Magnesium Hydroxide là gì? Có thực sự tốt cho dạ dày?
Khi bạn gặp tình trạng ợ chua, đau bụng hoặc táo bón, thông thường các bác sĩ có thể kê đơn thuốc Magnesium Hydroxide để làm giảm các triệu chứng này. Vậy Magnesium Hydroxide là thuốc gì? Liều dùng như thế nào là phù hợp? Hãy cùng Pharmacity giải đáp các thắc mắc trên một cách chi tiết nhất ngay trong bài viết sau.
Tác dụng của Magnesium hydroxide
Magnesium Hydroxide là một loại thuốc nhuận tràng thẩm thấu, có tác dụng kéo nước vào lòng ruột và kích thích nhu động ruột. Vì thế, thuốc được dùng để điều trị tình trạng táo bón diễn ra trong thời gian ngắn, trung hòa axit có trong dạ dày khi bạn ợ nóng, khó tiêu hay rối loạn tiêu hóa.
Liều dùng của Magnesium hydroxide
Liều dùng thuốc Magnesium hydroxide sẽ được điều chỉnh phù hợp với từng đối tượng, cụ thể là:
Đối với người lớn
Liều lượng thuốc dành cho người lớn sẽ được xác định dựa trên tình trạng bệnh, bao gồm:
- Người mắc chứng táo bón:
- Thuốc dạng lỏng: 30 – 60ml/lần/ngày hoặc có thể chia thành các liều nhỏ.
- Thuốc dạng viên: 8 viên/lần/ngày hay chia thành các liều nhỏ trong ngày.
- Người mắc chứng khó tiêu:
- Thuốc dạng lỏng: 5 – 15ml và dùng 1 – 4 lần/ngày.
- Thuốc dạng viên: 2 – 4 viên sau mỗi 4 giờ và dùng 4 lần/ngày.
Đối với trẻ em
Khi cho trẻ dùng thuốc, bạn cần tuân thủ đúng liều lượng được bác sĩ chỉ định, gồm:
- Trẻ bị táo bón:
- Thuốc dạng lỏng:
- Trẻ nhỏ hơn 1 tuổi: 0,5ml/kg cho mỗi liều.
- Trẻ từ 2 – 5 tuổi: 5 – 15ml/lần/ngày, có thể chia thành các liều nhỏ.
- Trẻ từ 6 – 12 tuổi: 15 – 30ml/lần/ngày, có thể chia thành các liều nhỏ.
- Trẻ từ 13 – 18 tuổi: 30 – 60ml/lần/ngày, có thể chia thành các liều nhỏ.
- Thuốc dạng viên:
- Bé từ 3 – 5 tuổi: 2 viên/lần/ngày, có thể chia thành các liều nhỏ.
- Bé từ 6 – 11 tuổi: 4 viên/lần/ngày, có thể chia thành các liều nhỏ.
- Bé từ 12 – 18 tuổi: 8 viên/lần/ngày hay chia thành các liều nhỏ.
- Trẻ bị khó tiêu: Chỉ áp dụng cho trẻ từ 12 – 18 tuổi, dùng từ 2 – 4 viên/lần/4 giờ và dùng 4 lần/ngày.
Cách dùng Magnesium hydroxide
Nếu bạn dùng thuốc dạng viên, hãy nhai kỹ trước khi nuốt và có thể kèm với thức ăn nhằm làm giảm tình trạng bị kích ứng dạ dày. Ngược lại, trường hợp dùng thuốc Magnesium hydroxide dạng lỏng, bạn nên lắc đều chai trước khi uống và dùng muỗng hoặc cốc đo để lấy đúng lượng thuốc. Không nên dùng muỗng ăn thông thường vì sẽ không đảm bảo đúng liều lượng của thuốc.
Ngoài ra, khi sử dụng thuốc với mục đích chữa táo bón, hãy uống thêm một cốc nước đầy (khoảng 250ml). Đặc biệt, chỉ dùng đúng liều lượng, thời gian theo chỉ dẫn của bác sĩ và không được tự ý tăng giảm liều. Bên cạnh đó, nếu tình trạng bệnh không cải thiện hoặc có dấu hiệu tiến triển xấu, bệnh nhân cần thông báo ngay cho bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời. Đối với bệnh nhân bị chứng ợ chua hay trào ngược axit thì không nên tự ý sử dụng Magnesium hydroxide liều cao liên tục quá 2 tuần mà không có chỉ định của bác sĩ.
Tác dụng phụ của Magnesium hydroxide
Các tác dụng phụ có thể gặp trong quá trình sử dụng thuốc, bao gồm:
- Người bệnh bị tiêu chảy.
- Cơ thể có phản ứng dị ứng, như ngứa, phát ban da, co thắt ngực, bị sưng ở miệng, mặt, môi hay lưỡi. Thậm chí, bạn còn cảm thấy khó thở, chán ăn, buồn nôn, yếu cơ kèm theo phản xạ kém hay nôn mửa.
Thận trọng/Cảnh báo khi dùng Magnesium hydroxide
Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, trước khi dùng thuốc thì bạn nên chia sẻ với bác sĩ hay dược sĩ khi bản thân:
- Có kế hoạch mang thai hoặc đang cho con bú.
- Cơ thể dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong thuốc.
- Bản thân đang sử dụng những loại thuốc khác, chẳng hạn là thảo dược, thực phẩm chức năng, thuốc kê toa và thuốc không kê toa.
- Đang có dự định sử dụng thuốc cho bé hay người lớn tuổi.
- Cơ thể đã hoặc đang mắc bệnh về thận.
Tương tác giữa Magnesium hydroxide và một số loại thuốc khác
Một số loại thuốc có khả năng tương tác với Magnesium hydroxide mà người dùng nên tham khảo, như là:
- Thuốc trị nấm Azole (ketoconazole), bisphosphonates (alendronate), nhựa trao đổi cation (sodium polystyrene), mycophenolate, penicillamine, tetracyclines (doxycycline), cephalosporins và thuốc kháng sinh quinolon (ciprofloxacin).
- Thuốc kháng đông, ví dụ là warfarin.
Thực tế, tương tác thuốc là tình trạng phổ biến khi sử dụng nhiều loại thuốc cùng lúc. Do đó, để tránh các tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh nên liệt kê đầy đủ các loại thuốc đang sử dụng và những thói quen sinh hoạt như hút thuốc, uống rượu bia, chế độ dinh dưỡng,…
Bảo quản thuốc Magnesium hydroxide
Khi bảo quản Magnesium hydroxide, bạn cần lưu ý nên đặt thuốc ở khu vực khô ráo, tránh ánh nắng, không để trong phòng tắm hoặc ngăn đá tủ lạnh. Mỗi loại thuốc có thể có cách bảo quản khác nhau, vì thế mà bạn hãy đọc kỹ hướng dẫn hoặc hỏi dược sĩ để bảo quản thuốc đúng cách hơn.
Các dạng bào chế thuốc Magnesium hydroxide
Hiện nay, thuốc Magnesium hydroxide được bào chế và sử dụng gồm các dạng như sau:
- Magnesium hydroxide: 500 mg/5ml và 800 mg/5ml.
- Magnesium hydroxide: 400 mg/5ml.
Hy vọng với những thông tin mà Pharmacity đã chia sẻ phía trên đã giúp bạn đọc hiểu hơn về thuốc Magnesium hydroxide thông qua công dụng, liều lượng dùng, những lưu ý quan trọng trước khi quyết định sử dụng thuốc. Ngoài ra, đừng bỏ qua việc khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bệnh tật để có biện pháp điều trị kịp thời nhé!