Những điều cần biết về ung thư xương
Ung thư xương là sự phát triển không kiểm soát của các tế bào ác tính trong xương, làm ảnh hưởng đến chức năng và cấu trúc của xương. Không chỉ đe dọa tính mạng, bệnh còn gây tàn phế, mất chức năng chi thể, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu về biểu hiện của ung thư xương, các chẩn đoán và phòng ngừa ung thư xương như thế nào qua bài viết này nhé.
Biểu hiện của ung thư xương
Dấu hiệu sớm của ung thư xương:
Thường thì đây là các nhóm biểu hiện xuất hiện vào giai đoạn đầu của bệnh. Tuy rằng các biểu hiện không quá rõ ràng, dễ bị bỏ qua nhưng nếu tinh ý thì người bệnh vẫn có thể tự theo dõi được:
- Người trẻ tuổi, chưa bước vào độ tuổi trung niên (thường trong khoảng 30 – 40 tuổi) xuất hiện các biểu hiện nhức mỏi tay chân, xương khớp yếu, vô lực như người cao tuổi.
- Khi thực hiện các hoạt động ngoài trời cần đến thể trạng khỏe mạnh thì tay chân lại đau nhức, bị tê tại vùng khớp hoặc không dồn sức, dồn lực được.
- Đặc biệt, tại các khu vực xương đau nhức, khi sờ hoặc xoa bóp nhẹ sẽ cảm thấy ấm hơn các vùng da khác.
Triệu chứng của ung thư xương giai đoạn phát triển
Đau xương
Đây là triệu chứng thường gặp nhất. Đau có thể xuất hiện ở bất kỳ xương nào, nhưng thường thấy ở các xương dài như xương chân hoặc xương tay. Cơn đau có thể trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm hoặc khi hoạt động.
Sưng và nổi cục
Khi xương có u thì hiện tượng xương bị sưng, biến dạng là điều dễ hiểu. Mô xương có xu hướng nhô ra ngoài và lồi lõm dị thường. Vùng da tại khu vực có xương bị nổi u cũng dễ bị tấy, sưng đỏ hơn các khu vực khác.
Gãy xương
Khi bị ung thư xương, các chức năng xương sẽ bị rối loạn. Chúng gần như mất khả năng chống chịu với ngoại lực, thậm chí khi đã gãy thì rất lâu lành, khó lành, đôi khi khiến bệnh nhân bị liệt chân dù chân đã bó bột.
Triệu chứng toàn thân
Bệnh nhân có dấu hiệu tinh thần mệt mỏi, cơ thể suy nhược hoặc kiệt quệ, thường xuyên sốt nhẹ và giảm cân nhanh nhưng không rõ nguyên nhân.
Ung thư xương được chẩn đoán như thế nào?
Việc chẩn đoán ung thư xương đòi hỏi một quy trình kiểm tra kỹ lưỡng để xác định chính xác tình trạng bệnh. Các bước chẩn đoán bao gồm:
Khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ kiểm tra các triệu chứng, vị trí đau và sưng. Thông qua việc hỏi bệnh nhân về tiền sử bệnh và các triệu chứng hiện tại.
Thực hiện các phương pháp chẩn đoán:
- Chụp X-quang xương thẳng – nghiêng : Nhằm đánh giá các phần mềm bị xâm lấn, xác định ranh giới, vị trí và số lượng tổn thương.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) vùng xương tổn thương: Đánh giá mức độ lây lan của tổn thương trong tủy xương, xương hoặc ngoài xương.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Đánh giá tổn thương xâm lấn trong xương, mô mềm, mạch máu, tủy xương và thần kinh
- Chụp xạ hình xương: Theo dõi, xác định mức độ tổn thương và đánh giá sự tối ưu trong điều trị.
- Chụp PET CT: Theo dõi và nhận biết sarcoma xương tái phát, sarcoma phần mềm và di căn xa. Phân biệt cụ thể các thương tổn lành tính hay ác tính.
- Sinh thiết: Sinh thiết kim lớn hoặc mở giúp bác sĩ phân loại, chẩn đoán và đánh giá mức độ ác tính của thương tổn.
- Các phương pháp xét nghiệm khác: Xét nghiệm các marker ung thư và các thăm dò cơ quan khác như chụp phổi, siêu âm các cơ quan, chụp sọ não,…
Phòng tránh ung thư xương hiệu quả
Hiện tại chưa có cách nào để ngăn ngừa được ung thư xương. Việc phát hiện bệnh sớm là hy vọng tốt nhất để điều trị bệnh thành công. Hầu hết các nguy cơ bên trong như chẳng hạn như tuổi tác, một số bệnh về xương và tình trạng di truyền… đều không thể thay đổi được.
Ngoài việc tiếp xúc với bức xạ (thường là trong quá trình xạ trị), không có nguyên nhân gây ung thư xương nào liên quan đến lối sống hoặc môi trường. Vì vậy tại thời điểm này không có cách nào để chống lại bệnh ung thư này. Tuy nhiên bạn có thể thực hiện một số phương pháp sau để giảm thiểu nguy cơ ung thư xương:
Ăn uống cân bằng
Đảm bảo chế độ ăn giàu canxi và vitamin D để duy trì xương chắc khỏe. Các loại thực phẩm như sữa, cá hồi, và rau xanh là nguồn cung cấp canxi và vitamin D tốt.
Tập thể dục đều đặn
Tập thể dục giúp tăng cường sức mạnh xương và cơ bắp, giúp xương khỏe mạnh hơn và giảm nguy cơ mắc các bệnh về xương.
Tránh tiếp xúc với phóng xạ
Những người đã từng tiếp xúc với phóng xạ ở mức cao, chẳng hạn như qua điều trị ung thư khác, cần thực hiện các biện pháp bảo vệ và kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm ung thư xương.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Đặc biệt với những người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư hoặc các hội chứng di truyền liên quan. Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Ung thư xương là một căn bệnh nguy hiểm nhưng với sự tiến bộ của y học, khả năng điều trị và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân đã được cải thiện đáng kể. Việc nhận biết sớm các triệu chứng và tìm kiếm sự chăm sóc y tế kịp thời là vô cùng quan trọng. Nếu bạn hoặc người thân có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ, hãy đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn.