Hướng dẫn cách đặt thuốc phụ khoa an toàn và đúng cách
Thuốc đặt phụ khoa (viên đặt âm đạo hay thuốc đặt âm đạo) là một trong những dạng thuốc phổ biến được dùng để giúp chữa trị những vấn đề về sức khỏe phụ khoa. Tuy nhiên, để có thể sử dụng hiệu quả nhất, chị em cần có sự tư vấn của bác sĩ và lưu ý cách đặt thuốc phụ khoa đúng cách.
Thuốc đặt phụ khoa là sự lựa chọn đầu tiên khi mắc các bệnh phụ khoa
Thuốc đặt phụ khoa là gì?
Thuốc phụ khoa dạng đặt là dạng thuốc phổ biến và được sử dụng bên trong âm đạo.
Thuốc đặt phụ khoa có những đặc điểm chảy lỏng ở nhiệt độ cơ thể, đa số thuốc cho tác dụng tại chỗ nên sẽ tránh được một số tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, kích ứng dạ dày khi dùng đường uống.
Ngày nay, viên đặt phụ khoa đa dạng về hình dạng và kích cỡ, trong đó, phổ biến nhất là dạng viên đạn, viên nang trứng, viên nén.
Một ưu điểm khác của thuốc đặt phụ khoa là việc dùng thuốc sẽ trở nên kín đáo hơn, giúp cho người bệnh yên tâm trong suốt quá trình điều trị.
Thuốc đặt âm đạo là dạng thuốc phổ biến và được sử dụng bên trong âm đạo
Các loại thuốc đặt phụ khoa
Trước khi tìm hiểu cách đặt thuốc phụ khoa tại nhà, bạn cần biết thuốc đặt phụ khoa gồm những loại nào? Các loại thuốc đặt phụ khoa có thể được kể đến như:
Loại có chứa hormon estrogen
Estrogen làm niêm mạc âm đạo phát triển, có độ dày và độ mềm mại cần thiết, tiết dịch âm đạo, giao hợp sẽ có hứng thú, đặc biệt không đau. Estrogen tạo ra lượng glycogen dồi dào, tiết ra acid lactic giúp môi trường âm đạo có tính acid. Đây là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn có lợi phát triển, hạn chế vi khuẩn có hại.
Phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh có lượng estrogen giảm sút, gây trở ngại cho sinh hoạt tình dục, khiến cho các tác nhân gây bệnh dễ thâm nhập và phát triển. Những khó chịu trên sẽ được giảm thiểu nhờ thuốc đặt chứa hormone.
Loại chứa nhiều kháng sinh
Viêm âm đạo do nhiều vi khuẩn gây nên được gọi là viêm âm đạo không điển hình.
Trong trường hợp này, dùng thuốc đặt có chứa nhiều kháng sinh rất phù hợp bởi có thể tiêu diệt được nhiều loại vi khuẩn khác nhau. Tuy vậy, chị em cũng không nên lạm dụng thuốc này vì có thể gây mất cân bằng môi trường âm đạo hoặc gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Loại chứa một kháng nấm
Loại thuốc này để trị một tác nhân gây bệnh nhất định. Ví dụ như viên đặt clotrimazole trị nấm candida.
Thuốc đặt âm đạo có yêu cầu là hoạt chất phải tan ra được, có tác dụng tại chỗ và giúp giữ được môi trường âm đạo trong khoảng pH = 3,5 – 4,5, không gây kích ứng âm đạo.
Trường hợp nào cần đặt thuốc phụ khoa?
Viên đặt âm đạo có thể chứa hoạt chất kháng viêm, kháng nấm hay hormone sinh dục được dùng trong điều trị viêm âm đạo hay các vấn đề về rối loạn nội tiết tố trong thời kỳ tiền mãn kinh.
Viêm âm đạo thường được biết đến là nhiễm trùng nấm men (nấm candida). Theo các chuyên gia sản phụ, 3 trong 4 nữ giới bị nhiễm nấm âm đạo và có đến hơn 5% phụ nữ có nguy cơ tái nhiễm nhiều lần. Hầu như phụ nữ đều có nguy cơ nhiễm nấm âm đạo ít nhất một lần trong đời.
Để giúp điều trị nấm âm đạo, các bác sĩ phụ khoa sẽ chẩn đoán sau đó đưa ra các chỉ định những phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng nhiễm trùng, sức khỏe cũng như nhu cầu của bạn.
Để hạn chế các tác dụng phụ của thuốc kháng nấm trên toàn thân, tình trạng nhiễm trùng nấm men thường được kiểm soát bằng thuốc đặt phụ khoa. Viên đặt được dùng trong liệu trình liên tiếp 7 ngày để có thể đảm bảo trị tận gốc nấm men và tránh bệnh tái phát.
Trường hợp nào cần đặt thuốc phụ khoa?
Cách đặt thuốc phụ khoa tại nhà
Cách dùng thuốc đặt phụ khoa như thế nào? Dưới đây là hướng dẫn cách đặt thuốc phụ khoa tại nhà với dụng cụ bơm cho trường hợp bạn tự đặt hoặc đặt cho người khác. (Cách dưới đây chỉ áp dụng cho người người đã quan hệ tình dục):
- Rửa tay sau đó làm sạch vùng âm đạo với dung dịch vệ sinh phụ nữ và nước ấm, lau khô lại bằng khăn sạch
- Lấy thuốc ra khỏi bao bì sau đó đặt viên thuốc vào dụng cụ bơm
- Bạn có thể nằm ngửa hoặc đứng khom và hạ thấp đầu gối, hai chân giang rộng bằng vai. Sau đó nhẹ nhàng đưa dụng cụ bơm vào sâu trong âm đạo nhất có thể, nhưng không gây khó chịu.
- Nhấn đầu bơm thuốc để giúp đẩy thuốc vào sâu trong âm đạo
- Rút dụng cụ bơm ra khỏi âm đạo. Bạn có thể tái sử dụng dụng cụ bơm hay không tùy thuộc vào hướng dẫn sử dụng.
- Sau khi thực hiện cách dùng viên đặt phụ khoa tại nhà, bạn rửa sạch tay bằng xà phòng nhẹ và nước ấm.
Đối với cách dùng thuốc phụ khoa không dùng dụng cụ bơm, bạn hãy thực hiện đúng quy trình như trên, sau đó cầm thuốc bằng ngón cái và ngón trỏ để đặt thuốc vào âm đạo, dùng ngón trỏ đẩy thuốc sâu vào bên trong nhất có thể, sau đó rửa sạch tay. Bạn nên làm theo đúng hướng dẫn đặt thuốc phụ khoa để có được công dụng tốt nhất.
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc đặt phụ khoa
Viêm nhiễm âm đạo thường do một tác nhân chính gây ra, có các triệu chứng điển hình và có thể tự nhận biết hoặc khám lâm sàng. Bạn nên làm xét nghiệm dịch tiết âm đạo, soi tươi xác định sự có mặt tác nhân đó.
Những xét nghiệm này dễ và ít tốn kém, hầu hết cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên đều có thể làm được. Khi đã khám lâm sàng và xét nghiệm thì việc dùng thuốc là đúng. Chỉ khi nào thật cần mới dùng đến các kỹ thuật xét nghiệm khó, đắt tiền và ở tuyến cao.
Lưu ý cần dùng đủ liều, trong khoảng 7 – 10 ngày, không nên dùng quá 14 ngày. Khi đã dùng đúng mà vẫn không đáp ứng thì có thể thay thuốc. Không nên dùng kéo dài vì sẽ dễ sinh kháng thuốc. Một trường hợp sinh kháng thuốc khác là do dùng liều quá thấp, hoặc dùng không đều đặn.
Khi bệnh nặng, việc dùng thuốc đặt không hiệu quả thì có thể dùng kết hợp với thuốc uống. Chẳng hạn như viêm âm đạo do candida khởi đầu dùng thuốc bôi, thuốc đặt clotrimazol, khi cần thiết mới dùng kết hợp với thuốc uống, mạnh là fluconazol.
Viêm âm đạo có khả năng tái đi tái lại (do nhiễm lại từ bên ngoài hoặc do tự nhiễm từ chính mình). Với lần đầu nên chọn một thuốc đặc hiệu, có tác dụng vừa phải và rẻ tiền, chỉ khi không đáp ứng được mới dùng thuốc đặc hiệu khác mạnh và đắt tiền hơn.
Như vậy, qua bài viết trên bạn đã biết cách đặt thuốc phụ khoa đúng cách và an toàn. Khi sử dụng đúng cách và đúng liều lượng chỉ định, công dụng của thuốc đặt phụ khoa sẽ phát huy tốt nhờ khả năng hòa tan nhanh vào máu. Hy vọng những thông tin trên sẽ mang đến hữu ích cho bạn.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.