Dọa sảy thai ra máu bao lâu? Dấu hiệu, nguyên nhân và lưu ý
Dọa sảy thai là tình trạng thường gặp, đặc biệt là những người mới mang thai lần đầu, khiến các mẹ lo lắng. Vậy, doạ sảy thai ra máu bao lâu và có những dấu hiệu cũng như nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu chi tiết về tình trạng này nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân và thai nhi nhé!
Dọa sảy thai là gì?
Dọa sảy thai hay còn gọi là động thai, là tình trạng thai phụ gặp ra máu âm đạo và đau bụng bất thường. Tuy nhiên, thai nhi vẫn còn sống trong tử cung và chưa bị bong ra khỏi lớp niêm mạc. Nguyên nhân chính gây ra hiện tượng này thường là do tổn thương bánh nhau, một phần bánh nhau bị bóc tách.
Đáng chú ý, trong một số trường hợp, dọa sảy thai có thể diễn ra mà không có bất kỳ triệu chứng nào rõ ràng, chỉ phát hiện khi đi khám thai định kỳ và siêu âm. Nhiều mẹ bầu lo lắng khi gặp tình trạng dọa sảy thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng dẫn đến sảy thai và tỷ lệ thai nhi phát triển khỏe mạnh sau khi bị dọa sảy khá cao.
Theo các chuyên gia sản khoa, khoảng 83% trường hợp dọa sảy thai vẫn có thể giữ được thai và thai nhi tiếp tục phát triển bình thường. Trong đó, tỷ lệ biến chứng nặng dẫn đến sảy thai chỉ chiếm 1/7 trường hợp. Nếu tình trạng nhẹ, được phát hiện sớm và điều trị kịp thời theo hướng dẫn của bác sĩ, khả năng giữ thai thành công vẫn rất cao.
Dọa sảy thai là tình trạng thai phụ gặp ra máu âm đạo và đau bụng bất thường
Doạ sảy thai ra máu bao lâu?
Thời gian ra máu do dọa sảy thai có thể kéo dài từ 1 đến 2 tuần, nhưng tùy vào mức độ chảy máu và cảm giác đau bụng sẽ khác nhau ở mỗi người, tùy thuộc vào:
- Tuổi thai: Phụ nữ mang thai lâu hơn thường có lượng hormone hCG và progesterone cao hơn, giúp duy trì thai kỳ. Do đó, tình trạng ra máu do dọa sảy thai có thể kéo dài vài ngày hoặc vài tuần.
- Mang đa thai: Phụ nữ mang thai đa thai (sinh đôi, sinh ba…) có thể có nguy cơ dọa sảy thai cao hơn, dẫn đến thời gian ra máu kéo dài hơn.
- Quá trình đào thải mô và nhau thai: Lượng mô và nhau thai cần được đào thải trong quá trình dọa sảy thai cũng ảnh hưởng đến thời gian ra máu.
Tìm hiểu vấn đề doạ sảy thai ra máu bao lâu
Các dấu hiệu dọa sảy thai thường gặp
Chảy máu âm đạo trong 20 tuần đầu thai kỳ có thể là dấu hiệu dọa sảy thai thường gặp, theo đó mẹ bầu cần cẩn thận quan sát những biểu hiện sau:
- Màu sắc dịch tiết: Hồng nhạt, đỏ sẫm, đen hoặc vài giọt máu lẫn dịch nhầy.
- Cảm giác đau: Đau tức hoặc âm ỉ ở vùng bụng dưới.
- Kết quả siêu âm: Cổ tử cung đóng kín, có thể có dấu hiệu bong nhau dọa sảy.
Các dấu hiệu dọa sảy thai phổ biến và thường gặp
Nguyên nhân gây dọa sảy thai
Bên cạnh quan tâm doạ sảy thai ra máu bao lâu, việc nắm được các nguyên nhân tác động tiềm ẩn đến thai nhi và gây ra nguy cơ dọa sảy cũng rất cần thiết, cụ thể:
- Sự phát triển của thai nhi phụ thuộc vào nhiễm sắc thể, nhưng những sai sót trong cấu trúc nhiễm sắc thể có thể dẫn đến bất thường thai nhi, khiến thai không thể phát triển khỏe mạnh và dẫn đến dọa sảy thai.
- Yếu tố Rh (Rhesus) trong nhóm máu đóng có vai trò quan trọng trong thai kỳ, nếu mẹ và bé có nhóm máu không tương thích, cơ thể mẹ có thể sản sinh ra kháng thể tấn công tế bào máu của thai nhi.
- Bụng bầu va chạm mạnh do tai nạn, ngã hay hoạt động mạnh có thể gây tổn thương tử cung, ảnh hưởng đến thai nhi.
- Xoa bụng bầu/núm vú quá nhiều.
- Căng thẳng, stress, mệt mỏi kéo dài ảnh hưởng đến nội tiết tố, tác động tiêu cực đến thai kỳ và thai nhi.
- Lao động nặng nhọc, ăn uống thiếu chất dinh dưỡng khiến cơ thể mẹ suy nhược, không đủ điều kiện nuôi dưỡng thai nhi.
- Thuốc lá, rượu bia, dùng các chất kích thích hay tiếp xúc với hóa chất độc hại,… có thể gây hại cho thai nhi và dẫn đến dọa sảy thai.
- Nhau thai có vai trò quan trọng trong việc cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi, nhưng các vấn đề về nhau thai như bong nhau thai, nhau thai bám thấp… gây dọa sảy thai.
- Những bệnh lý tiềm ẩn như: Viêm nhiễm phụ khoa, bệnh tuyến giáp, tiểu đường, cao huyết áp, béo phì, các bệnh về thận, nhiễm trùng,…
- Nạo phá thai nhiều lần có thể khiến niêm mạc tử cung mỏng, ảnh hưởng đến khả năng bám dính của thai nhi.
- Rối loạn tự miễn khiến cơ thể mẹ tấn công các tế bào khỏe mạnh, bao gồm cả tế bào thai.
Một số nguyên nhân gây dọa sảy thai phổ biến
Giải đáp: Các thắc mắc khác về hiện tượng dọa sảy thai
Ngoài câu hỏi về doạ sảy thai ra máu bao lâu, với những mẹ mới mang thai lần đầu cũng có một số câu hỏi đặt ra như sau:
Doạ sảy thai nên nghỉ bao nhiêu ngày?
Nếu tình trạng nhẹ, bạn có thể chỉ cần nghỉ ngơi tại nhà 1-2 ngày, nhưng nếu tình trạng nặng hơn, bạn có thể cần phải nhập viện để được theo dõi và điều trị. Trường hợp mẹ bầu có sức khỏe yếu hoặc có các bệnh lý nền, thời gian nghỉ ngơi có thể cần kéo dài hơn.
Khi bị dọa sảy thai, bạn nên làm gì?
Nếu gặp phải tình trạng bị dọa sảy, trước tiên hãy bình tĩnh và thực hiện các bước sau để đảm bảo sức khỏe cho bé:
- Đi khám bác sĩ ngay lập tức: Đây là điều quan trọng nhất để đảm bảo an toàn cho thai nhi, bác sĩ sẽ tiến hành các chẩn đoán cần thiết để xác định nguyên nhân gây ra tình trạng dọa sảy thai và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
- Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ: Bác sĩ có thể yêu cầu bạn nghỉ ngơi tại giường, tránh vận động mạnh, hạn chế quan hệ tình dục, sử dụng thuốc theo chỉ định,… Việc tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp thai nhi có cơ hội phát triển tốt hơn.
- Giữ tinh thần thoải mái: Căng thẳng và lo lắng có thể khiến tình trạng dọa sảy thai trở nên tồi tệ hơn. Do vậy, bạn cần giữ tinh thần thoải mái, lạc quan và tập trung vào việc nghỉ ngơi và hồi phục sức khỏe.
- Ăn uống đủ dinh dưỡng: Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng sẽ cung cấp cho cơ thể bạn những dưỡng chất cần thiết để phục hồi sức khỏe và hỗ trợ thai nhi phát triển. Hãy ưu tiên các thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và protein.
- Tránh xa các chất kích thích: Chúng có thể gây hại cho thai nhi và làm tăng nguy cơ sảy thai.
Khi bị dọa sảy thai hãy đi khám bác sĩ ngay lập tức
Tư thế nằm của mẹ bầu thế nào khi bị dọa sảy thai?
Trong giai đoạn 3 tháng đầu, khi bụng bầu chưa to ra, cơ thể còn nhẹ, linh hoạt thì mẹ có thể nằm ngủ thoải mái, chỉ cần tránh nằm sấp và nằm gục xuống bàn. Tư thế nằm nghiêng bên trái, duỗi chân trái và co chân phải là tư thế được khuyến khích nhất cho bà bầu bị dọa sảy thai bởi vì:
- Ngủ nghiêng trái giúp giảm áp lực của tử cung lên các tĩnh mạch, lưng và các cơ quan nội tạng, giúp máu và các chất dinh dưỡng lưu thông dễ dàng đến nhau thai.
- Tư thế nằm khi bị tụ dịch màng nuôi là nằm nghiêng trái giúp ngăn ngừa sự tích tụ chất lỏng giữa màng nuôi và thai nhi, từ đó giảm nguy cơ tụ dịch màng nuôi.
- Nằm nghiêng trái giúp tử cung co bóp tốt hơn, đây là tư thế nằm để sản dịch ra nhanh hơn.
Doạ sảy thai nên ăn gì?
Ngoài việc nắm được doạ sảy thai ra máu bao lâu, mẹ bầu cũng nên quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng, nên bổ sung các loại thực phẩm:
- Thịt nạc cung cấp protein, sắt, choline và vitamin B (thịt lợn, thịt gà, thịt bò).
- Trứng cung cấp choline, tốt cho sự phát triển não bộ của thai nhi và ngăn ngừa dị tật.
- Rau sẫm màu và bông cải xanh giàu vitamin, khoáng chất cần thiết cho thai kỳ (vitamin C, A, K, sắt, kali, canxi, folate).
- Sữa và các sản phẩm từ sữa nhằm cung cấp protein, canxi giúp giảm nguy cơ loãng xương và hỗ trợ phát triển hệ xương cho bé.
- Trái cây giàu vitamin C như: Cam, ổi, dâu tây, bơ…
- Các loại hạt chứa nhiều vitamin B, folate, vitamin K và chất béo tốt.
Doạ sảy thai ra máu bao lâu và nên ăn gì để hồi phục sức khỏe?
Nên uống gì khi bị dọa sảy thai?
Tùy vào nguyên nhân gây dọa sảy thai, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp cho tình trạng của mẹ bầu như:
- Thuốc giảm co thắt: Giúp làm thư giãn tử cung, giảm co bóp và ngăn ngừa sảy thai.
- Thuốc nội tiết bổ sung progesterone: Progesterone là hormone quan trọng giúp duy trì thai kỳ. Nếu nồng độ progesterone thấp, bác sĩ có thể kê thuốc bổ sung dạng tiêm hoặc uống để hỗ trợ thai kỳ.
- Globulin miễn dịch Rh: Nếu mẹ có nhóm máu Rh âm tính và thai nhi có nhóm máu Rh dương tính. Bác sĩ có thể tiêm globulin miễn dịch Rh để ngăn ngừa cơ thể mẹ tạo ra kháng thể chống lại máu của thai nhi, gây ảnh hưởng đến thai kỳ sau này.
Trên đây là tổng quan thông tin về việc dọa sảy thai ra máu bao lâu cũng như những nguyên nhân và dấu hiệu hay gặp. Dọa sảy thai là tình trạng thường gặp, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ, tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng dẫn đến sảy thai và tỷ lệ thai nhi phát triển khỏe mạnh vẫn khá cao. Do đó, mẹ bầu cần giữ tinh thần lạc quan, tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và có chế độ sinh hoạt hợp lý để bảo vệ sức khỏe và bé nhé!
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.