Nguyên nhân và cách khắc phục hiện tượng ra ít máu trước kỳ kinh nguyệt
Hiện tượng ra máu trước kỳ kinh nguyệt khiến nhiều chị em lo lắng và bất an. Hiện tượng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều chị em không biết nguyên nhân do đâu và cách khắc phục như thế nào. Cùng Pharmacity tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Hiện tượng ra máu trước kỳ kinh nguyệt khiến nhiều chị em lo lắng và bất an
Hiện tượng ra ít máu trước kỳ kinh nguyệt là như thế nào?
Để phân biệt và nhận biết hiện tượng ra ít máu trước kỳ kinh nguyệt có phải là do kinh nguyệt đến sớm hay là nó là dấu hiệu bất thường, bạn có thể xác định dựa vào lượng máu và thời gian ra máu.
- Nếu tình trạng này kéo dài vài ngày và cần mang băng vệ sinh để có thể kiểm soát lượng máu thì đây là dấu hiệu kinh nghiệm đến sớm.
- Nếu những đốm máu chỉ ra lấm tấm và không có các triệu chứng kinh nguyệt như đau ngực, đau lưng, đau bụng dưới,… thì rất có thể bạn đang gặp những vấn đề sức khỏe khác.
Hiện tượng ra ít máu trước kỳ kinh nguyệt là như thế nào?
Một số nguyên nhân hiện tượng ra ít máu trước kỳ kinh nguyệt
Các dấu hiệu của việc ra máu trước kỳ kinh có thể thay đổi tùy theo nguyên nhân gây ra và cơ địa của mỗi người. Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này:
Rối loạn kinh nguyệt
Một số người bị rối loạn kinh nguyệt thường sẽ có chu kỳ ngắn hoặc dài hơn so với bình thường. Khi dịch âm đạo chứa máu xuất hiện sớm và có lượng nhỏ thì hiện tượng ra ít máu trước kỳ kinh nguyệt có thể là một trong những dấu hiệu cho thấy kỳ kinh sắp bắt đầu, lượng máu kinh sẽ bắt đầu tăng lên sau đó.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn kinh nguyệt, bao gồm tình trạng tâm lý căng thẳng, cân nặng tăng giảm đột ngột, mãn kinh và nhiều nguyên nhân khác. Rối loạn này thường xảy ra thường xuyên và gây khó khăn trong việc tính toán chu kỳ kinh nguyệt, điều này có thể gây khó khăn trong việc thụ tinh. Để có thể biết nguyên nhân cụ thể, bạn nên đến gặp bác sĩ để được khám và tư vấn đầy đủ.
Bạn nên đến gặp bác sĩ để được khám và tư vấn đầy đủ
Do quan hệ tình dục
Quan hệ tình dục mạnh bạo hoặc chấn thương ở vùng kín có thể gây chảy máu bên trong, sau đó máu sẽ bị đẩy ra qua dịch âm đạo. Trường hợp tổn thương nhẹ, không gây quá nhiều đau đớn, bạn có thể tự theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, nếu thấy chảy quá nhiều máu âm đạo, bạn cần đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và chẩn đoán kịp thời.
Dùng các biện pháp tránh thai
Một số phụ nữ khi mới bắt đầu sử dụng các phương pháp ngừa thai nội tiết có thể gặp phải tình trạng mất cân bằng estrogen trong cơ thể, điều này sẽ dẫn đến sự xuất hiện của dịch âm đạo màu hồng nhạt. Trong hầu hết các trường hợp, dấu hiệu này không gây nguy hiểm, tuy nhiên vẫn cần theo dõi thêm cũng như tìm sự tư vấn từ bác sĩ.
Đối với trường hợp này, việc ngừng sử dụng các phương pháp tránh thai và tham khảo ý kiến của bác sĩ là cần thiết. Bác sĩ sẽ đánh giá mức độ và tư vấn các biện pháp tránh thai khác phù hợp với sức khỏe cũng như mong muốn cá nhân của họ.
Giai đoạn tiền mãn kinh
Nồng độ estrogen bất thường có thể là một trong những nguyên nhân của hiện tượng ra ít máu trước kỳ kinh nguyệt. Sự thay đổi của estrogen có thể có liên quan đến các biện pháp tránh thai đã đề cập ở trên, điều này có thể do cơ thể bạn bắt đầu vào giai đoạn tiền mãn kinh hoặc mãn kinh.
Khi gần đến tuổi mãn kinh, bạn có thể sẽ gặp tình trạng ra các đốm máu lấm tấm màu hồng hoặc nâu đi kèm với một số biểu hiện như: bốc hỏa, rụng tóc, chóng mặt,… là những dấu hiệu nhận biết hiện tượng ra ít máu trước kỳ kinh nguyệt do mãn kinh.
Ra máu trước kỳ kinh có thể do cơ thể bạn bắt đầu vào giai đoạn tiền mãn kinh hoặc mãn kinh
Hiện tượng ra máu báo thai
Quá trình làm tổ của trứng đã được thụ tinh có thể dẫn đến hiện tượng ra ít máu trước kỳ kinh nguyệt khi hợp tử di chuyển đến thành tử cung, tạo thành tổ trong nội mạc tử cung. Ở giai đoạn này, các mẹ có thể thấy khí hư màu hồng. Hiện tượng này thường xuất hiện từ 10 – 14 ngày sau khi thụ tinh thành công.
Nếu bạn có quan hệ tình dục mà không dùng biện pháp bảo vệ và thấy dịch màu hồng xuất hiện thì đây có thể là dấu hiệu của việc mang thai. Bạn có thể thử thai tại nhà bằng các que thử thai sẵn mua tại hiệu thuốc. Ngoài ra, bạn có thể kiểm tra các dấu hiệu khác của mang thai sớm như ốm nghén, mệt mỏi, tiểu nhiều hơn thường, đau ngực, thèm ăn hoặc chán ăn.
Một số dấu hiệu bệnh phụ khoa
Hiện tượng ra máu bất thường trước hoặc sau chu kỳ kinh nguyệt đôi khi là dấu hiệu của tình trạng sức khỏe tiềm ẩn. Một số bệnh phụ khoa có thể khiến phụ nữ ra ít máu nhưng không phải kinh nguyệt gồm có:
- Lạc nội mạc tử cung
- U nang buồng trứng
- U xơ tử cung
- Polyp tử cung
- Viêm vùng chậu
- Buồng trứng đa nang
- Nhiễm trùng lây qua đường tình dục
- Viêm nhiễm vùng kín
- Ung thư: nội mạc tử cung, buồng trứng và cổ tử cung.
Ngoài hiện tượng ra ít máu trước kỳ kinh nguyệt, mỗi bệnh lý cụ thể sẽ đi kèm các triệu chứng khác nhau. Một số dấu hiệu chung mà bạn cần chú ý và đến bệnh viện kiểm tra nếu gặp phải là:
- Sốt cao
- Tăng tiết dịch âm đạo
- Đau bụng và vùng chậu
- Đi tiểu thường xuyên
- Có vết loét hoặc cục u ở vùng sinh dục
- Chảy máu sau mãn kinh
- Tiểu buốt hoặc cảm thấy nóng rát khi đi tiểu
- Ngứa, sưng, rát, đỏ hoặc đau ở vùng âm đạo
- Dịch tiết âm đạo có mùi khó chịu hoặc có màu sắc khác thường.
Cách xử lý hiện tượng ra ít máu trước kỳ kinh nguyệt
Ra ít máu trước kỳ kinh có thể là của nguyên nhân liên quan đến bệnh lý phụ khoa, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như khả năng sinh sản. Do đó, khi có hiện tượng ra ít máu trước kỳ kinh nguyệt thì tốt nhất bạn nên đi khám để có thể tìm ra nguyên nhân và có chỉ định điều trị thích hợp.. Dưới đây là một số biện pháp mà bạn có thể áp dụng trong trường hợp gấp hoặc tạm thời để giảm bớt khó chịu:
- Sử dụng sản phẩm hỗ trợ: Dùng băng vệ sinh thấm hút hoặc tampon để có thể giúp kiểm soát lượng máu. Chọn sản phẩm dựa trên lượng máu mà bạn thấy mình ra.
- Nghỉ ngơi và giảm căng thẳng: Căng thẳng và mệt mỏi có thể làm tăng nguy cơ chảy máu trước kỳ kinh. Bạn nên dành thời gian để nghỉ ngơi và giảm căng thẳng.
- Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống lành mạnh và giàu chất sắt, vitamin C có thể giúp bạn duy trì sức khỏe cũng như giảm nguy cơ mất máu. Hạn chế thức ăn giàu natri, caffeine có thể giúp bạn kiểm soát việc ra máu.
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ: Vệ sinh vùng kín bằng dung dịch vệ sinh phù hợp, không thụt rửa khiến tình trạng thêm nghiêm trọng.
- Dùng nước ấm và nghệ: Nước ấm và nghệ được cho là có công dụng làm giảm cơn đau và hiện tượng ra ít máu trước kỳ kinh. Tuy nhiên, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thử.
- Chất chống co thắt tử cung: Nếu chảy máu trước chu kỳ kinh có liên quan đến co thắt tử cung, bác sĩ có thể đề xuất dùng các loại thuốc chống co thắt tử cung để giúp giảm triệu chứng.
- Tư vấn y tế: Nếu hiện tượng ra ít máu trước kỳ kinh diễn ra thường xuyên và kéo dài có đi kèm với triệu chứng nghiêm trọng, bạn nên tư vấn y tế từ bác sĩ. Bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm và kiểm tra để có thể xác định nguyên nhân gây ra tình trạng và đề xuất phương pháp điều trị phù hợp.
Lưu ý, việc tìm kiếm sự tư vấn từ bác sĩ là điều quan trọng nhất để có thể đảm bảo bạn nhận được chẩn đoán và điều trị chính xác cho tình trạng mà bạn đang gặp phải.
Bài viết trên đây đã chia sẻ chi tiết cho các bạn đọc những nguyên nhân cũng như các biện pháp xử lý hiện tượng ra ít máu trước kỳ kinh nguyệt. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích được cho các bạn. Chúc chị em thật nhiều sức khỏe.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.