Lactobacillus là gì? Tác dụng và những điều cần lưu ý
Lactobacillus acidophilus (L. acidophilus) là một loại vi khuẩn xuất hiện trong men vi sinh và đồ ăn lên men với vai trò hỗ trợ tiêu hóa. Bài viết này của Pharmacity sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Lactobacillus, cũng như những lợi ích và cách sử dụng hiệu quả của loại vi khuẩn này.
Tổng quan về Lactobacillus
Men vi sinh (Probiotic) hay còn gọi là lợi khuẩn, là những vi sinh vật (vi khuẩn hoặc nấm men) có trong cơ thể, mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe nếu tồn tại với số lượng hợp lý. Chúng cũng là một phần của hệ miễn dịch. Có hai loại lợi khuẩn phổ biến là Lactobacillus và Bifidobacteria.
Vi khuẩn Lactobacillus thường xuất hiện trong hệ tiêu hóa, hệ bài tiết và hệ sinh dục của cơ thể người. Hơn nữa, chúng còn được tìm thấy trong các loại thực phẩm lên men như sữa chua, nấm sữa, các loại dưa chua, ô-liu, một số loại đậu, hạt lên men hay trong một số các sản phẩm thực phẩm chức năng.
Lactobacillus tạo ra Lactase, Enzyme giúp phân giải Lactose. Những loại vi khuẩn này cũng tạo ra Acid lactic giúp kiểm soát quần thể vi khuẩn có hại.
Mỹ phẩm chứa lợi khuẩn gồm 3 loại: Mỹ phẩm với vi khuẩn “ngừng hoạt động”, mỹ phẩm với vi khuẩn “sống” và mỹ phẩm lên men.
Dạng bào chế của lợi khuẩn Lactobacillus
Vi khuẩn có lợi này có thể có những dạng bào chế như:
- Gói thuốc dạng bột hoặc cốm có 100 triệu hoặc 1 tỷ vi khuẩn đông khô.
- Viên nén thường hoặc viên tan trong ruột có chứa 300 – 600 triệu vi khuẩn đông khô.
- Viên nang thường hoặc viên nang tan trong ruột có chứa 1 – 5 tỷ vi khuẩn đông khô.
- Gói thuốc dạng bột chứa 5 tỷ – 10 tỷ xác vi khuẩn đã tiêu diệt bằng nhiệt độ.
- Hỗn dịch có 350 – 500 triệu vi khuẩn trong ống 5ml.
Cơ chế hoạt động của Lactobacillus
Trong môi trường không có không khí, các lợi khuẩn Lactobacillus có khả năng phân nhỏ đường và Protein trong chất hữu cơ, chuyển hóa chúng thành Acid lactic sau một khoảng thời gian ủ men. Với các tính chất tương tự như nhiều loại khuẩn Acid lactic khác, Lactobacillus tạo nên một môi trường mang tính axit giúp hạn chế sự phát triển của vi khuẩn và vi trùng có hại, đồng thời giúp chia nhỏ các thành phần bổ dưỡng để chúng trở nên đậm đặc và giàu dưỡng chất hơn.
Hơn nữa, Lactobacillus còn giúp thúc đẩy việc sản xuất của các thành phần có lợi khác như Amino acid, Peptide hay Protein kháng sinh mới, có khả năng kháng khuẩn phổ rộng. Quá trình lên men sẽ tạo ra một phiên bản mới của thành phần gốc nhưng bền vững, cô đặc và giàu dinh dưỡng hơn gấp nhiều lần so với ban đầu.
Công dụng của Lactobacillus
Lợi khuẩn là nguồn khoáng chất tự nhiên và vitamin dồi dào gồm các loại Vitamin B, Protein, Peptide, Acid amin, Carbohydrate hay Nucleic. Những dưỡng chất này vừa tái tạo và nuôi dưỡng da vừa giúp làm tăng cường dưỡng ẩm cho làn da. Do đó, phương pháp lên men với Lactobacillus giúp dưỡng chất có trong mỹ phẩm trở nên cô đặc, giàu dinh dưỡng và giúp bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho da.
Sau quá trình lên men, các loại dưỡng chất được chia thành dạng phân tử có kích thước nhỏ và cô đặc hơn nên sẽ dễ dàng thấm sâu hơn vào da, có công dụng chống lão hóa hiệu quả, giúp săn chắc da hay làm trắng sáng da nhanh chóng.
Đặc biệt, các thành phần lên men thường mang tính kháng khuẩn và bền vững hơn nhiều lần so với thành phần gốc. Do đó, các nhà sản xuất sẽ giúp hạn chế tối đa việc sử dụng các chất bảo quản có trong mỹ phẩm.
Một lợi ích quan trọng khác của lợi khuẩn trong quá trình lên men là nhờ vào sự sản sinh Acid lactic – đây là một trong những loại AHAs phổ biến nhất. Acid lactic là một chất tẩy da chết hóa học, làm bong các tế bào chết trên bề mặt da, giúp da trở nên mềm mại và mượt mà hơn.
Tuy vậy, so với Acid glycolic, Acid lactic không làm mỏng da tạm thời nên thường được lựa chọn tối ưu cho những mùa nắng gắt. Hơn nữa, khả năng cấp nước của Acid lactic cũng đã được công nhận bởi tổ chức FDA của Mỹ nên sẽ rất an toàn cho làn da khô, bong tróc, kể cả trong mùa đông lạnh.
Theo như các nghiên cứu khoa học, lợi khuẩn có sức ảnh hưởng tích cực tới sức khỏe của làn da như giúp cải thiện viêm da dị ứng, thúc đẩy quá trình lành sẹo và làm tăng sức đề kháng của da. Khi được bôi ngoài da, các lợi khuẩn này sẽ có khả năng giảm sưng, giảm tấy đỏ hay giảm ngứa, đặc biệt tốt cho những người mắc chứng eczema hay chứng đỏ da (rosacea).
Thêm vào đó, một số nghiên cứu mới cũng đã cho thấy khả năng đầy hứa hẹn của lợi khuẩn Lactobacillus trong quá trình điều trị mụn nhờ khả năng chống khuẩn và chống sưng.
Liều dùng và cách dùng Lactobacillus
Liều dùng Lactobacillus
Đối với lợi khuẩn Lactobacillus, liều dùng được tính bằng số vi khuẩn trong một viên thuốc, đơn vị là CFU.
Nếu bạn đang sử dụng Lactobacillus như một chất bổ sung, bạn có thể dùng từ 50 triệu đến 100 tỷ đơn vị hình thành khuẩn lạc (CFU) mỗi ngày. Liều khuyến cáo của một số dạng chế phẩm như sau:
- Sản phẩm có Lactobacillus và natri carboxymethylcellulose: 2 viên nang/lần, 2-4 lần/ngày.
- Sản phẩm có Lactobacillus và L. bulgaricus: 2 viên nang/lần, 4 viên nén/lần hoặc 1 gói hạt/lần, ngày uống 3 – 4 lần.
- Chế phẩm tan trong ruột có chứa Lactobacillus và L. casei: 1 viên nang/lần/ngày trong vòng 2 tuần đầu, nếu cần có thể tăng liều tới tối đa 3 viên nang/ngày.
- Một số các sản phẩm khác, cần đọc kĩ liều dùng trên nhãn hoặc tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc.
Mỗi người có thể hấp thụ từ 100 triệu đến 50 tỷ CFU mỗi ngày tối đa trong 3 tháng.
Cách dùng Lactobacillus
Nếu dùng dạng gói, viên, bạn nên sử dụng đúng chỉ định ghi trên nhãn.
Thuốc Lactobacillus acidophilus thường được uống cùng với nước lọc, sữa hoặc với nước trái cây đều được. Bạn có thể nhai hay nuốt nguyên viên nang, viên nén hay các hạt. Nếu dùng dạng viên tan trong ruột thì phải nuốt nguyên viên. Nếu dùng viên nén cho trẻ em thì cần nghiền trước khi cho trẻ uống.
Nhiều loại thực phẩm và đồ uống có chứa lợi khuẩn này như pho mát, sữa chua, kim chi, đậu nành lên men, sữa uống lên men. Bạn có thể thêm chúng vào thực đơn hằng ngày.
Tác dụng phụ khi dùng Lactobacillus
Lợi khuẩn này được coi là an toàn. Hầu hết mọi người đều không có phản ứng với lợi khuẩn Lactobacillus.
Một số các tác dụng phụ nhỏ, thường gặp gồm có:
- Đau bụng nhẹ
- Đầy bụng, ợ hơi
- Tiêu chảy
- Táo bón.
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng như sốt hoặc ớn lạnh, hãy ngưng dùng lợi khuẩn Lactobacillus acidophilus ngay lập tức và gọi cho bác sĩ.
Trong trường hợp bạn gặp phản ứng dị ứng nghiêm trọng đối với các triệu chứng ngứa, phát ban, sưng mặt – môi – lưỡi – cổ họng, khó thở, chóng mặt thì hãy gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện gần nhất.
Một số các tác dụng bất lợi đã được ghi nhận ở những đối tượng đặc biệt gồm có:
- Nhiễm trùng máu ở những người đặt ống thông tĩnh mạch, hóa trị ung thư, người bị suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS, đang sử dụng thuốc chống thải trừ ghép tạng.
- Sẹo gan ở những người bệnh xơ gan
- Hội chứng ruột ngắn và viêm ruột ở người mắc bệnh đường tiêu hóa
- Nhiễm trùng nội tâm mạc và van tim.
Không phải bất kỳ ai cũng biểu hiện các tác dụng phụ như trên. Có thể có những tác dụng phụ khác không được đề cập đến. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến thầy thuốc hay bác sĩ của bạn.
Lưu ý khi dùng Lactobacillus
Người dùng các loại mỹ phẩm lợi khuẩn cần lưu ý những điểm sau:
Thời hạn sử dụng ngắn
Do không chứa chất bảo quản nên những mỹ phẩm lên men có thời hạn sử dụng khá ngắn. Đối với những sản phẩm chưa mở nắp, thời hạn sử dụng là khoảng 12 tháng, với sản phẩm đã mở nắp là dưới 6 tháng. Vì thế, nếu sử dụng những sản phẩm dưỡng da có chứa thành phần lên men, bạn nên chú ý đến thời hạn sử dụng. Để giúp tránh lãng phí, chỉ nên sử dụng sản phẩm có kích cỡ nhỏ .
Cách bảo quản cũng rất quan trọng khi sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm lên men. Bạn cần bảo quản sản phẩm đúng cách ở nơi khô thoáng và tránh ánh sáng chiếu trực tiếp hoặc nhiệt độ cao để giúp giữ đúng thời hạn sử dụng được ghi trên bao bì. Khi nhận thấy sản phẩm đang dùng bị đổi màu, có mùi khác lạ, thậm chí xuất hiện nấm mốc, bạn cần ngưng sử dụng ngay lập tức nhằm tránh các nguy cơ gây ngứa đỏ, nổi mụn hay viêm nhiễm trên da dù sản phẩm chưa hết hạn.
Chọn thành phần lên men phù hợp với loại da
Cũng giống như những sản phẩm mỹ phẩm truyền thống, có nhiều thành phần có thể lên men được sử dụng để làm ra mỹ phẩm lên men để thích hợp cho mọi loại da cũng như mọi nhu cầu dưỡng da. Trước khi chăm sóc da bằng mỹ phẩm lên men, bạn nên hiểu rõ đặc tính làn da của bạn và mục đích dưỡng da thế nào, từ đó chọn lựa thành phần lên men phù hợp nhất.
Nếu bạn muốn sở hữu làn da sáng mịn, đều màu và bóng khỏe từ bên trong thì các thành phần lên men từ đậu nành, đậu tương, gạo,… chứa hàm lượng các vitamin B, E và các chất béo Omega 3, Omega 6,… sẽ thích hợp để giúp nuôi dưỡng làn da trắng.
Kích ứng, dị ứng
Dù các sản phẩm mỹ phẩm lên men không có chứa chất bảo quản và các vi khuẩn gây hại, tuy nhiên vẫn không thể tránh khả năng bị kích ứng, dị ứng trong quá trình sử dụng. Do đó, khi dùng mỹ phẩm lên men, bạn nên thử dùng một lượng nhỏ ở vùng da tay, cổ,… trước khi dùng cho toàn bộ khuôn mặt để giúp ngăn ngừa tình trạng bị kích ứng và dị ứng.
Lactobacillus không chỉ đơn thuần là một loại vi khuẩn, mà còn là một phần quan trọng của hệ sinh thái trong cơ thể chúng ta. Hiểu rõ về vai trò của Lactobacillus sẽ giúp bạn có những lựa chọn đúng đắn để chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình.