Hội chứng chân không yên là gì? Biểu hiện thế nào?
Bạn hay có thói quen rung chân? Bạn tự hỏi mình có đang gặp hội chứng chân không yên? Hội chứng chân không yên có thể bắt đầu ở mọi lứa tuổi và có xu hướng trở nên tồi tệ hơn theo tuổi tác. Nó có thể làm gián đoạn giấc ngủ, cản trở các hoạt động hàng ngày.
Hội chứng chân không yên là gì?
Hội chứng chân không yên (Restless Legs Syndrome – RLS), hay bệnh Willis-Ekbom, là một rối loạn vận động mãn tính phổ biến, trong đó bệnh nhân có một sự thôi thúc không thể cưỡng lại để di chuyển chân của họ. Sự thôi thúc này thường không gây ra đau đớn nhưng lại là sự khó chịu và cần được giải tỏa bằng cách di chuyển chân, ngay cả khi bạn đang nghỉ ngơi.
Tỷ lệ bệnh nhân được chẩn đoán hội chứng chân không yên khá thấp và thường được phát hiện muộn. Rối loạn có thể bắt đầu từ thời thơ ấu, nhưng chẩn đoán thường không được thực hiện cho đến những năm 30 tuổi hoặc hơn. Các triệu chứng hội chứng chân không yên tồi tệ hơn khi nghỉ ngơi và ngủ. Ngày nay, tình trạng này có thể được điều trị bằng thuốc.
Những dấu hiệu và triệu chứng điển hình của hội chứng chân không yên
Bệnh nhân thường mô tả các cảm giác như con gì đang bò trên chân, có vật gì đang vẽ trên chân, ngứa, đang có dòng điện chạy qua… và tất cả đều khu trú ở các cấu trúc sâu hơn da.
Các triệu chứng điển hình như:
- Sự thôi thúc không thể kiểm soát để di chuyển chi dưới và cảm giác khó chịu đi kèm với nó.
- Sự thôi thúc di chuyển ít hơn vào ban ngày nhưng dần dần trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm. Các triệu chứng cũng xuất hiện khi nghỉ ngơi hoặc trong thời gian ngủ và không hoạt động.
- Sự thôi thúc di chuyển các chi dưới có thể được giảm bớt một phần hoặc hoàn toàn bằng các biện pháp duỗi người, lắc lư chân, đi bộ… Miễn là hoạt động được tiếp tục.
- Sự thôi thúc di chuyển tồi tệ hơn vào buổi tối và làm cho bệnh nhân không thể ngủ. Vì vậy, bệnh nhân thường mệt mỏi trong ngày.
- Sự hiện diện của các triệu chứng này không được quy cho các tình trạng như rối loạn vận động muộn, chuột rút ở chân, co thắt cơ hoặc các cảm giác khó chịu khác.
- Các cử động chân thường không tự nguyện, kéo dài khoảng 1 – 5 giây và tái phát sau 30 – 40 giây trong suốt giấc ngủ hoặc khi nghỉ ngơi.
- Tình trạng này thường xảy ra ở cả 2 bên cơ thể và có thể ảnh hưởng lên tới cánh tay.
Nguyên nhân nào gây ra hội chứng chân không yên?
Có hai loại hội chứng chân không yên, hội chứng chân không yên nguyên phát và hội chứng chân không yên thứ phát.
Hội chứng chân không yên nguyên phát
Thông thường, RLS là một rối loạn hệ thần kinh trung ương (CNS) nguyên phát. Bệnh vô căn này có thể di truyền trong 25-75% bệnh nhân RLS. Trong các trường hợp di truyền, RLS được quan sát thấy có các kiểu trội hoặc lặn NST thường. Bệnh nhân RLS di truyền có xu hướng biểu hiện sớm hơn (< 45 tuổi) với tiến triển bệnh chậm hơn. Trong một số trường hợp di truyền, tuổi khởi phát giảm dần ở các thế hệ kế tiếp đã được mô tả. Các yếu tố tâm thần, căng thẳng và mệt mỏi cũng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của RLS.
Hội chứng chân không yên thứ phát
Tình trạng này có thể xảy ra sau khi có một số rối loạn bao gồm:
- Thiếu sắt
- Bệnh thận giai đoạn cuối
- Đái tháo đường
- Bệnh thấp khớp
- Suy giãn tĩnh mạch
- Bệnh thần kinh ngoại biên
- Thiếu folate hoặc magnesi
- Bệnh Amyloidosis (là tập hợp các bệnh do sự rối loạn về cấu trúc và chuyển hóa protein gây ra rối loạn chức năng nội tạng và cuối cùng là tử vong)
- Hội chứng Fibromyalgia (hay còn gọi là đau cơ xơ hóa – là tình trạng xuất hiện các cơn đau nhức, ê ẩm khắp cơ thể đi kèm rối loạn giấc ngủ, nhận thức và tâm trạng)
- Bệnh celiac (Bệnh không dung nạp gluten – bệnh gây ra do phản ứng với gluten, không cho cơ thể hấp thu các thực phẩm có chứa gluten (lúa mì, các loại ngũ cốc như lúa mạch đen…)
- Nguyên nhân do sử dụng thuốc đã được biết là gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng của hội chứng chân không yên.
Tóm lại
Việc chẩn đoán và quản lý hội chứng chân không yên rất phức tạp. Tình trạng này có thể được giảm nhẹ và quản lý tốt nhất bởi một nhóm chuyên gia bao gồm y tá, bác sĩ thần kinh, bác sĩ nội khoa, bác sĩ vật lý trị liệu.
Bệnh nhân cần được giáo dục về việc thay đổi lối sống, không sử dụng các chất kích thích như trà, cà phê, rượu bia… để có một giấc ngủ tốt hơn, tập thể dục, xoa bóp chân thường xuyên và có những hoạt động giúp cho tâm trí tỉnh táo, dễ chịu.