Đối tượng nào dễ mắc bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota nhất?
Rotavirus là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng tiêu chảy cấp đặc biệt ở trẻ nhỏ. Vậy nguyên nhân gây bệnh là gì? Cách điều trị ra sao? Hãy tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Nguyên nhân tiêu chảy cấp do virus Rota
Tác nhân gây bệnh:
- Tác nhân gây bệnh là do Rotavirus. Virus Rota được chia thành thành 7 nhóm A, B, C, D, E, F và G, trong đó chỉ có nhóm A, B, C gây bệnh cho người. Nhóm A hay gặp nhất, gây ra hầu hết các đợt dịch tiêu chảy nặng ở trẻ em, nhóm B và C thường gây các đợt dịch lẻ tẻ, hay gặp ở trẻ lớn và người trưởng thành. Trên thế giới, ghi nhận chủ yếu là 4 chủng G1P8, G3P8, G4P8, G2P4; ở Việt Nam, chủng G1P8 chiếm đa số.
- Khả năng tồn tại trong môi trường: Virus Rota sống bền vững trong môi trường, có thể sống nhiều giờ trên bàn tay và nhiều ngày trên các bề mặt rắn. Loại virus này vẫn ổn định và có khả năng gây bệnh khi sống trong phân một tuần. Virus bị bất hoạt nhanh chóng khi bị xử lý bằng EDTA (ethylendiamintetracetic acid), ở nhiệt độ cao trên 450C. Chúng bị bất hoạt ở pH < 3 hoặc pH > 10, nhưng có sức đề kháng tốt đối với Clo và Ete.
Nguồn truyền nhiễm:
- Ổ chứa: Người là ổ chứa virus Rota duy nhất. Các loại virus Rota ở động vật như chó, mèo, ngựa… không gây bệnh ở người.
- Yếu tố truyền bệnh: Là phân của bệnh nhân hoặc người lành mang virus Rota. Phân sẽ làm ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguồn nước. Ngoài ra, có thể gây ô nhiễm thực phẩm và các vật dụng khác
Rotavirus là nguyên nhân hàng đầu gây tình trạng tiêu chảy cấp
Đối tượng tượng nguy cơ dễ mắc bệnh
Trẻ em là đối tượng dễ mắc tiêu chảy do Rotavirus, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi. Người lớn cũng có thể nhiễm loại virus này dù triệu chứng bệnh có xu hướng nhẹ hơn.
Một số yếu tố gây tiêu chảy cấp do virus Rota bao gồm:
- Tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với vật dụng, đồ ăn có nhiễm virus Rota
- Trẻ bú bình, ăn uống không đảm bảo vệ sinh
- Nguồn nước bị nhiễm virus Rota
- Xử lý phân và chất thải có chứa virus Rota không đúng cách
- Không rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh hoặc trước và sau khi ăn
- Người chăm sóc người bị tiêu chảy do virus Rota.
- Người có hệ miễn dịch suy yếu như: người cao tuổi, bệnh nhân HIV…
Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc tiêu chảy do virus Rota
Phương pháp điều trị bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tiêu chảy do virus Rota. Điều trị tiêu chảy cấp do virus Rota bằng kháng sinh không có hiệu quả. Ở thể nhẹ không có biến chứng, bệnh thường tự khỏi sau 3 – 4 ngày. Việc điều trị chủ yếu phòng biến chứng, bù nước và điện giải khi mất nước.
Một số cách chăm sóc tại nhà như:
- Uống nhiều nước bao gồm cả nước lọc, nước canh rau, nước khoáng không có gas. Đặc biệt là bổ sung oresol bù nước điện giải theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng theo lứa tuổi. Đối với trẻ sơ sinh thì nên tăng cường bú mẹ. Nếu uống sữa mà bị tiêu chảy nhiều thì nên đổi sáng loại sữa không có lactose. Đối với trẻ nhỏ và người lớn nên ăn thực phẩm dạng lỏng. Chia làm nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày.
- Nếu trẻ đang trong độ tuổi bú mẹ, bú bình cần vệ sinh tiệt trùng bình, núm vú và dụng cụ pha sữa kỹ hơn. Tuyệt đối không dùng thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ nhỏ nếu không có chỉ định của bác sĩ vì các thuốc này dễ làm giảm nhu động ruột gây liệt ruột.
Trong trường hợp mất nước nghiêm trọng, người bệnh có thể cần nhập viện để điều trị. Tại đây, bác sĩ có thể chỉ định dịch truyền tĩnh mạch để xử lý tình trạng mất nước cũng như đưa ra các phương án điều trị khác tùy thuộc tình trạng bệnh.
Trên đây là một số thông tin về bệnh tiêu chảy do virus Rota. Nếu bạn gặp phải một trong những dấu hiệu trên, bạn nên thăm khám để điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra.