Thuốc giảm đau bụng kinh: Cách dùng và tác hại khi lạm dụng
Đau thắt vùng bụng dưới gây cảm giác rất khó chịu là triệu chứng thường gặp ở một số người khi đến kỳ kinh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người phụ nữ. Vì vậy, thuốc giảm đau đã là một cứu cánh giúp họ vượt qua sự khó chịu này. Tuy nhiên, nếu lạm dụng sẽ gây ra nhiều hệ lụy…
Các thuốc thường dùng
Thuốc giảm đau paracetamol: Trong những trường hợp đau nhẹ có thể dùng thuốc giảm đau thông thường paracetamol. Thuốc có tác dụng làm dịu cơn đau và ít có tác dụng phụ hơn các thuốc khác. Tuy nhiên khi dùng thuốc này cần chú ý: Trên thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm có chứa paracetamol, hơn nữa đây cũng là loại thuốc có rất nhiều dạng dùng… vì thế người dùng cần đọc kỹ thành phần của thuốc để tránh dùng nhiều sản phẩm cùng lúc đều chứa hoạt chất này, sẽ gây quá liều, gây hại cho người dùng.
Ngoài ra, paracetamol còn được phối hợp với thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen. Sự kết hợp này có tác dụng hiệp đồng giúp giảm đau nhanh chóng.
Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): Nguyên nhân gây đau bụng kinh là do khi đến kỳ kinh, cơ thể nữ giới giải phóng prostaglandin khiến cho nồng độ hormon này tăng cao. Prostaglandin không chỉ gây co bóp tại cơ tử cung mà còn thúc đẩy quá trình co bóp của các mạch máu trong đó khiến các cơn đau càng dữ dội hơn. Các thuốc như diclofenac, ibuprofen, indomethacin, ketoprofen, naproxen, piroxicam… có tác dụng ức chế cyclo-oxygenase (COX) nên ức chế tổng hợp prostaglandin, nên được dùng nhiều để giảm cơn đau bụng kinh.
Không nên dùng các thuốc này ở những người bị loét tiêu hóa, bị khó tiêu hoặc các rối loạn tiêu hóa khác. Những người bị hen phế quản, bệnh thận hoặc đang bị mất nước cũng không nên dùng các thuốc này. Khi dùng thuốc nên uống thuốc trong hoặc ngay sau bữa ăn để tránh kích ứng dạ dày. Không phối hợp các thuốc NSAID với nhau vì sẽ làm tăng độc tính của thuốc. Nên sử dụng thuốc ở liều thấp nhất có thể và trong thời gian ngắn nhất có thể để tránh tác dụng phụ của thuốc.
Thuốc chống co thắt: Trong nhóm thuốc chống co thắt thì alverin là thuốc hay được dùng để giảm cơn đau bụng kinh. Alverin có tác dụng chống co thắt, giúp giảm đau do co thắt cơ, có thể dùng theo đường uống (với dạng viên nén, viên nang) hoặc đặt hậu môn (với dạng viên đạn đặt hậu môn).
Không dùng thuốc trong các trường hợp: quá mẫn với bất cứ thành phần nào của thuốc, tắc ruột hoặc liệt ruột, tắc ruột do phân, mất trương lực đại tràng… Khi dùng thuốc người dùng có thể thấy buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, ngứa, phát ban, phản ứng dị ứng…
Tuy nhiên, các tác dụng phụ này thường nhẹ, không cần phải xử trí. Trong trường hợp ngứa, phát bạn cần ngừng thuốc và theo dõi phản ứng phản vệ (mặc dù phản ứng này rất hiếm xảy ra). Ngoài ra, có thể dùng các thuốc điều trị hỗ trợ như thuốc bổ đa sinh tố và muối khoáng, thuốc bổ chứa chất sắt, canxi, vitamin nhóm B…
Không nên lạm dụng
Việc dùng các thuốc làm giảm đau bụng kinh cũng nên theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Người bệnh không nên lạm dụng, vì việc lạm dụng các thuốc này cũng sẽ gây ra nhiều bất lợi như:
Gây tổn thương gan: Điển hình của việc gây hại gan là dùng quá nhiều sản phẩm chứa paracetamol để giảm đau, nhất là ở những người đã và đang có vấn đề về gan, uống rượu trong khi dùng thuốc (sẽ gây tăng độc tính với gan của paracetamol), nên tránh hoặc hạn chế uống rượu khi dùng thuốc. Khi gan bị tổn thương người bệnh sẽ có cảm giác buồn nôn, chán ăn, da xanh xao, sút cân nhanh chóng…
Viêm loét đường tiêu hóa: Các thuốc giảm đau không steroid hay gây bất lợi này. Do ức chế COX (cyclo-oxygenase) nên ức chế tổng hợp prostaglandin (prostaglandin là chất gây đau nhưng cũng là chất có tác dụng tăng giảm chất nhầy ở dạ dày để bảo vệ niêm mạc dạ dày). Khi bị ức chế sẽ làm giảm tạo thành chất nhầy của niêm mạc dạ dày – tá tràng. Khi chất nhầy bảo vệ bị suy giảm thì acid trong dạ dày sẽ tấn công niêm mạc và gây loét. Các NSAID đều có đặc tính chung là các dẫn chất acid có độ tan kém.
Ngoài ra, các dẫn chất này khi ở môi trường acid dạ dày lại rất khó tan, sẽ kết tụ thành từng đám, tinh thể acid trong dạ dày sẽ kích thích trực tiếp gây loét. Vì thế nếu như dùng đường uống thuốc sẽ gây loét theo 2 cơ chế: kích ứng trực tiếp dạ dày và do giảm chất nhầy. Vì vậy, nếu thường xuyên dùng thuốc giảm đau này trong những “ngày đèn đỏ” sẽ dẫn đến loét dạ dày thậm chí có thể gây ra xuất huyết hệ tiêu hóa, nguy hiểm đến tính mạng.
Che lấp những căn bệnh khác: Sử dụng thuốc giảm đau nhiều sẽ che lấp các triệu chứng có liên quan đến bệnh khác ở đường tiêu hóa cũng như ở cơ quan sinh dục, làm muộn chẩn đoán các bệnh lý này.
Một số cách giúp giảm đau bụng kinh
Lấy một bình nước nóng hoặc một túi nước nóng áp lên vùng bụng dưới để giúp làm giảm cơn đau; uống nhiều nước, hạn chế dùng nhiều muối và cà phê nhằm tránh tình trạng giữ nước và đầy hơi, gây đau; tập thể dục đều đặn làm tăng tuần hoàn trong vùng chậu và làm giảm cường độ cơn đau bụng; nghỉ ngơi và thư giãn có thể làm giảm cơn đau trong thời kỳ hành kinh.
Trong trường hợp cơn đau kéo dài hơn 2 ngày sau khi bắt đầu kỳ kinh, hãy đến bác sĩ để khám, tư vấn và dùng thuốc theo chỉ định.
Nguồn: DS. Hoàng Thu Thủy
Bạn có thể xem thêm: