Đau mắt đỏ ở trẻ em: Nguyên nhân và cách chăm sóc hiệu quả
Đau mắt đỏ ở trẻ em hay còn gọi là viêm kết mạc là một bệnh lý phổ biến. Tác nhân gây bệnh thường gặp là do nhiễm virus có liên quan đến chứng cảm lạnh thông thường. Trong bài viết này, hãy cùng Pharmacity khám phá những khía cạnh quan trọng về bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em, từ nguyên nhân đến cách phòng tránh và điều trị.
Đau mắt đỏ ở trẻ em là gì?
Đau mắt đỏ hay còn được gọi là viêm kết mạc, đây là tình trạng viêm nhiễm thường thấy ở mắt. Kết mạc là lớp màng niêm mạc lót trong mí mắt trên, dưới và nhãn cầu phía trước. Kết mạc khỏe mạnh sẽ có màu trắng trong, giúp cho mắt mọi người có thể nhìn một cách rõ ràng hơn. Khi bị viêm, kết mạc sẽ xung huyết và đỏ hơn so với mức bình thường.
Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, trong đó trẻ em sẽ là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh đau mắt đỏ cao do đề kháng của trẻ còn hạn chế. Đau mắt đỏ gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt của trẻ bởi tình trạng sưng, chảy nước mắt, mắt có ghèn, ngứa mi mắt, mắt bị cộm khó chịu,…
Bệnh sẽ thường kéo dài khoảng 7-10 ngày, có thể tự khỏi tuy nhiên cũng có rất nhiều trường hợp mắc bệnh tiến triển nặng, có thể gặp những biến chứng nguy hiểm như viêm kết mạc mạn tính, giảm thị lực, viêm loét giác mạc, để lại sẹo giác mạc,… Do đó, các bậc phụ huynh không nên coi nhẹ bệnh đau mắt đỏ ở trẻ mà cần chủ động đưa trẻ đi khám cũng như điều trị để trẻ nhanh chóng hồi phục.
Dấu hiệu đau mắt đỏ ở trẻ em
Phần lớn trẻ em bị đau mắt đỏ sẽ có các triệu chứng sau:
- Đầu tiên, mắt trẻ bị đau mắt. Sau khi nhiễm virus gây bệnh, mắt trẻ có biểu hiệu xung huyết, làm cho mắt đỏ.
- Thứ hai, trẻ sẽ cảm thấy ngứa, cộm mắt. Điều này khiến cho trẻ có xu hướng dụi mắt nhiều hơn, mắt ngày càng trở nên đỏ hơn.
- Trẻ bị đau mắt đỏ có nhiều ghèn mắt (rỉ mắt) khi mới ngủ dậy.
- Ở một số trẻ sẽ có biểu hiện sốt nhẹ hoặc đau họng,…
Tóm lại, các triệu chứng chính của bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em mà bố mẹ cần lưu ý là trẻ hay dụi mắt, mắt đỏ, cảm thấy cộm và mắt có ghèn.
Nguyên nhân dẫn đến đau mắt đỏ ở trẻ em
Để biết được đau mắt đỏ ở trẻ em bao lâu thì khỏi, bạn cần hiểu rõ những nguyên nhân khiến bé bị viêm kết mạc. Có nhiều tác nhân khác nhau gây ra bệnh. Trong đó, phổ biến hơn cả là một số những nguyên nhân dưới đây:
- Virus: Một số loại virus như Adenovirus, Enterovirus, virus Herpes là những tác nhân phổ biến dẫn đến bệnh đau mắt ở trẻ em. Trong đó 65-90% nguyên nhân thường do virus Adenovirus. Virus gây bệnh có thể sẽ dẫn đến các dấu hiệu ở một hoặc cả hai mắt, khiến bé bị chảy nước mắt kèm theo tình trạng ngứa nhẹ, đồng thời có thể có các triệu chứng do virus gây ra như đau họng, sốt và nghẹt mũi.
- Vi khuẩn: Vi khuẩn thường gây đau mắt đỏ ở trẻ nhỏ hơn so với người lớn. Các loại vi khuẩn gây ra tình trạng này là Staphylococcus aureus, Haemophilus, Chlamydia trachomatis, phế cầu khuẩn, Neisseria,… Đau mắt đỏ gây ra do vi khuẩn có thể khiến mắt tiết ra dịch màu vàng hoặc xanh, khiến trẻ đôi khi sẽ cảm thấy mắt bị châm chích.
- Dị ứng: Trẻ em bị đau mắt đỏ có thể do các tác nhân gây dị ứng như bụi, phấn hoa, lông động vật,… Việc tiếp xúc với những hóa chất như clo cũng có thể dẫn đến hiện tượng đau mắt đỏ ở trẻ em. Viêm kết mạc dị ứng là bệnh không lây nhiễm.
- Bệnh lý: Trong một số ít trường hợp, đau mắt đỏ có thể gây ra do các bệnh lý ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, như bệnh Kawasaki và hội chứng Sjogren.
Cách điều trị đau mắt đỏ cho trẻ
Khi thấy trẻ có những dấu hiệu đau mắt đỏ, bố mẹ cần đưa trẻ đi khám kịp thời để giúp bác sĩ điều trị đúng cách. Ngày nay, điều trị đau mắt đỏ cho trẻ thường được bác sĩ chỉ định theo những nguyên tắc sau:
- Do virus gây ra: Phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh có thể sẽ tự khỏi sau khoảng 1 tuần. Nếu tình trạng viêm nhiễm vẫn tái diễn, bác sĩ có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt kháng sinh để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng thứ cấp, không sử dụng thuốc kháng sinh bởi vì thuốc không mang lại tác dụng điều trị.
- Do vi khuẩn gây ra: Dùng thuốc kháng sinh hoặc sử dụng thuốc nhỏ mắt, thuốc mỡ tra mắt kháng sinh để giúp điều trị.
- Do dị ứng: Dùng thuốc điều trị dị ứng, thuốc nhỏ mắt để giúp làm dịu và giảm viêm.
- Sử dụng một số loại thuốc giảm ngứa, giảm đau, thuốc hạ sốt,… để làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng bệnh, giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn.
- Chườm ấm, chườm mát để làm giảm cảm giác khó chịu do sưng, viêm.
- Vệ sinh mắt cẩn thận bằng nước ấm, bông gòn để giúp loại bỏ bớt các tác nhân gây bệnh, giúp cho bé nhanh hồi phục.
- Cách ly trẻ tại nhà để giảm thiểu các nguy cơ gây bệnh cho các trẻ khác.
- Đồng thời, bố mẹ cũng cần chăm sóc trẻ với một chế độ hợp lý, để trẻ nghỉ ngơi nhiều cũng như ăn đủ chất, uống đủ nước và hạn chế việc dụi tay vào mắt,…
Bố mẹ cần tuân thủ theo phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra để trẻ có thể hồi phục nhanh nhất. Các bậc phụ huynh tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc nhỏ mắt, thuốc kháng sinh,… cho trẻ uống bởi có thể sẽ dẫn đến nhiều nguy hại khó lường. Nếu trong quá trình điều trị mà trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường thì bố mẹ nên đưa trẻ đi khám lại ngay để được xử trí kịp thời.
Cách phòng ngừa trẻ bị đau mắt đỏ tại nhà
Đau mắt đỏ ở trẻ em thường sẽ gây ra nhiều khó chịu cho bé. Để giúp bé cho nhanh chóng khỏi bệnh và giảm các triệu chứng, bố mẹ có thể áp dụng một số biện pháp chăm sóc tại nhà như sau:
- Vì viêm kết mạc do vi khuẩn, virus có thể sẽ rất dễ lây lan, phụ huynh nên hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên với nước ấm và xà phòng. Phụ huynh cũng cần đảm bảo việc rửa tay sạch sẽ trước khi chạm vào mắt trẻ.
- Không để trẻ tiếp xúc gần với những người mắc viêm kết mạc truyền nhiễm.
- Không để trẻ dùng chung khăn lau, thuốc nhỏ mắt, khăn giấy, vỏ chăn, vỏ gối,… với những người khác.
- Vứt bỏ gạc, bông gòn và khăn giấy sau khi sử dụng.
- Giặt riêng khăn lau, khăn tắm, drap giường, vỏ gối của trẻ với nước ấm.
- Nếu trẻ là đối tượng dễ mắc viêm kết mạc do dị ứng, bố mẹ nên đóng cửa sổ, cửa ra vào khi có nhiều phấn hoa và bụi. Nên hút bụi thường xuyên để giúp loại bỏ các tác nhân dị ứng.
- Một cách để phòng ngừa viêm kết mạc cho trẻ, nhất là trẻ sơ sinh là sàng lọc cũng như điều trị các bệnh lây qua đường tình dục cho phụ nữ mang thai. Ống sinh của thai phụ có thể chứa vi khuẩn kể cả khi không có các triệu chứng.
Trường hợp cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ?
Điều quan trọng nhất là trẻ cần phải khám bệnh viêm kết mạc càng sớm càng tốt. Điều quan trọng trong viêm kết mạc là sự phát hiện các biến chứng của bệnh. Những biến chứng này thường biểu hiện như:
- Đau trong mắt.
- Nhạy cảm với ánh sáng, nhìn mờ không cải thiện khi tiết dịch chảy ra từ mắt.
- Tình trạng đỏ dữ dội trong mắt.
- Các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn hoặc sẽ không cải thiện, gồm cả đau mắt đỏ được cho là do vi khuẩn gây ra, không cải thiện sau 24 giờ sử dụng kháng sinh.
- Cơ địa miễn dịch suy yếu, nhiễm HIV, điều trị ung thư hoặc các điều kiện hoặc những phương pháp điều trị y tế khác.
Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo và không thay thế cho lời khuyên của bác sĩ. Nếu thấy có bất kỳ triệu chứng đỏ mắt nào xuất hiện ở trẻ, hãy đưa trẻ đến bác sĩ để được khám cũng như điều trị nhanh chóng để ngăn ngừa lây lan cho người khác và giảm đau cho trẻ.