Măng tây: Thành phần dinh dưỡng và tác dụng đối với sức khỏe
Măng tây được biết là loại rau xanh thanh lịch và sang trọng không chỉ làm phong phú thêm mâm cơm gia đình mà còn là “siêu thực phẩm” giàu dinh dưỡng. Thực phẩm này không chỉ giàu dưỡng chất mà còn mang lại nhiều tác dụng tuyệt vời đối với sức khỏe. Vậy, những tác dụng của măng tây đối với sức khỏe là gì?
Măng tây là gì?
Măng tây (Asparagus officinalis) là loại rau thân thảo lâu năm thuộc họ Asparagaceae, thường được trồng từ thân rễ. Loại cây này có thể cao đến 100-150cm, thân mập mạp, có nhiều lông và tán lá nhiều nhánh.
Măng tây có nguồn gốc ở Châu Âu, Châu Phi và Châu Á có thể phát triển trên khắp các vùng ôn đới và nhiệt đới. Loại măng này thường được trồng trong đất có độ pH trung tính (6 – 8), thoát nước tốt và đầy đủ ánh nắng.
Măng tây được thu hoạch dưới dạng chồi non vào đầu mùa xuân, chất mềm, mọng nước và có hương vị tinh tế. Màu sắc của thân có thể là xanh lục hoặc tím, mọc thẳng và có lá bắc hình tam giác dọc theo thân.
Phân loại măng tây
Có nhiều giống măng tây khác nhau, thường được chia thành 3 loại chính như sau:
- Măng tây tím: Trong thân cây có chứa hàm lượng anthocyanins cao nên có màu tím. Thân mềm, ngọt và mùi thơm dịu, tuy nhiên lại ít chất xơ hơn so với các loại măng tây còn lại. Măng tây tím chủ yếu được trồng ở Úc.
- Măng tây xanh: Loại măng này được dùng nhiều nhất hiện nay. Do được trồng trong môi trường có nhiều ánh sáng mặt trời nên ngọn măng có màu xanh đậm, thân cây mập mạp. Mặc dù có vị hơi đắng nhưng lại chứa hàm lượng dinh dưỡng khá cao.
- Măng tây trắng: Loại măng này có nguồn gốc từ Châu Âu. Nó được trồng trong bóng tối do đó không thể quang hợp khiến cho thân có màu trắng. Trên thị trường, giá măng trắng thường đắt gấp đôi so với loại màu xanh do nguồn cung ít và tốn kém nhiều loại chi phí trong khâu sản xuất.
Thành phần dinh dưỡng của măng tây
Trước khi tìm hiểu các tác dụng của măng tây, chúng ta cùng xem qua những thành phần dinh dưỡng của loại thực phẩm này nhé.
Theo FoodData Central Search Results, trong 100g măng tây đã được chế biến có chứa:
- Năng lượng: 20kcal
- Chất béo: 0,12 gam
- Natri: 2mg
- Carbohydrate: 3,88 gam
- Đường: 1,88 gam
- Protein: 2,2 gam
- Chất xơ: 2,1 gam
- Vitamin và khoáng chất: như vitamin B6, vitamin K, vitamin B12, vitamin A, kali, kẽm,…
Tác dụng của măng tây đối với sức khỏe
Dựa vào giá trị dinh dưỡng của măng tây có thể thấy loại thực phẩm này rất tốt cho sức khỏe do chứa nhiều khoáng chất, vitamin, nhiều chất xơ và ít calo. Vậy, cụ thể ăn măng tây có tác dụng gì đối với sức khỏe?
Cải thiện sức khỏe tiêu hóa
Măng tây có tác dụng gì? Trong một nghiên cứu năm 2018 cho rằng inulin – một prebiotic có trong măng tây giúp thúc đẩy sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột, đem lại nhiều lợi cho sức khỏe đường ruột. Inulin còn là chất xơ hòa tan có thể giúp làm mềm phân, giảm khí cũng như giúp tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn.
Ngoài ra, loại măng này cũng là một nguồn thực phẩm giàu chất xơ và nước, giúp ngăn ngừa táo bón và giúp duy trì hệ tiêu hóa hoạt động khỏe mạnh.
Hỗ trợ giảm cân an toàn
Đây là một trong những tác dụng của măng tây trong làm đẹp. Sở hữu thành phần giàu chất xơ tuy nhiên lại chứa rất ít chất béo bão hòa, loại măng này là thực phẩm lý tưởng nên có trong thực đơn của những người đang bị thừa cân, béo phì. Thực phẩm này giúp hỗ trợ giảm cân một cách an toàn, không gây các tác dụng phụ như các loại thực phẩm chức năng đang bán trôi nổi trên thị trường.
Tốt cho sức khỏe mẹ bầu và thai nhi
Măng tây có tác dụng gì? Loại thực phẩm này có chứa rất nhiều folate (vitamin B9) giúp cho thai kỳ khỏe mạnh, làm giảm các nguy cơ trẻ bị dị tật ống thần kinh, chẳng hạn như nứt đốt sống.
Trong 100g măng tây cung cấp khoảng 52 mcg, đáp ứng khoảng 22% nhu cầu folate hàng ngày của phụ nữ mang thai. Việc thiếu hụt folate trong thời kỳ mang thai có thể dẫn đến nhiều biến chứng cho trẻ như tình trạng dị tật về thể chất, mất kiểm soát nhu động ruột và bàng quang, gây khó khăn trong việc học.
Chống lão hóa, kéo dài tuổi xuân
Phân tích thành phần hóa học có trong loại măng này, các nhà dinh dưỡng phát hiện ra một chất có tên gọi glutathione. Hợp chất này có công dụng chống oxy hóa, bảo vệ da khỏi các tác hại của tia cực tím có trong ánh nắng mặt trời, đồng thời giúp cải thiện các dấu hiệu lão hóa da ở phụ nữ tuổi trung niên như vết nhăn, đồi mồi, tàn nhang,…
Do đó, thay vì dùng các loại mỹ phẩm được pha trộn hóa chất độc hại, chị em nên tăng cường ăn măng tây để giúp níu giữ tuổi xuân và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Bảo vệ thị lực khỏe mạnh
Một tác dụng của măng tây là giúp bảo vệ thị lực khỏe mạnh. Do chứa các chất chống oxy hóa, đặc biệt là vitamin. Ngoài ra, axit amin glutathione có trong loại măng này cũng giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể và quáng gà.
Chống trầm cảm và cải thiện tâm trạng
Cây măng tây sở hữu hàm lượng cao các chất vitamin B12 và folate. Chúng sẽ giúp ngăn ngừa các nguy cơ bị trầm cảm ở một số người do bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng này.
Đặc biệt, loại măng này còn cung cấp tryptophan – đây là một loại axit có ảnh hưởng tích cực đến tâm trạng cũng như tinh thần, giúp bạn có được một giấc ngủ ngon hơn.
Ngăn ngừa bệnh ung thư
Quá nhiều gốc tự do trong cơ thể sẽ dẫn đến thương tổn các tế bào cũng như có thể gây ung thư. Hiện nay chưa có nghiên cứu nào chứng minh công dụng ngăn ngừa ung thư của măng tây. Tuy nhiên, loại măng này có chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp loại bỏ các gốc tự do này, vì thế có thể phòng ngừa ung thư.
Chất xơ có trong măng tây có thể giúp ngăn ngừa ung thư đại trực tràng. Theo thử nghiệm sàng lọc được công bố vào năm 2015, những người có chế độ ăn giàu chất xơ ít sẽ có khả năng phát triển ung thư đại trực tràng hơn những người ăn ít chất xơ.
Ngăn ngừa chứng loãng xương
Đây là nguồn cung cấp vitamin K dồi dào cho cơ thể. Trong một nghiên cứu vào năm 2018 đã kết luận rằng, vitamin K có thể giúp hỗ trợ sức khỏe xương theo nhiều cách khác nhau, đồng thời giúp ngăn ngừa tình trạng loãng xương.
Ngoài ra, măng tây có chứa các khoáng chất như sắt, phốt pho, kali, kẽm và magie giúp hỗ trợ sức khỏe của xương
Lưu ý khi sử dụng măng tây
Măng tây thường được xem là an toàn khi tiêu thụ. Tuy vậy, sau khi ăn, bạn có thể nhận thấy nước tiểu có màu và mùi lạ bởi vì măng tây có chứa axit – một hợp chất chứa lưu huỳnh. Axit măng tây có thể bị phân hủy và tạo ra mùi hăng cho cơ thể.
Hơn nữa, những người đang sử dụng thuốc warfarin hoặc thuốc chống đông máu khác nên cân nhắc và trao đổi với bác sĩ khi dùng vì măng tây có chứa vitamin K, có thể tương tác với warfarin, khiến thuốc kém hiệu quả hơn.
Những đối tượng không nên ăn măng tây
Loại măng này sẽ không an toàn cho những đối tượng sau:
- Những đối tượng đang bị phù nề do ảnh hưởng của bệnh thận hoặc rối loạn suy tin.
- Người đang sử dụng thuốc điều trị bệnh cao huyết áp cũng nên tránh dùng măng tây. Nếu dùng chúng cùng lúc sẽ khiến huyết áp bị tụt xuống thấp một cách đột ngột và gây nguy hiểm cho tính mạng.
- Người quá mẫn cảm hoặc dị ứng với bất cứ thành phần nào có trong măng tây.
- Bệnh nhân bị gút khi ăn măng tây có thể làm tăng axit máu do chứa nhiều purin.
Hy vọng bài viết trên của Pharmacity đã cung cấp cho bạn đọc thêm những thông tin bổ ích về măng tây cũng như những công dụng mà chúng mang lại cho sức khỏe. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích bạn nhé!