Đau thắt ngực: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa
Đau thắt ngực là triệu chứng kinh điển báo hiệu bệnh tim thiếu máu cục bộ, hay còn có tên gọi khác là bệnh động mạch vành. Động mạch vành là các mạch máu cung cấp máu nuôi trái tim. Khi chức năng hệ mạch vành suy yếu, việc cung cấp máu cho tim sẽ bị giảm, dẫn đến các triệu chứng đau thắt ngực xuất hiện với nhiều mức độ nặng khác nhau.
Do động mạch vành bị co thắt, nên người bệnh cảm thấy đau như bị ép hoặc thắt chặt ở sau xương ức hoặc vùng trước tim. Bệnh nhân thường mô tả cảm giác đè nặng vùng trước ngực gây khó thở, hoặc như có ai đó siết chặt lồng ngực mình lại.

Kèm theo có thể là tình trạng toát mồ hôi nhiều, tay chân tái lạnh, hoặc buồn nôn, nôn. Nếu cơn đau thắt ngực không được ngăn chặn và mức độ đau còn tăng lên có thể dẫn đến bệnh nhồi máu cơ tim, rất nguy hiểm cho tính mạng người bệnh. Chính vì vậy, cần đề phòng cơn đau thắt ngực.
Càng ăn ít chất béo, muối càng tốt
Để phòng ngừa bệnh, cần ăn ít chất béo, ít muối, vì ăn quá nhiều các chất trên có thể gây ra cơn đau thắt ngực do làm tăng huyết áp. Trong ăn uống, người ta lưu ý: không ăn quá 170g thịt, hải sản hay thịt gà vịt mỗi ngày; chỉ nên ăn thịt nạc; không ăn da gà, vịt; không ăn gan tim thận vì chứa nhiều cholesterol; dùng dầu thực vật với lượng vừa phải; chỉ dùng sữa và các sản phẩm sữa đã tách bơ; nên tăng lượng trái cây rau tươi và ngũ cốc hàng ngày.
Loại bỏ/Hạn chế các yếu tố nguy cơ
Nếu có huyết áp cao phải khống chế huyết áp ở mức bình thường. Người có mỡ máu cao cần phải giảm cân dần dần bằng ăn uống hợp lý kèm luyện tập thể dục thể thao vừa sức. Nếu có bệnh đái tháo đường kèm theo thì phải tích cực chữa trị bằng chế độ ăn, luyện tập và thuốc. Sinh hoạt phải có nền nếp, sống vui tươi, tránh căng thẳng quá mức về mặt tinh thần.
Bỏ hút thuốc lá
Đây là biện pháp rất tốt để đề phòng cơn đau thắt ngực vì: – Hút thuốc làm cho các tiểu cầu dính vào nhau nên làm tăng tắc nghẽn mạch máu. – Hút thuốc làm giảm tác dụng của thuốc trị bệnh. Người ta ghi nhận cơn đau thắt ngực giảm đi ở người bỏ hút thuốc lá.
Tập luyện thể dục – thể thao
Các nhà khoa học thấy rằng, tập luyện thể dục – thể thao rất quan trọng đối với người bị đau thắt ngực. Phải tập luyện đều đặn mỗi ngày ít nhất 30 phút, từ từ, vừa với sức mình (không đòi hỏi gắng sức) và phải phối hợp với chế độ ăn thích hợp thì mới mang lại hiệu quả.
Việc kiên trì tập luyện với ăn kiêng nghiêm ngặt sẽ làm huyết áp hạ, cholesterol máu giảm, và nguy cơ xuất hiện cơn đau thắt ngực sẽ giảm. Trong các môn thể dục thể thao thì đi bộ là hợp lý nhất.
Nên đi bộ hàng ngày, tốc độ không nhanh lắm, khoảng 5km/giờ, ít nhất 5 ngày /tuần. Đi bộ còn làm giúp gắn kết canxi vào xương giúp xương chắc khỏe. Cũng có thể tập các môn như: Thái cực quyền, Yoga, bơi lội, khí công dưỡng sinh…
Khi có dấu hiệu rối loạn như cùng tập luyện ở mức độ đó như thường ngày, hoặc tập ít hơn, hoặc đang nghỉ ngơi lại thấy đau thắt ngực không như trước đây thì phải đi bệnh viện khám ngay để được xử trí kịp thời.
FAQs
1. Đau thắt ngực là gì?
Đau thắt ngực là cơn đau hoặc cảm giác ép chặt ở vùng ngực, thường xảy ra khi cơ tim không nhận đủ oxy do tắc nghẽn mạch máu hoặc các vấn đề về tim mạch.
2. Nguyên nhân gây đau thắt ngực?
- Bệnh mạch vành: Là nguyên nhân phổ biến nhất, xảy ra khi mạch máu cung cấp oxy cho tim bị hẹp hoặc tắc nghẽn.
- Căng thẳng hoặc lo âu: Có thể gây đau ngực tạm thời do tăng huyết áp và nhịp tim.
- Rối loạn cơ xương khớp: Các vấn đề về cơ ngực hoặc xương sườn cũng có thể gây cảm giác đau ngực.
- Cơn đau do viêm màng ngoài tim: Viêm màng ngoài tim có thể gây đau thắt ngực sắc nét.
3. Triệu chứng của đau thắt ngực là gì?
- Đau ngực: Cảm giác như có vật nặng đè lên ngực, đôi khi lan ra vai, cổ hoặc cánh tay trái.
- Khó thở: Có thể cảm thấy mệt mỏi hoặc hụt hơi khi cơn đau xuất hiện.
- Đổ mồ hôi, buồn nôn: Đôi khi kèm theo các triệu chứng này, đặc biệt trong cơn đau thắt ngực nghiêm trọng.
4. Cách phòng ngừa đau thắt ngực?
- Duy trì lối sống lành mạnh: Ăn uống cân đối, tập thể dục đều đặn và kiểm soát cân nặng.
- Kiểm soát căng thẳng: Thực hành các kỹ thuật thư giãn như yoga hoặc thiền.
- Hạn chế hút thuốc và uống rượu: Đây là những yếu tố nguy cơ gây tắc nghẽn mạch máu.
- Kiểm soát huyết áp và cholesterol: Thường xuyên kiểm tra và điều trị các vấn đề liên quan đến huyết áp và mức cholesterol cao.
5. Khi nào cần đi khám bác sĩ nếu bị đau thắt ngực?
Nếu cơn đau thắt ngực kéo dài, tái phát hoặc kèm theo khó thở, đổ mồ hôi, buồn nôn, bạn cần đến bệnh viện ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.