Làm thế nào để phòng ngừa bệnh động mạch ngoại biên?
Bệnh động mạch ngoại biên (Peripheral artery disease – PAD) là sự thu hẹp hoặc tắc nghẽn của các mạch mang máu từ tim đến cơ quan. Nó chủ yếu được gây ra bởi sự tích tụ mảng bám cholesterol trong động mạch, được gọi là xơ vữa động mạch. PAD có thể xảy ra trong bất kỳ mạch máu nào, nhưng thường gặp ở chân.
Nếu bạn bị bệnh động mạch ngoại biên, bạn có nguy cơ phát triển bệnh động mạch vành và bệnh mạch máu não, có thể dẫn đến đau tim hoặc đột quỵ.
Việc nhận biết được triệu chứng bệnh động mạch ngoại biên, nguyên nhân gây bệnh và cách phòng ngừa bệnh là điều rất cần thiết để duy trì một sức khỏe ổn định.
Triệu chứng của động mạch ngoại biên
Triệu chứng thường thấy của PAD là đau ở chân khi hoạt động thể chất (đau chân cách hồi), chẳng hạn như đi bộ, tình trạng này sẽ đỡ hơn sau khi nghỉ ngơi. Đau cách hồi là sự biểu hiện của thiếu máu có thể hồi phục liên quan gắng sức, tương tự như cơn đau thắt ngực. Tuy nhiên, có tới 4 trên 10 người bị PAD không bị đau chân. Các triệu chứng đau, nhức hoặc chuột rút khi đi bộ có thể xảy ra ở mông, hông, đùi hoặc bắp chân.
Các dấu hiệu thực thể ở chân có thể chỉ ra PAD bao gồm:
- Teo cơ (yếu cơ)
- Rụng lông
- Làn da trở nên trơn bóng, chạm vào thấy lạnh hơn bình thường
- Đau khi đi bộ (thuyên giảm bằng cách ngừng đi bộ)
- Giảm hoặc mất cảm giác ở bàn chân, loét ở chân hoặc bàn chân, vết loét khó hoặc không lành, ngón chân tê lạnh.
Nguyên nhân gây ra động mạch ngoại biên
Mảng xơ vữa hình thành trong lòng động mạch
Nguyên nhân bệnh động mạch ngoại biên xảy ra chủ yếu là sự xơ vữa mạch máu. Mảng xơ vữa hình thành bởi sự tích tụ cholesterol xấu trên thành động mạch từ đó làm giảm lưu lượng máu qua các động mạch.
Xơ vữa động mạch ảnh hưởng đến các động mạch trên khắp cơ thể. Khi nó xảy ra trong các động mạch cung cấp máu cho các chi, nó gây ra bệnh động mạch ngoại biên.
Các nguyên nhân ít phổ biến hơn của bệnh động mạch ngoại biên bao gồm:
- Viêm mạch máu
- Chấn thương cánh tay hoặc chân
- Thay đổi cơ bắp hoặc dây chằng
- Tiếp xúc với bức xạ
Hút thuốc hoặc mắc bệnh tiểu đường làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển bệnh động mạch ngoại biên. Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc PAD sớm hơn 10 năm so với người bình thường. Ở bệnh nhân tiểu đường, lớp nội mạc mạch máu cũng dễ bị tổn thương làm tăng nguy cơ lắng đọng cholesterol vào thành mạch.
Những thứ khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch ngoại biên bao gồm:
- Tiền sử gia đình mắc bệnh động mạch ngoại biên, bệnh tim hoặc đột quỵ
- Huyết áp cao: Áp lực trong thành mạch tăng lên có thể gây tổn thương thành mạch và gây lắng đọng các chất mỡ vào thành mạch.
- Cholesterol cao
- Nồng độ cao của một axit amin gọi là homocysteine, làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành
- Người cao tuổi, đặc biệt là sau 65 (hoặc sau 50 nếu bạn có các yếu tố nguy cơ xơ vữa động mạch)
- Béo phì (chỉ số cơ thể BMI > 30)
- Lối sống ít vận động: Hoạt động thể lực thường xuyên làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ, nó cũng làm tăng độ dài quãng đường mà người bị bệnh động mạch ngoại biên có thể đi mà không bị đau chân. Chương trình tập luyện thể lực có giám sát là một trong những phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân bị bệnh động mạch ngoại biên.
Biện pháp phòng ngừa động mạch ngoại biên
Phòng ngừa bệnh động mạch ngoại biên
Với sự phát triển thầm lặng của bệnh, việc nhận thức được các yếu tố nguy cơ và phòng ngừa PAD là điều cần thiết.
- Hoạt động thể chất nhiều để giúp ngăn ngừa PAD và cải thiện các triệu chứng của PAD.
- Không sử dụng thuốc lá. Hút thuốc làm tăng nguy cơ PAD và làm cho các triệu chứng PAD tồi tệ hơn.
- Kiểm soát huyết áp cao và kiểm soát cholesterol trong máu cao và bệnh tiểu đường.
- Nếu bạn bị PAD, hãy tham gia vào các chương trình đào tạo tập thể dục có giám sát để cải thiện và kéo dài khả năng đi bộ quãng đường dài hơn.
- Thay đổi chế độ ăn uống, giảm lượng chất béo, tinh bột từ thức ăn. Những thay đổi này cũng sẽ làm giảm viêm trong mạch máu và trong toàn bộ cơ thể của bạn.
Xin lưu ý rằng:
- Nhiều người nhầm lẫn các triệu chứng của PAD với một bệnh gì đó khác.
- PAD thường không được chẩn đoán bởi các chuyên gia chăm sóc sức khỏe.
- Những người bị PAD có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành, đau tim và đột quỵ cao hơn. Nếu không được điều trị, PAD có thể dẫn đến hoại thư và cắt cụt chi.
- Nếu bạn bị chuột rút, ngứa ran hoặc yếu chân, bạn có thể bị bệnh động mạch ngoại biên. PAD có thể dẫn đến cắt cụt chân hoặc bàn chân và thậm chí đau tim hoặc đột quỵ. Phát hiện sớm để phòng ngừa bệnh động mạch ngoại biên là chìa khóa!