Dấu hiệu nhận biết trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh là một bệnh về tâm lý tâm thần nhiều mẹ mắc phải sau khi sinh con. Bệnh thậm chí có thể phát triển thành hành vi cực đoan gây nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và con. Hãy tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Trầm cảm sau sinh có thể dẫn đến hậu quả khó lường
Trầm cảm sau sinh là gì?
Trầm cảm sau sinh là tình trạng người phụ nữ bị rối loạn cảm xúc, thường suy nghĩ tiêu cực, buồn chán, mệt mỏi và tuyệt vọng do các thay đổi đột ngột bên trong và bên ngoài cơ thể sau khi sinh con. Bệnh thường phát triển trong vòng 1 năm đầu sau sinh.
Trầm cảm sau sinh có thể ở mức nhẹ, vừa hoặc nặng, có thể tự khỏi, tuy nhiên một số trường hợp nặng không được can thiệp kịp thời có thể dẫn đến nhiều hậu quả đau lòng.
Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh là bệnh không còn xa lạ và ngày càng gia tăng, nguyên nhân gây bệnh rất phức tạp. Một số nguyên nhân phổ biến như:
- Do thay đổi nội tiết tố: Nồng độ estrogen và progesterone bị suy giảm đột ngột sau sinh cùng với hormon tuyến giáp cũng giảm nhanh chóng gây nên tình trạng trầm cảm.
- Có tiền sử trầm cảm: Phụ nữ có tiền sử trầm cảm trước hoặc trong khi mang thai có nguy cơ cao mắc trầm cảm sau sinh.
- Do thể trạng sức khỏe suy giảm: Thay đổi thể tích máu, rối loạn hệ miễn dịch, biến động về huyết áp, bị các cơn đau nhức toàn thân kéo dài, mất ngủ kéo dài, vóc dáng và da dẻ thay đổi là nguyên nhân khiến người phụ nữ dễ nảy sinh bực bội, căng thẳng.
- Do mâu thuẫn gia đình: Gặp khó khăn trong việc chăm sóc con, thiếu sự giúp đỡ của người thân, áp lực tài chính,…
Báo động tình trạng trầm cảm sau sinh
Theo nghiên cứu ở một số bệnh viện phụ sản tại Việt Nam, tỉ lệ trầm cảm sau sinh là 11,6 – 33%, trong đó 15% trường hợp xuất hiện trầm cảm trong 3 tháng đầu và 25% trong 1 năm đầu sau sinh. Ước tính có gần 50% trường hợp không được chẩn đoán.
Đây là chứng bệnh phổ biến, nguy hiểm, có thể dẫn đến nhiều hành vi tiêu cực đối với bản thân người bệnh và những người xung quanh.
Dấu hiệu nhận biết trầm cảm ở phụ nữ sau sinh
Thực tế, phụ nữ bị mắc trầm cảm sau sinh thường không được phát hiện cho tới khi họ có cảm xúc thất thường và hành động tiêu cực ảnh hưởng tới sức khỏe bản thân. Do đó, tất cả mọi người cần nhận biết những dấu hiệu ban đầu của trầm cảm sau sinh như sau:
- Tâm trạng tồi tệ, dễ khóc, khóc không có lý do
- Thay đổi cảm xúc thất thường, hay chán nản, ủ rũ, lo lắng
- Ngại giao tiếp với mọi người, xa lánh người thân, thậm chí con mình
- Dễ cáu gắt, giận dữ, mất kiểm soát
- Chán ăn hoặc ăn nhiều hơn bình thường
- Thường xuyên mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
- Giảm, mất hứng thú với mọi hoạt động, kể cả các hoạt động trước đây yêu thích
- Mất tập trung, suy giảm trí nhớ
- Có suy nghĩ gây hại bản thân và con
Đối tượng nào dễ mắc trầm cảm sau sinh
- Trầm cảm sau sinh có thể xảy ra ở bất kì người mẹ nào, tuy nhiên chiếm tỷ lệ cao nhất ở phụ nữ sinh con lần đầu tiên.
- Người có tiền sử bị trầm cảm sau sinh (nguy cơ lặp lại 50%) hoặc có tiền sử trầm cảm, rối loạn tâm lý ngoài thai kỳ (nguy cơ 25%).
- Mang thai dưới 18 tuổi, mang thai ngoài ý muốn.
- Biến chứng thai kỳ: thai chết lưu, sảy thai.
- Thiếu sự quan tâm chăm sóc của người thân, nhất là chồng.
- Trải qua biến cố trước khi mang thai (bệnh tật, hiếm muộn…).
- Có mâu thuẫn với chồng, mẹ chồng.
Trầm cảm sau sinh có nguy hiểm không?
Trầm cảm sau sinh có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần và thể chất của cả mẹ, em bé và người thân trong gia đình.
Đối với người mẹ
- Suy giảm sức khoẻ (suy dinh dưỡng, suy nhược thần kinh, hoang tưởng…) và có nguy cơ tự làm hại bản thân cao.
- Có thể phát triển thành rối loạn tâm thần nếu không phát hiện và có biện pháp can thiệp, điều trị kịp thời.
Đối với em bé
- Người mẹ mắc chứng trầm cảm sau sinh có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển cảm xúc và hành vi của trẻ, chẳng hạn:
- Chậm phát triển ngôn ngữ, vận động.
- Dễ kích động, có hành vi bất thường.
- Trẻ dễ căng thẳng, khó hòa nhập với xã hội.
Đối với gia đình
- Làm không khí gia đình căng thẳng, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ tâm lý của từng thành viên trong gia đình.
- Người sống chung người bị trầm cảm sau sinh có nguy cơ mắc trầm cảm hoặc các rối loạn lo âu cao.
Giải pháp phòng ngừa trầm cảm sau sinh
Phụ nữ trong quá trình mang thai và sau khi sinh con có nhiều sự thay đổi lớn, vì vậy rất dễ bị trầm cảm. Đề phòng và hạn chế trầm cảm sau sinh, lưu ý.
Trước khi sinh:
- Khám sức khỏe tổng quát và sàng lọc trước sinh nhằm hạn chế tối thiểu nguy cơ trầm cảm.
- Bổ sung dinh dưỡng (sắt, acid folic, vitamin, chất xơ…) và thực hiện lối sống lành mạnh ngay từ khi mang thai.
- Tham gia các lớp học tiền sản dành cho vợ và chồng.
- Chuẩn bị sức khỏe tinh thần và thể chất ít nhất 3 tháng trước khi có thai.
Sau khi sinh:
- Kiểm tra sớm sức khỏe sau sinh nhằm sàng lọc các dấu hiệu và triệu chứng trầm cảm sau sinh.
- Thực hiện lối sống lành mạnh.
- Tinh thần thoải mái cởi mở chia sẻ, tâm sự với người thân, bạn bè.
- Cố gắng dành thời gian riêng cho bản thân (đọc sách, xem phim, vui chơi, mua sắm,…).
- Tập thể dục và vận động nhẹ nhàng.
- Tâm sự với con ngay từ khi còn trong bụng.
Người chồng là người quan trọng nhất trong vấn đề phòng trầm cảm sau sinh. Chồng cần lắng nghe và chia sẻ những tâm tư của vợ trong suốt thai kỳ và cả giai đoạn sau sinh để vợ cảm thấy được quan tâm và yêu thương hơn.
Phát hiện bệnh sớm chính là yếu tố quan trọng để điều trị trầm cảm sau sinh hiệu quả. Vì vậy hãy nhận biết các dấu hiệu và dành sự quan tâm đặc biệt đến phụ nữ sau sinh để hạn chế nguy cơ trầm cảm và những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Bạn có thể xem thêm: