Felodipine là thuốc gì? Những điều bạn cần biết trước khi sử dụng thuốc
Felodipine, một chất chẹn kênh canxi, được chỉ định trong điều trị bệnh tăng huyết áp, đồng thời làm giảm rủi ro đau tim, đột quỵ hay các vấn đề về thận hiệu quả. Vậy, cần lưu ý điều gì khi sử dụng loại thuốc này? Trường hợp dùng quá liều gây ra những ảnh hưởng tiêu cực nào? Hãy cùng Pharmacity giải đáp các thắc mắc trên ngay trong bài viết sau.
Mô tả về Felodipine
Felodipine là một loại thuốc có tác dụng cải thiện tình trạng huyết áp, bao gồm các hàm lượng như:
- Dạng viên nén giải phóng kéo dài: 2,5mg; 5mg và 10mg.
- Dạng viên nén bao phim giải phóng kéo dài (có chứa felodipine cùng với enalapril maleat): 2,5mg/5mg và 5mg/5mg.
Chỉ định khi dùng Felodipine
Bằng cách chẹn kênh calci, Felodipine làm giãn mạch và cải thiện lưu lượng máu một cách tốt hơn. Vì thế, chúng được dùng để điều trị cho những người bị tăng huyết áp hoặc ngăn ngừa tình trạng đau thắt ngực.
Dược lực học của thuốc Felodipine
Khi ở nồng độ thấp, Felodipine giúp ức chế calci vào trong tế bào cơ trơn nên có thể tác động vào quá trình điện sinh lý và cơ học, làm giảm trương lực động mạch và hạ huyết áp. Ngoài ra, thuốc giúp các mạch máu nhỏ giãn ra, từ đó máu dễ dàng lưu thông đến các cơ quan như tim, thận và não. Đồng thời, thuốc còn giúp lợi tiểu nhẹ, bài tiết natri trong thời gian ngắn, hạn chế giữ nước và muối trong quá trình điều trị.
Bên cạnh đó, Felodipine có tính chất chọn lọc cao, vì vậy khi người bệnh uống thuốc sẽ không gây tác dụng trực tiếp lên sự co bóp hay dẫn truyền của tim. Song với tác dụng cải thiện bệnh huyết áp, Felodipine làm tăng cường khả năng gắng sức, giảm tần suất các cơn đau thắt ngực ở bệnh nhân. Thậm chí, chúng còn giảm hậu gánh thất trái, nên giảm nhu cầu oxy cung cấp cho cơ tim, cải thiện sự cân bằng giữa cung và cầu oxygen ở cơ tim và chống co thắt ở khu vực động mạch vành.
Dược động học của thuốc Felodipine
Đi kèm với dược lực học, dược động học của thuốc Felodipine gồm có:
- Hấp thụ: Viên nén Felodipine phóng thích kéo dài đảm bảo hấp thụ hoàn toàn qua đường tiêu hóa và cung cấp nồng độ thuốc huyết tương ổn định trong khoảng 24 giờ. Trong đó, sinh khả dụng của thuốc là 15% và không phụ thuộc vào liều lượng uống.
- Phân bố: Có khoảng 99% Felodipine trong máu sẽ liên kết với protein, cụ thể là albumin.
- Chuyển hóa: Felodipine được chuyển hóa thông qua gan (việc chuyển hóa lần đầu sẽ qua CYP3A4) và hầu hết các chất chuyển hóa đều không hoạt động.
- Thải trừ: Thuốc Felodipine mất khoảng 25 giờ để đào thải một nửa lượng thuốc ra khỏi cơ thể. Phần lớn thuốc được đào thải ra ngoài qua nước tiểu, còn lại một phần nhỏ được thải qua phân.
Tương tác giữa Felodipine và các loại thuốc khác
Felodipine chuyển hóa thông qua CYP3A4 nên các loại thuốc có thể gây ức chế CYP3A4, như ketoconazol, erythromycin, cimetidin, nước bưởi chùm, itraconazol và làm tăng nồng độ thuốc có trong máu. Ngoài ra, một số thuốc cũng gây tương tác với Felodipine, gồm:
- Dantrolen: Dễ gây trụy tim mạch cấp và tăng kali huyết.
- Phenytoin, Carbamazepin, Phenobarbital, Oxacarbazepin, Primidon: Khiến nồng độ Felodipine trong máu giảm do cảm ứng enzym làm tăng chuyển hóa ở gan.
- Baclofen, thuốc chống trầm cảm có họ imipramine, thuốc an thần: Dễ làm tăng rủi ro hạ huyết áp.
- Rifampicin: Làm giảm nồng độ Felodipine huyết tương.
- Thuốc chẹn beta: Làm hạ huyết áp quá mức, gây suy tim không thể kiểm soát.
- Các corticoid: Gây giảm tác dụng của Felodipine.
- Cyclosporin, dẫn chất prostacyclin, dasatinib, quinupristin, các chất ức chế protease: Làm tăng tác dụng của thuốc Felodipine.
- Clopidogrel: Khi dùng chung với Felodipine làm giảm tác dụng của Clopidogrel.
- Felodipine gây giảm tác dụng của thuốc khác: Gồm natri nitroprusiat, rituximab, tacrolimus, phenytoin, amifostine, muối magnesi, thuốc ức chế thần kinh cơ và cơ chất của CYP2C8.
Chống chỉ định khi dùng Felodipine
Các đối tượng sau tuyệt đối không dùng thuốc hoặc nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống Felodipine, bao gồm:
- Người bị quá mẫn với chất Felodipine hay dihydropyridin.
- Người mắc suy tim mất bù hoặc chưa thể kiểm soát được.
- Trong tình trạng đau thắt ngực không ổn định.
- Người bị nhồi máu cơ tim cấp (khoảng 1 tháng) hoặc hẹp động mạch chủ.
Liều lượng & cách dùng Felodipine
Thuốc Felodipine được dùng cho người lớn với liều lượng phụ thuộc vào tình trạng bệnh, như:
- Người bị tăng huyết áp:
- Liều khởi đầu: 5mg/ngày và uống 1 lần. Nên điều chỉnh liều lượng sau 2 tuần dùng thuốc, bạn có thể giảm xuống 2,5mg/ngày hay tăng lên 10g/ngày (hoặc dùng kèm với thuốc chống tăng huyết áp khác).
- Liều duy trì: 2,5 – 20mg/ngày và uống 1 lần vào buổi sáng.
- Người mong muốn phòng ngừa đau thắt ngực: 5mg/ngày và dùng 1 lần buổi sáng, có thể tăng lên 10mg/ngày khi cần thiết.
- Các đối tượng khác:
- Người lớn tuổi hay suy gan nặng: 2,5mg/ngày và tăng tối đa 5mg/ngày.
- Người suy thận: Không nên điều chỉnh liều trong trường hợp độ thanh thải creatinin lớn hơn 30ml/phút/1,73m2 hoặc có thể dùng kết hợp giữa Felodipine và enalapril. Đồng thời, khi tình trạng suy thận trở nặng thì cần điều chỉnh liều theo hướng dẫn từ bác sĩ.
Bạn nên uống thuốc Felodipine trước bữa sáng hoặc cùng bữa ăn nhẹ. Do thuốc được bào chế là dạng giải phóng kéo dài, vì vậy mà khi uống, bạn cần nuốt nguyên viên thuốc, không được nhai, nghiền hoặc bẻ vỡ thuốc.
Tác dụng phụ khi dùng Felodipine
Trong quá trình sử dụng Felodipine, các tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra, như:
- Triệu chứng thường gặp: Mặt đỏ bừng, tim đập nhanh, bị phù mạch hoặc đau đầu khó chịu.
- Triệu chứng ít gặp: Buồn nôn, phát ban, da bị ngứa, đau bụng, chóng mặt, đặc biệt ở người đã bị viêm lợi nhẹ có thể khiến tình trạng viêm lợi nặng hơn.
- Hiếm gặp: Nổi mề đay, phù mạch, sốt, cảm giác đau cơ và đau khớp, tim đập loạn nhịp, nôn mửa, ngất, buồn nôn, cảm giác hồi hộp, tiểu dắt, rối loạn chức năng sinh dục. Thậm chí đối với người mắc bệnh mạch vành thì Felodipine có thể làm đau ngực từ 15 – 20 phút sau khi uống thuốc.
Lưu ý khi dùng Felodipine
Để đảm bảo sức khỏe và đạt hiệu quả điều trị tốt nhất, người bệnh cần lưu ý những vấn đề sau:
- Không nên dùng thuốc Felodipine cho trẻ em.
- Nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi dùng thuốc cho người cao tuổi và người bị suy gan nặng.
- Cẩn trọng hơn nếu dùng Felodipine cho người gặp rối loạn chức năng thất trái vì dễ gây suy tim, nhất là khi kết hợp với thuốc ức chế beta giao cảm.
- Ngưng dùng thuốc ngay khi nhận thấy cơ thể bị đau thắt ngực hoặc bị sốc tim.
- Không dùng Felodipine cùng với các thuốc cảm ứng, thuốc ức chế mạnh enzyme CYP3A4 và nước ép bưởi chùm.
- Thuốc có thể gây phù nề ở người bị đầy hơi, sưng mặt, bàn tay, cánh tay, cẳng chân,… hay khiến chân bị ngứa và tăng/giảm cân đột ngột.
- Đối với chị em đang có thai hay cho con bú cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng Felodipine.
- Đối với người lái xe hoặc thường xuyên vận hành máy móc nên cẩn thận khi dùng Felodipine vì chúng có thể gây đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt,…
Trường hợp quá liều khi dùng Felodipine
Việc dùng quá liều thuốc thể gây giãn mạch ngoại vi quá mức hoặc kèm theo các triệu chứng như tụt huyết áp và chậm nhịp tim. Khi đó, bạn nên dùng than hoạt và rửa dạ dày khoảng 1 giờ sau khi uống thuốc trong. Trường hợp huyết áp tụt quá thấp, người bệnh nên nằm yên, kê cao chân và đầu. Nếu nhịp tim chậm, có thể cần tiêm thuốc atropin tĩnh mạch từ 0,5 – 1mg để tăng nhịp tim.
Nếu các biện pháp hỗ trợ không mang lại hiệu quả, cần tiến hành tăng thể tích huyết tương bằng cách truyền glucose, dextran hay nước muối sinh lý. Ngoài ra, việc sử dụng các loại thuốc cường giao cảm có công dụng mạnh trên alpha – adrenoceptor cũng được bác sĩ áp dụng nếu các cách kể trên không thể cải thiện tình trạng bệnh.
Như vậy, Felodipine kết hợp với các thảo dược có thể mang lại hiệu quả tốt hơn trong việc điều trị tăng huyết áp. Để đảm bảo an toàn khi sử dụng nhiều loại thuốc cùng lúc, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn cụ thể hơn nhé!