Thuốc dùng ngoài Gentri-sone trị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, viêm da (tuýp 10g)
Danh mục
Hoạt chất
Chỉ định
Dạng bào chế
Nơi sản xuất
Quy cách
Lưu ý
Đặt thuốc theo toa
Tải lên đơn thuốc của bạn để nhận sự tư vấn và hỗ trợ từ các dược sĩ của chúng tôi.
Mô tả sản phẩm
Kem Gentrisone là gì ?
Thông Tin Sản Phẩm
- Tên sản phẩm: Gentri-sone
- Loại sản phẩm: Kem bôi da
- Đóng gói: Tuýp 10g
Thành phần của Kem Gentrisone
Thành phần
Gentamicin 10mg, Betamethasone dipropionate 6.4mg, Clotrimazole 100mg
Công dụng của Kem Gentrisone
Chỉ định
Thuốc Gentrisone được chỉ định dùng trong các trường hợp viêm da dị ứng có kèm nhiễm khuẩn, nhiễm nấm:
- Giảm các đợt viêm và ngứa của bệnh viêm da và dị ứng da đáp ứng với corticosteroid: Chàm cấp và mạn tính, viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng, viêm da tăng tiết bã nhờn, liken phẳng mạn tính, viêm da bong vảy, mề đay, bệnh vảy nến, ngứa hậu môn, âm hộ, vết bỏng nhẹ hay vết đốt côn trùng.
- Điều trị nấm da do Candida albicans và lang ben do Malassezia furfu. Điều trị nấm thân (lác, hắc lào), nấm bẹn và nấm bàn chân do Trichophyton rubrum, T.mentagrophytes, Epidermophyton floccosum, hoặc Microsporum canis gây ra.
- Nhiễm trùng bề mặt da do các chủng vi khuẩn nhạy cảm gây ra.
Dược lực học
Phân nhóm dược lý: Thuốc trị bệnh ngoài da.
Mã ATC: D07AC01 (Betamethasone), D01AC01 (Clotrimazol), D06AX07 (Gentamicin).
Thuốc chứa Betamethason, một Glucocorticoid mang đặc tính chung của Corticosteroid, Clotrimazol kháng nấm nhóm Imidazol và Gentamicin thuốc kháng sinh một Glucocorticoid mang Aminoglycosid.
Corticosteroid dùng tại chỗ có hiệu quả trong điều trị nhiều loại bệnh về da do có tính kháng viêm, chống ngứa và gây co mạch.
Clotrimazol có tác động kháng vi nấm do ức chế sinh tổng hợp Ergosterol. Sự ức chế sinh tổng hợp Ergosterol dẫn đến suy giảm cấu trúc và chức năng của màng tế bào chất của vi nấm. Clotrimazol có phổ kháng nấm rộng, bao gồm các nấm gây bệnh ngoài da, nấm men, nấm mốc, vv... Clotrimazol cũng có tác động trên Streptococci, Staphylococci, Gardnerella Vaginalis và Bacteroides.
Gentamicin có một vài tác động lên tế bào của vi khuẩn nhạy cảm. Thuốc tác động lên sự toàn vẹn của màng tế bào và chuyển hoá của ARN, nhưng quan trọng nhất là tác động ức chế sinh tổng hợp protein ở vị trí Ribosome 30S. Các chủng nhạy cảm với Gentamicin bao gồm các chủng Streptococcus nhạy cảm (tan máu Alpha và Beta nhóm A), Staphylococcus Aureus (Coagulase dương tính hoặc âm tính, và một vài chủng sinh Penicillinase), và các vi khuẩn Gram âm, Pseudomonas Aeruginosa, Aerobacter Aerogenes, Escherichia Coli, Proteus Vulgaris, và Klebsiella Pneumoniae.
Dược động học
Thuốc Gentrisone 10g dùng trong điều trị các bệnh ngoài da và dùng để bôi tại chỗ. Do đó dược động học liên quan đến sinh khả dụng của thuốc tại vị trí tác động rất ít.
Clotrimazol phân bố vào lớp biểu bì sau khi bôi tại chỗ nhưng sự hấp thu vào tuần hoàn chung (nếu có) rất ít.
Mức độ hấp thu qua da của các corticosteroid dùng tại chỗ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm chất mang, độ toàn vẹn của da và sự băng đắp. Corticosteroid dùng tại chỗ khi hấp thu vào tuần hoàn chung sẽ gắn kết với protein huyết tương và được chuyển hoá tại gan và bài tiết qua thận. Vài corticosteroid và chất chuyển hoá cũng được bài tiết qua mật.
Tác dụng phụ
Khi sử dụng thuốc Gentrisone, bạn có thể gặp các tác dụng không mong muốn.
-
Rát và châm chích, phát ban, phù, dị cảm và các dạng nhiễm trùng khác trên da.
-
Ban đỏ, phồng rộp, bong da, ngứa, mề đay, da bị kích ứng, khô da, viêm nang lông, rậm lông, nổi mụn, da sạm màu hoặc nhạt màu, viêm da quanh miệng, các phản ứng dị ứng da, ứng da, teo da, xước và đỏ da, bầm da, nhìn mờ và nhạy cảm.
Ở trẻ em: Ức chế trục hạ đồi - tuyến yên - thượng thận (HPA), hội chứng Cushing và tăng áp lực nội sọ.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Khi gặp tác dụng phụ của thuốc, cần ngưng sử dụng và thông báo cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Lưu Ý
Trước khi sử dụng thuốc Gentrisone 10g, bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tham khảo thông tin bên dưới.
Chống chỉ định
Thuốc Gentrisone chống chỉ định trong các trường hợp sau:
-
Quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc, với các corticosteroid hoặc imidazol khác.
-
Nhiễm trùng do virus như herpes simplex, giời leo (zona), thuỷ đậu, u mầm lây (Molluscum contagiosum), mụn cóc, sởi và rubella, bệnh tay - chân - miệng...
-
Lao da, giang mai, bệnh Behcet.
-
Bỏng độ hai trở lên.
Thận trọng khi sử dụng
Độc tính toàn thân và cục bộ thường xảy ra, nhất là khi dùng thuốc kéo dài trên một vùng da bị tổn thương sâu và rộng, trên vùng da bị gấp cong hoặc bị băng đắp. Nếu dùng thuốc cho trẻ em hoặc khi bôi lên mặt thì tốt nhất là chỉ dùng trong 5 ngày. Tránh dùng thuốc kéo dài ở tất cả người bệnh, bất kể tuổi tác.
Corticosteroid dùng tại chỗ có thể gây một số bất lợi khi điều trị vẩy nến (tái phát ngược lại do sự dung nạp thuốc tăng lên, nguy cơ phát triển rộng vẩy nến thể mủ, độc tính toàn thân hoặc tại chỗ do chức năng bảo vệ của da bị suy giảm). Cần theo dõi cẩn thận.
Sự hấp thu của Corticosteroid dùng tại chỗ vào máu có thể gây ức chế thuận nghịch trục hạ đồi - tuyến yên - thượng thận (HPA), gây thiếu hụt Glucocorticosteroid sau khi ngưng điều trị. Hội chứng cushing cũng có thể xảy ra. Cần theo dõi định kỳ các dấu hiệu ức chế trục HPA ở người bệnh dùng steroid mạnh với liều cao và bôi trên một vùng da rộng. Nếu xảy ra tình trạng ức chế trục HPA, nên tìm cách ngưng thuốc, giảm số lần dùng thuốc hoặc thay thế bằng một Corticosteroid yếu hơn. Chức năng trục HPA thường hồi phục ngay và hoàn toàn sau khi ngưng thuốc. Thỉnh thoảng, các dấu hiệu và triệu chứng ngưng steroid có thể xảy ra, cần bổ sung Corticosteroid đường toàn thân.
Rối loạn thị giác có thể xảy ra khi dùng Corticosteroid tại chỗ (bao gồm đặt trực tràng, đường mũi hay đường mắt) hoặc đường toàn thân. Nếu người bệnh có các triệu chứng như nhìn mờ hoặc các rối loạn khác về thị giác thì nên đi khám chuyên khoa để đánh giá nguyên nhân, có thể là do đục thuỷ tinh thể, Glaucom hoặc các bệnh hiếm như hắc võng mạc trung tâm thanh dịch (Central Serous Chorioretinopathy - CSCR), xuất hiện sau khi dùng Corticosteroid tại chỗ hoặc đường toàn thân.
Tất cả các tác dụng phụ của Corticosteroid đường toàn thân, kể cả ức chế tuyến thượng thận, có thể xảy ra khi dùng Corticosteroid tại chỗ, nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Trẻ nhỏ thường nhạy cảm với độc tính toàn thân hơn người lớn do tỷ lệ giữa diện tích da và thể trọng lớn hơn. Biểu hiện của sự ức chế tuyến thượng thận ở trẻ nhỏ bao gồm L chậm phát triển, chậm tăng cân, giảm nồng độ cortisol huyết tương và sự không đáp ứng với các kích thích ACTH. Biểu hiện của tăng áp lực nội sọ bao gồm thóp phồng, đau to say đầu và phù gai thị giác hai bên.
Kinh nghiệm về việc dùng thuốc cho trẻ dưới 12 tuổi còn hạn chế.
Thuốc này chứa propylparaben và methylparaben nên có thể gây các phản ứng dị ứng có thể xuất hiện chậm.
Khả năng lái xe và vận hành máy móc
Thuốc hầu như không ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc.
Thời kỳ mang thai
Chưa có bằng chứng đầy đủ về tính an toàn của thuốc trong thai kỳ.
Clotrimazol không gây quái thai ở động vật nhưng có thể gây độc tính cho thai nhi khi uống liều cao.
Dùng corticosteroid tại chỗ trên động vật đang mang thai có thể làm thai nhi phát triển bất thường, bao gồm hở hàm ếch và thai chậm phát triển. Vì vậy, có thể có nguy cơ rất nhỏ xảy ra các tác động này trên thai người. Do đó chỉ nên dùng thuốc này trong thai kỳ nếu lợi ích của thuốc lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn đối với thai nhi và nếu phải dùng thuốc thì không nên dùng nhiều như bôi một lượng thuốc lớn hoặc dùng trong thời gian dài.
Thời kỳ cho con bú
Chưa rõ liệu các thành phần của thuốc có bài tiết vào sữa người hay không. Vì vậy, nên thận trọng khi dùng thuốc cho bà mẹ đang cho con bú.
Tương tác thuốc
Chưa có nghiên cứu về tương tác thuốc.
Cách dùng Kem Gentrisone
Cách dùng
Bôi một lượng nhỏ kem Gentrisone lên vùng tổn thương một hoặc vài lần trong ngày.
Liều dùng
Bôi một lớp kem mỏng và xoa nhẹ nhàng lên vùng da bị tổn thương 2 lần/ngày.
Thời gian điều trị phụ thuộc vào mức độ và vị trí bệnh, đáp ứng của người bệnh. Nếu không có sự cải thiện trên lâm sàng sau 1 – 2 tuần dùng thuốc thì nên chẩn đoán lại.
Không băng đắp vùng da bị tổn thương khi dùng thuốc.
Không bôi thuốc vào mắt.
Nếu dùng thuốc cho trẻ em, không nên dùng quá 5 ngày ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể.
Không bôi thuốc quá 5 ngày trên mặt, các vùng da bị gấp (như mặt trong đầu gối) hoặc trên một vùng da rộng.
Lưu ý: Liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh. Để có liều dùng phù hợp, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.
Làm gì khi dùng quá liều?
Quá liều cấp khi dùng thuốc ngoài da gần như không xảy ra và sẽ không dẫn đến các tình huống đe dọa đến tính mạng, tuy nhiên Corticosteroid khi dùng ngoài da có thể được hấp thu đủ để gây ra tác động toàn thân. Trong trường hợp này, nên áp dụng các biện pháp điều trị triệu chứng.
Ngộ độc cũng gần như không xảy ra khi vô tình nuốt phải thuốc. Các dấu hiệu ngộ độc xuất hiện sau khi vô tình nuốt phải thuốc nên được điều trị triệu chứng.
Làm gì khi quên 1 liều?
Bổ sung liều ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu thời gian giãn cách với liều tiếp theo quá ngắn thì bỏ qua liều đã quên và tiếp tục lịch dùng thuốc. Không dùng liều gấp đôi để bù cho liều đã bị bỏ lỡ.
Thông tin sản xuất
Bảo quản: Trong bao bì kín, nơi khô, nhiệt độ dưới 30°C.
Đóng gói: Tuýp 10g
Thương hiệu: Shinpoong Pharma (Hàn Quốc)
Nơi sản xuất: Việt Nam
Câu hỏi thường gặp là gì ?
-
Bôi thuốc Gentrisone thường xuyên được không?
- Nếu dùng thuốc cho trẻ em hoặc khi bôi lên mặt, thì tốt nhất là chỉ dùng trong 5 ngày. Tránh dùng thuốc kéo dài ở tất cả người bệnh, bất kể tuổi tác. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu để có thời gian điều trị phù hợp.
-
Thuốc Gentrisone dùng cho trẻ dưới 12 tuổi được không?
- Kinh nghiệm về việc dùng thuốc cho trẻ dưới 12 tuổi còn hạn chế. Không nên dùng thuốc cho trẻ dưới 12 tuổi.
-
Bỏng độ hai trở lên bôi thuốc Gentrisone được không?
- Không được bôi thuốc Gentrisone lên vết thương khi bị bỏng độ 2 trở lên.
-
Có nên băng vết thương sau khi bôi thuốc Gentrisone?
- Sau khi bôi thuốc Gentrisone không băng đắp vùng da bị tổn thương khi dùng thuốc.