Lưu ý khi nuôi trẻ sinh ra từ người mẹ có HIV/AIDS
Như chúng ta đã biết, ngoài lây truyền qua đường máu và đường tình dục thì lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong ba con đường chính lây truyền HIV/AIDS. Nếu được điều trị từ sớm thì tỉ lệ trẻ sinh ra bị nhiễm HIV từ mẹ sẽ giảm. Chắc hẳn bạn sẽ thắc mắc rằng nếu mẹ bị HIV thì cho bé bú mẹ được không? Cần lưu ý gì khi chăm sóc bé sinh ra từ người mẹ có HIV/AIDS. Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn vấn đề này qua bài viết dưới đây.
Định nghĩa HIV/AIDS
HIV (Viết tắt từ các chữ cái đầu của cụm từ tiếng Anh: Human Immunodeficiency Virus) là tên gọi tắt của một loại virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người.
AIDS là tên bệnh gọi tắt bằng tiếng Anh: Acquired Immuno Deficiency Syndrome, tên tiếng Pháp là SIDA, có nghĩa là Hội chứng Suy giảm Miễn dịch Mắc phải. Đây chính là giai đoạn cuối của một bệnh lây truyền ở người do mắc phải loại siêu vi tên là HIV. HIV làm suy yếu dần dần hệ miễn dịch là hàng rào phòng thủ chống lại bệnh tật của cơ thể, khiến cho các mầm bệnh thừa cơ hội tấn công gây ra nhiều chứng và bệnh nguy hiểm dẫn đến tử vong.
HIV/AIDS là căn bệnh nguy hiểm gây suy giảm hệ miễn dịch
Tỷ lệ trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV
Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong ba con đường chính làm lây truyền HIV/AIDS, với nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con là 25-40%. Tuy nhiên, nếu bà mẹ được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả thì tỉ lệ lây truyền từ mẹ sang con chỉ còn 2-6%, thậm chí là 0%.
Lưu ý khi nuôi trẻ sinh ra từ người mẹ có HIV
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, vì vi-rút HIV có thể qua sữa mẹ truyền sang cho con nên bà mẹ nhiễm HIV không nên cho con bú mẹ mà nên cho con bú sữa ngoài thay thế sữa mẹ.
Theo Tổ chức y tế thế giới, nếu 100 bà mẹ nhiễm HIV không được uống thuốc dự phòng lây truyền HIV sang con thì có nguy cơ là 30 trẻ sinh ra sẽ bị nhiễm HIV và nếu bà mẹ đó cho trẻ bú mẹ thì nguy cơ sau này sẽ tăng lên thành 45 trẻ bị nhiễm HIV.
Các sữa thay thế gồm:
- Sữa công thức: Mặc dù không thể tốt bằng sữa mẹ nhưng sữa công thức có chất dinh dưỡng gần giống với sữa mẹ, vì vậy các chuyên gia khuyến cáo nên sử dụng để thay thế sữa mẹ khi có mẹ nhiễm HIV.
- Sữa bột nguyên kem và sữa làm đông khô: Các vi chất dinh dưỡng có trong sữa đạt nhu cầu nhưng chưa cân đối như sữa mẹ. Tuy nhiên vẫn có thể sử dụng để thay thế cho trẻ bú.
- Sữa từ gia súc tại nhà tự chế biến: Ví dụ như sữa cừu, sữa bò, sữa dê. Thành phần các chất dinh dưỡng thường thiếu, đặc biệt là vi chất dinh dưỡng, nên các chuyên gia khuyến nghị nên hạn chế sử dụng hơn so với hai loại sữa trên.
Trong trường hợp không đủ điều kiện nuôi trẻ có mẹ nhiễm HIV như trên thì người mẹ bị nhiễm HIV có thể lựa chọn cách cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và ít nhất là 3 tháng để nhận các chất dinh dưỡng và đề kháng từ người mẹ. Tuy nhiên, khả năng lây truyền virus HIV có trong sữa mẹ sang con là khoảng 15-20%. Vì vậy, để giảm nguy cơ lây truyền HIV cho con, người mẹ có HIV cần thực hiện như sau:
- Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn khi mẹ và trẻ không có biểu hiện của nhiễm trùng da, miệng. Nếu có cần điều trị rồi mới cho trẻ bú.
- Khi có điều kiện để ăn bổ sung thì phải cho trẻ ngừng hẳn bú mẹ rồi chuyển sang ăn bổ sung và uống thêm sữa công thức dành cho trẻ 6 tháng đầu đời.
- Nuôi trẻ bằng sữa mẹ đã được xử lý virus HIV: Mẹ hãy vắt sữa ra và đun sôi 100 độ để diệt vi rút HIV, sau đó làm lạnh ngay và cho trẻ ăn.
- Bú trực: Việc làm này vừa giúp giảm khả năng nhiễm HIV ở trẻ sơ sinh vừa giúp trẻ được tận hưởng dòng sữa mẹ ngọt ngào và các chất dinh dưỡng có trong sữa mẹ. Tuy nhiên, khi áp dụng cách này thì phải đảm bảo người cho bé bú trực hoàn toàn khỏe mạnh và không bị nhiễm HIV.
Lưu ý: Tuyệt đối không nuôi trẻ phối hợp giữa bú mẹ và nuôi sữa thay thế vì tăng nguy cơ lây truyền cho trẻ, tăng nguy cơ tử vong gấp 6 lần do mắc các bệnh nhiễm trùng của trẻ.
Nên cho con bú sữa ngoài thay thế giúp hạn chế nguy cơ bị nhiễm HIV từ mẹ
Làm gì để loại trừ nguy cơ nhiễm HIV cho con?
Trong khi mang thai
- Thực hiện tư vấn đầy đủ trước và sau xét nghiệm HIV ở phụ nữ mang thai;
- Tư vấn về dinh dưỡng khi mang thai và nuôi dưỡng trẻ sau sinh;
- Tư vấn về nguy cơ và bất lợi có thể xảy ra khi mang thai, sinh đẻ và việc nuôi dưỡng,chăm sóc trẻ sau này;
- Tư vấn hỗ trợ tinh thần, thực hiện các hành vi an toàn tránh để lây nhiễm HIV cho bản thân và người xung quanh.
- Tập huấn sẵn sàng điều trị bằng ARV và thực hành tuân thủ thuốc ARV.
Trong khi sinh
- Đảm bảo các nguyên tắc vô khuẩn trong sản khoa.
- Hạn chế các thủ thuật như: bấm ối, mổ lấy thai, đặt điện cực, rạch màng ối sớm.
- Tắm cho trẻ ngay sau sinh
Sau khi sinh
- Thực hiện cấp phát đủ liều thuốc ARV cho mẹ nếu mẹ và trẻ được xuất viện sớm.
- Chuyển tiếp hồ sơ đến cơ sở chăm sóc và điều trị HIV dành cho người lớn để người mẹ được chăm sóc và điều trị lâu dài.
Tóm lại, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là việc rất quan trọng. Nhằm giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con ở người mẹ mang thai bị nhiễm HIV thì người mẹ cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn, chăm sóc thai sản và theo dõi, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.