Hướng dẫn cách bảo quản sữa mẹ an toàn và lưu trữ được lâu
Khi bắt đầu vắt sữa để dự trữ cho con, việc bảo quản sữa mẹ đúng cách là điều trọng mà mẹ nên thực hiện. Trong bài viết này Pharmacity sẽ hướng dẫn bạn các phương pháp lưu trữ sữa mẹ an toàn và hiệu quả.
Sữa mẹ bảo quản được bao lâu?
Tùy vào điều kiện môi trường và phương pháp bảo quản, thời gian lưu trữ sữa mẹ có thể khác nhau. Dưới đây là thời gian bảo quản sữa mẹ trung bình mà bạn có thể tham khảo:
- Nhiệt độ phòng (khoảng 25°C): Sữa mẹ mới vắt có thể được giữ ở nhiệt độ phòng trong 4 giờ (hoặc lên đến 6-8 giờ nếu được vắt rất sạch). Tuy nhiên, tốt nhất là bạn nên cho bé sử dụng ngay hoặc làm lạnh càng sớm càng tốt.
- Ngăn mát tủ lạnh (khoảng 4°C): Trong ngăn mát tủ lạnh, sữa mẹ có thể được bảo quản trong 4 ngày nếu điều kiện vệ sinh được đảm bảo.
- Ngăn đông tủ lạnh (khoảng −18°C): Sữa mẹ có thể được bảo quản lên đến 9 tháng.
- Tủ đông sâu (khoảng – 20°C): Với cách này, sữa mẹ có thể được bảo quản lên đến 12 tháng.
Hướng dẫn cách bảo quản sữa mẹ đúng cách theo từng nhiệt độ
Hướng dẫn các cách bảo quản sữa mẹ
Để bảo quản sữa mẹ lâu nhất có thể mà vẫn đảm bảo giữ được các dưỡng chất tốt nhất cho bé, bạn có thể thực hiện các cách dưới đây.
Trước khi vắt sữa cần làm gì?
Trước khi vắt sữa, yếu tố vệ sinh cần được chú trọng không chỉ trong quá trình bảo quản, mà còn ngay từ bước vắt sữa ban đầu. Các bước vệ sinh trước khi tiến hành vắt sữa như sau:
- Rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước hoặc dùng dung dịch rửa tay sát khuẩn có chứa ít nhất 60% cồn. Sữa mẹ có thể được vắt bằng tay, bằng máy bơm tay, hoặc máy hút điện.
- Nếu sử dụng máy bơm, kiểm tra bộ dụng cụ bơm và ống dây dẫn để đảm bảo vệ sinh. Lau sạch các nút bấm, công tắc nguồn và bề mặt máy bơm bằng khăn thấm dung dịch tẩy rửa.
- Vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ lưu trữ sữa mẹ bao gồm túi trữ sữa, bình trữ sữa hay cốc trữ sữa.
Rửa các dụng cụ hút sữa kỹ càng trước khi vắt sữa để đảm bảo an toàn vệ sinh
Cách bảo quản sữa mẹ sau khi vắt
Sau khi vắt sữa xong, để bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh đúng cách, hãy thực hiện theo hướng dẫn sau:
Chọn bình hoặc túi chứa sữa thích hợp:
- Sử dụng túi nhựa trữ sữa mẹ chuyên dụng hoặc bình đựng sạch có nắp đậy kín làm bằng thủy tinh hoặc nhựa.
- Tránh sử dụng các chai nhựa có ký hiệu tái chế số 7 vì chúng có thể chứa BPA.
- Không lưu trữ sữa mẹ trong các chai dùng một lần hoặc túi nhựa thông thường.
Thời gian lưu trữ cho sữa mẹ:
- Ở nhiệt độ phòng: Tối đa 4 giờ.
- Trong tủ lạnh: Tối đa 4 ngày.
- Trong tủ đông: Tốt nhất là khoảng 6 tháng, nhưng có thể lưu trữ lên đến 12 tháng.
Trong trường hợp không có tủ lạnh hoặc không thể bảo quản sữa mẹ vào tủ lạnh ngay, bạn có thể để sữa ở nhiệt độ phòng dưới 26°C. Tuy nhiên, sữa mẹ chỉ nên sử dụng trong vòng 4 giờ để đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), các điều kiện bảo quản sữa mẹ để đạt chất lượng tốt nhất được tóm tắt trong bảng sau:
Tình trạng sữa mẹ | Nhiệt độ phòng (19 đến 26°C) | Ngăn mát tủ lạnh (<4°C) | Ngăn đông tủ lạnh (-18 đến -20°C) |
Sữa mẹ mới vắt | 4 giờ | 4 ngày | 6 tháng – 12 tháng |
Sữa mẹ rã đông | Từ 1-2 giờ | 1 ngày | Không làm đông lại sữa mẹ đã rã đông |
Sữa trẻ chưa dùng hết sau mỗi cữ bú | Sử dụng trong vòng 2 giờ sau khi bé bú còn. Nếu trẻ không dùng nữa hãy bỏ đi khi quá 2 giờ. |
Một số lưu ý cần biết khi bảo quản sữa mẹ
Để bảo quản sữa mẹ đã vắt một cách tốt nhất, ngoài việc hiểu rõ các phương pháp bảo quản đúng cách, bạn cần lưu ý các điều sau:
- Ghi rõ ngày vắt sữa trên nhãn và dán vào bình đựng, bổ sung tên của bé nếu giao sữa cho cơ sở chăm sóc trẻ.
- Tránh lưu trữ sữa mẹ trong cửa tủ lạnh hoặc tủ đông vì nhiệt độ sẽ thay đổi khi mở và đóng cửa. Hãy đặt ở nơi lạnh nhất trong tủ và hạn chế di chuyển túi lưu trữ sữa.
- Trước khi cho vào tủ lạnh để bảo quản, tránh để sữa ở nơi có bức xạ, ánh nắng mặt trời hoặc các nguồn nhiệt khác.
- Lưu trữ sữa mẹ trong số lượng nhỏ, khoảng từ 60 – 120ml để tránh lãng phí và giúp sữa nhanh đông lạnh hơn.
- Chừa một khoảng không gian khi đông lạnh sữa mẹ vì sữa sẽ nở ra khi đóng băng.
Khi bảo quản sữa mẹ cần sử dụng túi trữ kín có nắp đậy
Hướng dẫn rã đông và hâm nóng sữa mẹ đúng cách
Sau khi bảo quản và trữ đông sữa mẹ, nếu mẹ muốn lấy sữa ra cho bé sử dụng, cần thực hiện các biện pháp sau đây:
- Dựa vào thời gian vắt sữa, mẹ sẽ lấy sữa vắt trước để làm ấm và cho bé dùng trước, sữa vắt sau sẽ cho bé dùng sau.
- Không nên rã đông sữa ở nhiệt độ phòng vì làm thế sẽ khiến vi khuẩn trong sữa tăng lên. Để rã đông sữa mẹ, bạn có thể lấy sữa từ ngăn đông xuống ngăn mát tủ lạnh vào đêm trước khi bạn định sử dụng. Khi sữa tan hoàn toàn, bạn nên cho bé dùng trong vòng 24 giờ.
- Đặt bình hoặc túi sữa vào bát nước ấm khoảng 40 độ C, hoặc hấp cách thủy sữa dần dần cho đến khi sữa đạt 40 độ C.
- Nhẹ nhàng đặt túi hoặc bình sữa dưới vòi nước ấm đang chảy để rã đông từ từ.
- Không nên rã đông sữa mẹ hoặc hâm sữa bằng lò vi sóng. Lò vi sóng có thể phá hủy chất dinh dưỡng trong sữa mẹ và có thể làm bỏng miệng trẻ.
- Lắc nhẹ chai sữa để phần váng sữa và sữa trộn lẫn với nhau. Đừng lắc quá mạnh vì sẽ làm phân hủy một số chất dinh dưỡng trong sữa.
- Hãy kiểm tra nhiệt độ trước khi cho bé bú, sữa phải ấm nhưng không được quá nóng.
- Nếu bé không hết sữa sau khi rã đông, phải bỏ đi, không được trữ lại hay làm đông lại.
Việc bảo quản sữa mẹ đúng cách cũng như tuân thủ các quy tắc và quy trình đúng chuẩn khi cho bé bú sữa đã được lưu trữ là điều rất quan trọng để đảm bảo an toàn và chất lượng sữa cho bé.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.