm tra, bác sĩ cảm nhận các cơ nâng hậu môn. Họ sẽ cảm thấy chặt và khi chạm vào chúng sẽ gây cơn đau.
Bác sĩ chẩn đoán trĩ huyết khối bằng cách kiểm tra hậu môn và kênh hậu môn.
Việc chẩn đoán tình trạng nứt hậu môn thường được khám bằng cách quan sát thông thường.
Cách khắc phục tình trạng đau hậu môn
Khi gặp triệu chứng đau rát hậu môn kéo dài cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để có thể được kiểm tra và chẩn đoán kịp thời. Bác sĩ sẽ giúp xác định nguyên nhân cụ thể của triệu chứng và đề xuất các phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Dưới đây là một số phương pháp điều trị tại nhà và các biện pháp để giúp giảm các triệu chứng đau hậu môn và nứt hậu môn:
- Ngâm bồn nước ấm: Ngồi trong bồn nước ấm trong khoảng 20 phút, thực hiện một vài lần trong ngày có thể giúp giảm đau và sưng, đặc biệt là trong trường hợp bị nứt hậu môn và trĩ.
- Thực phẩm giàu chất xơ: Bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất xơ, như rau xanh, quả và ngũ cốc nguyên hạt, có thể làm cho phân trở nên mềm hơn và giảm bớt sưng đau khi đi tiêu.
- Bổ sung nước: Uống đủ nước mỗi ngày để giúp duy trì sự mềm mại của phân và tránh tình trạng táo bón, điều này giúp làm giảm áp lực lên hậu môn và giúp làm dịu các triệu chứng.
- Sử dụng kem hydrocortisone: Bôi kem hydrocortisone hoặc các loại kem gây tê tại chỗ theo hướng dẫn của bác sĩ để giúp giảm đau và viêm nhiễm.
Trường hợp cần gặp bác sĩ
Hầu hết các cơn đau hậu môn đều lành tính và không gây tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Tuy vậy, hãy đến bệnh viện hoặc cho cấp cứu ngay nếu các cơn đau trở nên nghiêm trọng như:
- Cơn đau hậu môn không có dấu hiệu cải thiện sau vài ngày.
- Chảy máu trực tràng liên tục kèm theo tình trạng chóng mặt hoặc buồn nôn.
- Cơn đau lan rộng kèm theo ớn lạnh, sốt, tiết dịch âm đạo.
Nếu có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau, do đó hãy hỏi ý kiến bác sĩ để có thể lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nhận biết sớm các triệu chứng và nguyên nhân dẫn đến đau hậu môn sẽ giúp bạn có biện pháp khắc phục hiệu quả. Nếu các triệu chứng kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời. Sức khỏe của bạn là điều quý giá, hãy chăm sóc và bảo vệ nó một cách tốt nhất!