Dinh dưỡng cho người viêm đại tràng mãn tính
Viêm đại tràng mãn tính là căn bệnh không phải hiếm gặp ở nước ta, bệnh rất khó để điều trị dứt điểm và hay tái phát, khiến người bệnh không chỉ chịu nỗi khổ tiêu hóa, ăn uống mà còn thường trực nỗi lo ung thư đại tràng.
Bệnh viêm đại tràng mãn tính là gì?
Viêm đại tràng mãn tính là tình trạng viêm đại tràng kéo dài dẫn đến mãn tính, nghĩa là tình trạng viêm nhiễm đại tràng đã ở mức độ nặng, gây tổn thương khu trú hay lan tỏa đến niêm mạc đại tràng.
Viêm đại tràng mãn tính nhẹ có thể khiến niêm mạc đại tràng dễ tổn thương, chảy máu, nặng sẽ xuất hiện những vết loét, xung huyết, thậm chí là áp xe.
Ở nước ta, viêm đại tràng mãn tính là bệnh đường tiêu hóa thường gặp, ước tính có đến 20% dân số mắc viêm đại tràng mãn tính, tỉ lệ này ngày càng gia tăng nhanh chóng.
Viêm đại tràng mãn tính nếu không điều trị có thể có nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Chế độ ăn uống cho người viêm đại tràng mãn tính
Người bị viêm đại tràng nên ăn các loại thực phẩm như:
- Các loại hoa quả dễ tiêu hóa mà vẫn mang nhiều dinh dưỡng như quả bơ, hoặc các loại rau củ chứa nhiều chất xơ và vitamin C như bí đao, rau ngót, rau muống, rau cải,…
- Thực phẩm giàu axit béo omega 3 như hạt lanh, quả óc chó,…hoặc các loại cá.
- Các loại thịt nạc, trứng gà hay các loại hạt giàu protein sẽ bổ sung phần nào lượng protein đã bị mất trong cơ thể do việc viêm loét gây ra.
- Các loại nước ép từ củ quả có chứa nhiều vitamin, đặc biệt là vitamin A và chất chống oxy hóa như cà rốt sẽ giúp phần nào việc cải thiện sức khỏe cho người bị viêm đại tràng.
- Bột yến mạch đặc biệt tốt cho người bệnh, đặc biệt với loại yến mạch không có các hương vị phụ gia.
- Các loại thức ăn có chứa men vi sinh probiotic như dưa cải, miso và sữa chua sẽ góp phần đẩy lùi các vi khuẩn có hại trong đại tràng và kích thích quá trình hấp thụ thức ăn.
Thực đơn cần đầy đủ các chất dinh dưỡng
Người viêm đại tràng mãn tính nên kiêng ăn gì?
Người bệnh viêm đại tràng mãn tính không nên ăn các thực phẩm sau để tránh gia tăng các triệu chứng:
- Các sản phẩm từ sữa: Bởi người bệnh viêm đại tràng thường có triệu chứng không dung nạp với đường sữa lactose có trong bơ sữa, đặc biệt là sữa bò
- Các chất kích thích: như rượu bia, cà phê, trà, chocolate chất tạo ngọt nhân tạo, các loại soda gây kích ứng đường tiêu hóa, tăng chứng ợ hơi ở người bệnh viêm đại tràng mãn tính
- Rau có màu đậm, rau có quá nhiều chất xơ gây khó tiêu hóa, đau bụng, điển hình như bắp cải, cải brussel và bông cải xanh.
- Thực phẩm nhiều dầu mỡ: Người bệnh viêm đại tràng mãn tính cần tránh mỡ động vật, đồ ăn nhanh, đồ chiên xào… khiến bệnh càng nghiêm trọng hơn khi hấp thụ.
- Đồ ăn có nhiều đường sẽ khiến người bệnh đầy hơi, chướng bụng, ợ nóng và tiêu chảy.
- Thực phẩm cay nóng: Như lẩu thái, mì cay, ớt, tiêu…gây kích thích hoặc làm nặng thêm tình trạng viêm, đau, loét đại tràng.
- Hải sản tươi sống khiến người bệnh đau bụng nhanh chóng, đi ngoài. Các loại hải sản cần được chế biến chín trước khi ăn.
Hạn chế uống bia rượu, thức uống gây kích thích.
Lưu ý khi áp dụng chế độ dinh dưỡng
Mặc dù người bị viêm đại tràng có khả năng cao bị suy dinh dưỡng, nhưng không thể sử dụng quá nhiều thức ăn để thúc đẩy tình hình mà phải dựa vào các yếu tố bệnh tình để xây dựng lượng chất dinh dưỡng khoa học nhất. Để xây dựng được chế độ dinh dưỡng cho người viêm đại tràng một cách hợp lý phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Chất béo: hạn chế tối đa việc sử dụng các loại mỡ động vật hoặc các loại thức ăn chứa nhiều dầu mỡ. Người bệnh chỉ nên tiêu thụ khoảng 10 – 15g chất béo trong 1 ngày.
- Protein (hay còn được gọi là chất đạm): đây là thành phần lớn góp phần giúp tăng trọng lượng cơ thể, vì vậy lượng dinh dưỡng cũng cần được ưu tiên, nhưng cũng không được quá nhiều. Một ngày cơ thể người bệnh chỉ nên tiêu hóa khoảng 60 – 80g chất đạm.
- Chất bột đường nên sử dụng khoảng 300g mỗi ngày.
- Luôn bổ sung đủ nước, vitamin và muối khoáng cho cơ thể người bệnh.
Cần xây dựng được chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người viêm đại tràng
Bên cạnh các tiêu chí về lượng chất dinh dưỡng hấp thụ thì việc tránh các loại thức ăn quá cứng hoặc đồ sống cũng phải được gia đình và người bệnh lưu ý. Đặc biệt các thực phẩm cứng, sắc nhọn sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp tới thành đại tràng, gây viêm loét rộng hơn.