Hesperidin là gì? Nguồn gốc, công dụng và những lưu ý khi sử dụng
Nếu bạn muốn tìm kiếm một giải pháp tự nhiên để giúp cải thiện sức khỏe tĩnh mạch? Hesperidin, một chất flavonoid có trong trái cây họ cam quýt, có thể sẽ là câu trả lời bạn đang tìm kiếm. Với khả năng bảo vệ thành mạch, tăng trương lực tĩnh mạch, Hesperidin giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh trĩ và giãn tĩnh mạch. Cùng Pharmacity khám phá những lợi ích tuyệt vời mà Hesperidin mang lại qua bài viết sau nhé.
Tổng quan về thuốc Hesperidin
Mô tả
- Tên thuốc gốc (Hoạt chất): Hesperidin
- Loại thuốc: Thuốc trị giãn tĩnh mạch, trị bệnh trĩ.
Dạng thuốc và hàm lượng
- Thuốc theo dạng viên nang/ viên nén bao phim.
- Hesperidin 50mg thường phối hợp cùng với Diosmin 450mg
Nguồn gốc
Vào năm 1828 Hesperidin được phân lập lần đầu tiên bởi nhà hóa học người Pháp Lebreton từ lớp bên trong màu trắng của vỏ cam quýt. Theo đó, hesperidin là một flavanon glycosid (flavonoid) có nhiều trong các loại quả thuộc họ chi Cam chanh. Tên gọi “hesperidin” bắt nguồn từ Hesperides trong thần thoại Hy Lạp. Đây là một hợp chất chống oxy hóa, đóng vai trò quan trọng đối với một số các loài thực vật.
Liều lượng và cách dùng của thuốc
Liều dùng thuốc Hesperidin sẽ còn phụ thuộc vào độ tuổi và tình trạng của người bệnh. Liều khuyến cáo cụ thể ở người trưởng thành như sau:
- Suy giãn tĩnh mạch: Uống 1 viên/lần x 2 lần/ngày vào mỗi buổi trưa và buổi tối.
- Cơn trĩ cấp: Uống 6 viên/ngày trong vòng 4 ngày đầu tiên, 3 ngày tiếp theo uống 4 viên/ngày và sau đó duy trì liều 2 viên/ngày.
- Bệnh trĩ mạn: Uống 2 viên/ngày
Dược lý và cơ chế hoạt động
Hesperidin có công dụng chống sự kết dính của tiểu cầu cũng như làm tăng tính thấm của mao mạch. Đây là một trong những tác dụng quan trọng của các flavonoid bởi nó giúp thành mạch bền vững hơn, chống lại các rối loạn thành mạch như xơ vữa động mạch, viêm tĩnh mạch gây tê, nhồi máu cơ tim, đau tay chân cũng như trĩ.
Theo đó, cơ chế tác động của hesperidin đối với các hệ thống tĩnh mạch bao gồm làm giảm sức căng cũng như tình trạng ứ trệ của tĩnh mạch, đồng thời bình thường hóa tính thấm và làm tăng sức bền của mao mạch. Hơn nữa, những tác dụng này cũng góp phần làm giảm thiểu một số triệu chứng của các bệnh về não như bệnh mất trí nhớ, Alzheimer và Parkinson,…
Chỉ định và chống chỉ định cho người dùng
Chỉ định
Thuốc trị tĩnh mạch (làm tăng trương lực tĩnh mạch), bảo vệ mạch (tăng sức kháng của các mạch máu nhỏ).
Được sử dụng trong điều trị các rối loạn tuần hoàn tĩnh mạch (tình trạng chân sưng, đau bứt rứt).
Điều trị các triệu chứng của cơn trĩ cấp và trĩ mạn.
Chống chỉ định
Chống chỉ định trong việc sử dụng thuốc ở người bệnh dị ứng với bất kỳ thành phần nào của Hesperidin.
Tương tác thuốc
Hesperidin dường như không gây tương tác với bất kỳ loại thuốc nào.
Một số tác dụng phụ khi dùng thuốc
Các trường hợp quá liều hesperidin chưa từng được ghi nhận. Tuy vậy, các tác dụng phụ thường sẽ xảy ra trong quá trình sử dụng thuốc bao gồm:
- Tác dụng phụ thường gặp: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, khó tiêu.
- Một số các tác dụng phụ hiếm gặp: Viêm đại tràng, chóng mặt, đau đầu, khó chịu, phát ban, ngứa, sẩn ngứa.
- Tác dụng phụ không xác định được tần suất: Phù cục bộ vùng mặt, đau bụng, sưng môi, sưng mí mắt, phù Quincke (tình trạng sưng đột ngột môi, vùng mặt, lưỡi, miệng hoặc họng gây khó thở).
Quá liều, quên liều và cách xử trí
Quá liều và độc tính
Hiện nay chưa có báo cáo về tình trạng quá liều.
Quên liều và cách xử trí
Nếu quên uống một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy vậy, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên sau đó uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Lưu ý không uống gấp đôi liều đã quy định.
Lưu ý khi sử dụng thuốc
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Hesperidin có thể kể đến như sau
- Bệnh nhân mắc trĩ cấp nếu khi điều trị bằng Hesperidin trong vòng 15 ngày mà triệu chứng không được thuyên giảm thì cần hỏi lại ý kiến bác sĩ.
- Người bệnh mắc suy tĩnh mạch mãn tính khi điều trị bằng thuốc Hesperidin nên phối hợp cùng với các liệu pháp tư thế, thay đổi các yếu tố có nguy cơ gây bệnh như việc hạn chế tình trạng đứng, ngồi quá lâu, tránh tình trạng phơi nắng và nhiệt, thường xuyên vận động như đi bộ, đi xe đạp, nhảy, mang vớ thun,…
- Người bệnh béo phì nên được luyện tập kết hợp cùng với chế độ ăn uống hợp lý để giúp giảm bớt cân nặng.
- Phụ nữ đang mang thai: Hiện nay vẫn chưa có báo cáo cho thấy ảnh hưởng của Hesperidin đối với thai nhi. Tuy nhiên, người bệnh nên thông báo cho bác sĩ khi đang mang thai, đặc biệt là trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ.
- Phụ nữ đang cho con bú: Hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu chứng minh khả năng bài tiết của thuốc qua sữa mẹ. Do đó, người bệnh không nên cho con bú trong thời gian điều trị bằng thuốc.
- Khả năng lái xe, vận hành máy móc: Thuốc không gây ảnh hưởng nhiều đến khả năng lái xe và vận hành máy móc.
Hesperidin thường được dung nạp tốt, tuy nhiên trong một số trường hợp hiếm hoi có thể sẽ gây ra các tác dụng phụ như rối loạn tiêu hóa. Do đó, trước khi sử dụng bất kỳ các sản phẩm bổ sung nào chứa Hesperidin, bạn nên thông báo ngay cho bác sĩ về tình trạng sức khỏe hiện tại và các loại thuốc đang sử dụng.