Dấu hiệu ung thư đại tràng và những điều cần lưu ý
Dấu hiệu ung thư đại tràng ở giai đoạn sớm thường không rõ ràng và khó nhận biết. Tìm hiểu dấu hiệu thường gặp để nhận biết bệnh, điều trị sớm và hạn chế ảnh hưởng sức khỏe.
Nhận biết dấu hiệu ung thư đại tràng sớm
Ung thư đại tràng là gì?
Ung thư đại tràng (phần chính của ruột già) là bệnh lý ung thư xảy ra ở đại tràng, khi các tế bào ở ruột phân chia ngoài tầm kiểm soát tạo nên các khối u xâm lấn tại chỗ rồi di căn dần đến các cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể.
Ung thư đại tràng là nguyên nhân gây tử vong cao trong số các loại ung thư trên thế giới sau ung thư phổi, dạ dày và gan. Bệnh có thể xảy ra ở đối tượng nam và nữ, số lượng người mắc ung thư đại tràng ngày càng tăng và có xu trẻ hóa.
Triệu chứng ung thư đại tràng bạn cần biết
Mặc dù tỷ lệ tử vong cao, tuy nhiên bệnh nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị đúng cách, kịp thời thì tỷ lệ chữa khỏi và sống khỏe mạnh cao. Vì vậy, hãy lưu ý để nhận biết các triệu chứng bệnh.
Dấu hiệu ung thư đại tràng giai đoạn đầu thường không rõ ràng, đặc trưng là những polyp và những polyp này không có biểu hiện gì ra ngoài. Bệnh được phát hiện ở giai đoạn này có tỷ lệ điều trị khỏi hoàn toàn cao và chi phí điều trị thấp hơn so với các giai đoạn sau.
Ung thư đại tràng ở giai đoạn này có thể được nhận biết thông qua các biểu hiện như sau:
- Đau bụng không xác định vị trí, thường đau giữa các bữa ăn hoặc khi đi tiêu;
- Thay đổi thói quen đại tiện, có thể tiêu chảy hay táo bón kéo dài;
- Xuất hiện máu và chất nhầy trong phân;
- Cảm giác không đi ngoài hết phân;
- Suy nhược cơ thể, mệt mỏi, chán ăn;
- Sụt cân không rõ nguyên nhân;
- Hình dạng phân bất thường, phân mỏng và đẹp hơn so với bình thường.
Ở giai đoạn muộn, ung thư đại tràng biểu hiện rõ ràng hơn, thậm chí người bệnh có thể sờ thấy cả khối u nổi ở dưới da bụng, vàng da, bụng to dần,…
Nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư đại tràng
- Người trên 50 tuổi tuổi, thống kê cho thấy 90% ung thư đại tràng ở người trên 50 tuổi, đàn ông có nguy cơ mắc bệnh cao hơn phụ nữ;
- Người có tiền sử gia đình bị ung thư đại tràng hoặc polyp đại tràng;
- Người mắc bệnh viêm ruột, Crohn hoặc viêm loét đại tràng mạn tính;
- Người tiếp xúc trong môi trường tồn tại chất gây ung thư;
- Thói quen ăn uống hay lối sống thiếu khoa học;
- Người hút thuốc, thường xuyên sử dụng rượu bia và chất chứa cồn;
- Người thừa cân béo phì.
Nếu bạn thuộc đối tượng nguy cơ, hãy kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Ung thư đại tràng có chữa được không?
Bệnh ung thư đại tràng có tỷ lệ chữa khỏi cao nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời, đúng cách.
Hiệu quả điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giai đoạn bệnh, phác đồ điều trị, tình trạng sức khỏe và chế độ chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Phát hiện và điều trị ở giai đoạn càng muộn thì hiệu quả điều trị và kéo dài sự sống ở người bệnh càng giảm.
Lưu ý dinh dưỡng cho người ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng là một trong số những căn bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, vì vậy việc xây dựng chế độ ăn cho bệnh nhân ung thư đại tràng là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong suốt quá trình điều trị cũng chăm sóc sức khỏe sau bệnh.
Bên cạnh việc tuân thủ điều trị, để giúp người bệnh ung thư đại tràng cải thiện sức khỏe thì chế độ ăn uống cho bệnh nhân cần lưu ý vấn đề sau.
- Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày (6-8 bữa/ngày);
- Uống đủ nước 1.5 – 2 lít nước mỗi ngày;
- Ăn đủ các chất đạm, béo, tinh bột, vitamin – khoáng chất;
- Chế độ vận động 15-30’/ngày, phù hợp thể trạng người bệnh, không nên quá sức;
- Chế biến món ăn đa dạng theo khẩu vị, giai đoạn bệnh.
Người bệnh có thể bổ sung các loại thực phẩm sau vào chế độ ăn uống hàng ngày:
- Rau có màu xanh đậm như bắp cải, rau bina vào bữa ăn hàng ngày. Các loại rau này chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ, trong đó dồi dào axit folic và vitamin B. Axit folic có tên khác là vitamin B9 có thể làm giảm tỷ lệ mắc ung thư đại tràng. Thực phẩm giàu axit folic bao gồm gan và cật động vật, trứng, đậu, rau lá xanh, trái cây, các loại hạt.
Rau có màu xanh đậm tốt cho bệnh nhân ung thư đại tràng
- Chất xơ từ các loại ngũ cốc nguyên hạt giúp bệnh nhân bị ung thư đại tràng hạn chế bị táo bón. Tiêu thụ 35g chất xơ hằng ngày có thể làm giảm 40% tỷ lệ mắc ung thư đại tràng.
- Thực phẩm nhiều omega-3 như cá hồi, cá biển, dầu lạc, dầu vừng, dầu mè, quả óc chó, hạt điều,.. Bổ sung 200 μg selen mỗi ngày có thể làm giảm đến 60% tỷ lệ mắc ung thư đại tràng. Thực phẩm giàu selen bao gồm hải sản, gan và cật động vật, thịt, ngũ cốc và các loại hạt được trồng trên đất giàu selen.
- Thực phẩm chế biến từ sữa như sữa, sữa chua, phô mai,…
Ngoài ra, người bệnh cần hạn chế các loại thực phẩm không có lợi cho sức khỏe như các loại thịt đỏ, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhiều dầu mỡ như chiên, xào, thức ăn và nước uống có nhiều đường, thức uống có gas.
Hy vọng những thông tin về ung thư đại trong bài viết trên hữu ích với bạn, giúp bạn nhận biết các dấu hiệu ung thư đại tràng, nhận biết và chủ động bảo vệ sức khỏe mỗi ngày.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Bạn có thể xem thêm: